Thủ tướng Malaysia và phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ 20-21/7. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Xin Đại sứ đánh giá tầm quan trọng của chuyến thăm tới Việt Nam lần này của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đối với quan hệ song phương?
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tới Việt Nam từ ngày 20-21/7 là chuyến thăm giới thiệu của Thủ tướng Malaysia đến các nước ASEAN. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Việt Nam với tư cách Thủ tướng Malaysia kể từ khi nhậm chức vào đầu năm nay.
Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Việt Nam và là sự ghi nhận về mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước. Hơn nữa, chuyến thăm cấp cao lần này thể hiện mong muốn của cả hai nước tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược được thiết lập từ năm 2015.
Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Tan Yang Thai. (Ảnh: PA) |
Trong chuyến thăm Thủ tướng Anwar Ibrahim gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy quan hệ song phương, bao gồm quan hệ Đối tác chiến lược, trao đổi các chuyến thăm, thương mại - đầu tư, quốc phòng an ninh cũng như hợp tác khu vực.
Thủ tướng Anwar Ibrahim cũng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Malaysia-Việt Nam. Diễn đàn tạo cơ hội tuyệt vời cho Thủ tướng và phái đoàn Malaysia hiểu rõ hơn về những cơ hội để tăng cường thương mại hai chiều và thúc đẩy đầu tư.
Ngoài ra, Thủ tướng Anwar Ibrahim cũng gặp gỡ cộng đồng người Malaysia tại Việt Nam. Cộng đồng tuy khiêm tốn về số lượng, nhưng đều là thành viên tích cực đóng góp cho xã hội, chung sống hòa bình với cộng đồng địa phương. Một số thành viên của cộng đồng còn là những lãnh đạo doanh nghiệp, có đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Năm nay, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin Đại sứ chia sẻ những dấu ấn nổi bật trong quan hệ song phương thời gian qua?
Malaysia coi trọng mối quan hệ bền chặt, thiết thực với Việt Nam và cam kết phát triển, mở rộng quan hệ hơn nữa. Năm thập kỷ qua đã chứng kiến sự phát triển sâu sắc của mối quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực.
Năm 2015, Malaysia và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, hai nước đã thông qua hai Kế hoạch Hành động nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong khuôn khổ quan hệ đối tác. Kế hoạch hành động thứ hai, từ năm 2021-2025 hiện đang có hiệu lực bao gồm một số sáng kiến hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Hơn nữa, Malaysia và Việt Nam đã thiết lập các cơ chế song phương quan trọng nhằm tăng cường quan hệ, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Công nghệ (JCM) và Ủy ban hỗn hợp thương mại Malaysia - Việt Nam (JTC).
Hội nghị JCM lần thứ 7 được Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia và Việt Nam đồng chủ trì và tổ chức vào ngày 20/7. Hội nghị JTC lần thứ 4 dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2023.
Malaysia cũng đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam ở cấp độ khu vực, đặc biệt với tư cách là thành viên của ASEAN và hơn thế nữa, để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng khu vực.
Kinh tế là một điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là lĩnh vực thương mại và đầu tư. Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước thời gian tới?
Hợp tác kinh tế là một lĩnh vực quan trọng của mối quan hệ bền chặt và thiết thực giữa Malaysia và Việt Nam. Tính đến năm 2022, tổng thương mại giữa hai nước đã tăng 23% với giá trị 19,44 tỷ USD chủ yếu bao gồm các sản phẩm điện, điện tử, dầu mỏ và hóa chất. Năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 và là điểm đến xuất khẩu lớn thứ 10 của Malaysia. Trong số các nước ASEAN, Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Là một phần trong sự nỗ lực không ngừng để mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế, Malaysia và Việt Nam đã thành lập JTC. Malaysia có quan hệ kinh tế tốt với Việt Nam và tiềm năng của quan hệ kinh tế này vẫn sẽ tiếp tục được phát huy.
Việt Nam đang có các chiến lược bài bản để phát triển ngành công nghiệp Halal. Xin Đại sứ đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này? Làm thế nào để các sản phẩm Halal của Việt Nam sớm phát triển trên thị trường khu vực và quốc tế?
Malaysia được biết đến là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm và dịch vụ đa dạng được chứng nhận Halal, cụ thể như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, tài chính và du lịch. Để thúc đẩy tăng trưởng, nền kinh tế Halal của Malaysia, Chính phủ gần đây đã đưa ra Kế hoạch tổng thể ngành công nghiệp Halal 2030 (HIMP 2030).
Malaysia sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp Halal. Tôi đưa ra một số gợi ý để tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này tại Malaysia:
Thứ nhất, tăng cường nhận thức, hiểu biết về quy trình liên quan đến chứng nhận, chính sách thương mại và yêu cầu nhập khẩu của Malasyia (ví dụ như an toàn thực phẩm, Đạo luật Thực phẩm Malaysia 1983; Quy định 1985) thông qua các diễn đàn, hội thảo;
Thứ hai, việc Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia công nhận các chứng nhận tại Việt Nam cho phép các công ty Việt Nam tham khảo các tiêu chuẩn của Halal;
Thứ ba, tăng cường trao đổi giữa hai chính phủ để mở ra các cơ hội về thị trường cho cả hai nước. Halal không chỉ được coi là chứng nhận mà cần được quảng bá và phổ biến như một chuẩn mực về chất lượng và an toàn ngang bằng với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.