Back to E-magazine
e magazine
14:46 | 19/07/2022
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1

14:46 | 19/07/2022

Nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Lào giai đoạn 2012-2016 và khi nghỉ hưu lại tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cứ thế gắn bó với xứ sở triệu voi như một cái duyên. Càng nối tiếp cái duyên đó, ông càng thấm thía được tình nghĩa sâu nặng giữa hai đất nước anh em Việt Nam-Lào.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào giai đoạn 2012-2016 và khi nghỉ hưu tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cứ thế gắn bó với xứ sở triệu voi như một cái duyên. Càng nối tiếp cái duyên đó, ông càng thấm thía được tình nghĩa sâu nặng giữa hai đất nước anh em Việt Nam-Lào.

Trong những ngày tháng Bảy rộn ràng không khí kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022), chúng tôi may mắn được nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng dành thời gian chia sẻ về cái tình giữa hai dân tộc anh em Việt-Lào và cái duyên của ông với xứ sở triệu voi.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng đúc kết: “Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Người Việt Nam khi nói đến “tình sâu” thì bao giờ vế thứ hai cũng là “nghĩa nặng”.

Theo Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng, tình nghĩa Việt Nam-Lào được cấu thành từ nhiều nhân tố. Trước hết là tình nghĩa của nhân dân hai nước láng giềng với nhiều điểm tương đồng về điều kiện địa lý, khí hậu và lịch sử.

Ngay từ rất sớm, hai dân tộc Việt Nam và Lào đã gắn bó bền chặt bên nhau chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane chính là những người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện đó.

Trong quá khứ, dù là thời kỳ chịu sự xâm lược của thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ, hai nước luôn đồng cam cộng khổ, hỗ trợ lẫn nhau. Chính nhờ sự đoàn kết này, Việt Nam và Lào đã cùng nhau liên tiếp giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra rằng, tình nghĩa Việt Nam-Lào còn được cấu thành từ nhân tố hết sức đặc biệt đó là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đều có chung một nguồn gốc, đó chính là Đảng Cộng sản Đông Dương do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập và rèn luyện.

Kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm định hướng cho con đường giải phóng các dân tộc Đông Dương theo con đường cách mạng vô sản, sự nghiệp đấu tranh cách mạng của hai nước Việt-Lào ngày càng gắn kết, nương tựa vào nhau, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, cùng hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Souphanouvong (trái) và Chủ tịch Kaysone Phomvihane (phải). (Nguồn: TTXVN)

Có thể thấy, hai lực lượng chính trị lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, hiện nay là hai đảng cầm quyền của hai nước đều có chung một nguồn gốc, điều rất hiếm có trên thế giới.

Chính từ những năm tháng mà quân và dân hai nước kề vai sát cánh bên nhau để đánh đuổi giặc ngoại xâm, tình cảm gắn bó giữa hai nước được vun đắp. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước, sự gắn bó khăng khít, sự phối hợp, giúp đỡ vô tư, chí tình chí nghĩa giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, đã trở thành sức mạnh vô song và là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đó còn là sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và sự hy sinh của nhân dân Lào khi giúp Việt Nam mở tuyến đường Hồ Chí Minh sang phía Tây Trường Sơn - công trình vĩ đại, biểu tượng cao đẹp của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Con đường này được coi là “động mạch chủ” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, đồng thời đây cũng là tuyến đường chi viện rất lớn cho Lào trong việc củng cố cơ sở cách mạng của Lào ở khu vực Nam Lào.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hai nước láng giềng chung một nguồn gốc chính trị, sẵn sàng chia sẻ mọi thứ, thậm chí là sinh tử vì nhau là điều vô cùng hiếm có. Và đó chính là điều làm nên sự đặc biệt trong tình nghĩa Việt Nam-Lào.

Sau này, Chủ tịch Souphanouvong cũng đã có những so sánh rất hay và ý nghĩa về quan hệ Lào-Việt Nam rằng: “Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca, bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị cao đẹp đó đã được vun trồng, xây đắp với tất cả tấm lòng thành thật của chúng ta. Do đó, không thể có hung thần nào, không thể có kẻ thù nào phá vỡ nổi”.

“Điều này cho ta thấy, những vị lãnh đạo của cả hai dân tộc, những người trực tiếp đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Lào, đều rất trân trọng tình cảm cao quý giữa hai dân tộc”, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 28/6/2021. (Nguồn: TTXVN)

Đảm nhiệm cương vị Đại sứ Việt Nam tại Lào trong vòng 4 năm (12/2012-12/2016), Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng càng thấm thía cái tình cảm sâu đậm ấy giữa hai dân tộc.

Trong 4 năm đó, Đại sứ đã đi khắp đất nước Lào và điều ông thấy rõ ràng nhất chính là tình cảm thân thương như người một nhà từ bất cứ người dân Lào nào.

Đại sứ kể: “Lào có bao nhiêu tỉnh thì tôi đều đặt chân đến, kể cả những tỉnh khó khăn nhất. Đi đến đâu tôi cũng gặp được những tình cảm tin cậy của cán bộ, nhân dân Lào đối với Việt Nam.

Nếu ta nhìn trên khía cạnh các con số đầu tư thì Việt Nam không phải là số 1. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1.

Tình cảm mà người Lào dành cho Việt Nam là một tình yêu tràn đầy sự tin cậy. Mặc dù cả hai nước đều tồn tại nhiều khó khăn nhưng hai đất nước thực sự là bạn, là chí cốt của nhau và dành cho nhau sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, không so đo, tính toán.

Có những ví dụ rất cụ thể, như việc 10 tỉnh, thành của chúng ta có đường biên giới Việt-Lào, từ Bắc vào Nam đều là những tỉnh thành khó khăn. Tuy nhiên, những tỉnh khó khăn đó vẫn luôn có những khoản viện trợ, giúp đỡ dành cho bạn Lào. Đó là điều tôi cảm thấy rất xúc động”.

Nhớ lại những đoàn công tác của Việt Nam sang thăm Lào, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng được chứng kiến khoảnh khắc các cuộc đón tiếp từ các cán bộ cấp cao cho tới các bộ, ban, ngành, địa phương vô cùng ấm áp như thể đón người thân về nhà. Ngược lại, khi các bộ, ban, ngành Việt Nam đón đoàn công tác của Lào sang thăm, thậm chí đón những đoàn cán bộ cao cấp như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng hay Chủ tịch Quốc hội thì đều như đón những người anh em thân thiết về nhà.

“Tất cả đều không mảy may xã giao, xa cách. Tình cảm chân thành, tin cậy như tình thân đó quả thực vô cùng hiếm có!”, ông nhấn mạnh.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng Tổng Bí thư Bounnhang Volachith được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 22/4/2016. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1

Nhấm ngụm nước chè, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng lặng suy nghĩ một lúc để sắp xếp lại ký ức, chọn lựa chia sẻ kỷ niệm sâu sắc, ấn tượng nhất của ông khi công tác tại Lào bởi theo lời ông thì “kỷ niệm nhiều vô cùng, mỗi ngày là một kỷ niệm, thậm chí mỗi ngày có nhiều kỷ niệm”.

Câu chuyện đầu tiên mà Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ liên quan đến việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt của liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào về nước.

Chính phủ hai nước từng quyết định thành lập một ban công tác đặc biệt để tiến hành tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ về nước. Phía Việt Nam mong muốn đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm để cố gắng kết thúc công tác này trong năm 2017.

Trên cơ sở đó, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng tới gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào khi đó là ông Bounnhang Vorachith, thông báo chủ trương này của Việt Nam để hai bên đưa ra một mốc phấn đấu, cố gắng thúc đẩy công tác tìm kiếm nhanh nhất.

Khi ấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith nói với Đại sứ Việt Nam rằng: “Tôi rất hiểu nguyện vọng và mong muốn từ phía Việt Nam, đặc biệt là thân nhân, gia đình các liệt sĩ muốn đưa con em của mình về an nghỉ tại quê nhà, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn giữ hài cốt các anh hùng ở lại đất Lào cùng với chúng tôi, giúp chúng tôi bảo vệ đất nước, phù hộ cho đất nước Lào ngày càng phát triển”.

Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào cũng cam kết sẽ dồn hết lực để phối hợp cùng với Việt Nam thực hiện công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương thi hài của các liệt sĩ.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng rất ấn tượng với lời chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith vì nó đã thể hiện mong muốn xúc động và tình cảm sâu sắc của vị lãnh đạo đối với các anh hùng liệt sĩ của Việt Nam.

Một câu chuyện khác mà Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng vẫn khắc ghi là khi Việt Nam chịu một đợt hạn hán rất nặng, nước sông Mekong không về vào năm 2016.

Đại sứ thuật lại: “Thời điểm đó, tôi đang ở Vientiane, dòng chính của sông ở đây cũng khô cạn. Hằng năm, đây là mùa mà Lào sẽ tổ chức lễ hội đua thuyền ở sông Vientiane, nhưng vì năm đó nước khô cạn nên không thể tổ chức.

Khi ấy, Việt Nam không những bị thiếu nước nghiêm trọng mà tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng diễn ra vô cùng phức tạp. Khi đó, ta đề nghị phía Trung Quốc cho xả nước ở đập Cảnh Hồng. Phía Trung Quốc đồng ý, tuy nhiên lượng nước nhận được cũng không đáng kể.

Sau đó, tôi có một cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith. Trong cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith chia sẻ về tình hình hạn hán của Lào và hỏi thăm tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Về phần mình, tôi trình bày rõ những khó khăn và thách thức mà người dân Việt Nam đang gặp phải và đề nghị Lào cho xả nước. Lãnh đạo Lào đồng ý, mặc dù lượng nước sông Mekong bấy giờ cũng rất hạn chế”.

Quyết định xả nước của Lào khi đó là bởi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith nhớ lại tình nghĩa hai nước từ xưa đến nay. Khi xưa thì “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, còn bây giờ là lúc mà giọt nước cũng phải chia sẻ cho nhau.

Ngay lập tức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith yêu cầu Bộ Năng lượng và Mỏ Lào họp với các công ty thủy điện để xả nước tại các dòng nhánh của sông Mekong. Chỉ hai ngày sau, nước ngọt đã về đồng bằng sông Cửu Long, giải được “cơn khát”, tháo gỡ khó khăn cho người dân Việt Nam.

“Quả thực rất biết ơn tình cảm hy sinh mà đất nước Lào dành cho Việt Nam. Qua đây, tôi cũng thấy rằng câu chuyện về dòng nước sông Mekong là một câu chuyện dài, sự chia sẻ là cần thiết, nhưng chỉ riêng giữa Việt Nam và Lào thôi là không đủ. Vì sông Mekong là dòng sông quốc tế, nên rất cần có một cơ chế quốc tế để sử dụng bền vững nguồn nước, đảm bảo sông Mekong luôn là nguồn sống chung của các dân tộc ven sông”, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng trao một số hiện vật về tuyến đường Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn trên đất Lào tặng Bảo tàng lịch sử Quân đội nhân dân Lào ở thủ đô Vientiane, ngày 26/10/2016. (Nguồn: Tuyên giáo)

Một kỷ niệm nữa mà nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào thường kể lại cho bạn bè và người thân là chuyến thăm tỉnh Bokeo. Từ Luang Prabang muốn tới Bokeo phải đi qua phà. Bến phà cũng giống như Việt Nam thời kỳ chiến tranh, cũng có những hàng quán lụp xụp hai bên.

Ghé vào một quán nước, Đại sứ ngồi nói chuyện với bà chủ quán, một người phụ nữ Lào điển hình.

“Đầu tiên, bà chủ quán nước nói chuyện với tôi bằng tiếng Lào, tôi cười đáp lại bà rằng tôi không biết tiếng Lào vì tôi là người Việt Nam. Ngay lập tức, bà quay sang nói tiếng Việt với tôi và hỏi chuyện rất vui vẻ. Bà chia sẻ, hồi bé bà được sống và học tiếng Việt từ bộ đội Việt Nam.

Có thể nói, một người sống xa quê hương lại gặp được một người dân sở tại nói chuyện với mình bằng tiếng Việt một cách thông thạo, quả thực đó là một điều bất ngờ và rất đỗi hạnh phúc”, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ xúc động.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều người từng hỏi ông rằng: “Sang Lào làm Đại sứ vậy có biết tiếng Lào không?”. Quả thực, ông không biết tiếng Lào. Vậy làm thế nào có thể làm việc được đây?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra một điều may mắn đó là tất cả các bạn Lào đều biết tiếng Việt: “Đi công tác địa phương cũng gặp người biết tiếng Việt mà ở Trung ương, các bộ, ban, ngành đều có cán bộ biết tiếng Việt, thậm chí lãnh đạo Lào cũng biết tiếng Việt. Đó chính là lí do, mặc dù không biết tiếng Lào nhưng tôi vẫn có thể hoàn thành nhiệm kỳ Đại sứ tại Lào”.

Điều này cũng phần nào nói lên được chiều sâu trong mối quan hệ Việt Nam-Lào. Nhiều người Lào biết và thậm chí giỏi tiếng Việt đã chứng tỏ họ rất coi trọng Việt Nam. Bắt nguồn từ gốc rễ bền chặt nên ngôn ngữ của hai nước mới có thể lan tỏa sâu rộng đến vậy.

Lấy ví dụ về các bài hát ca ngợi mối quan hệ Việt Nam-Lào, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng tin rằng nhờ sự rung động trong trái tim, tâm hồn nhạc sĩ mới có thể cho ra đời những lời ca, giai điệu hay và ý nghĩa đến thế. Những giai điệu này cũng không thể thiếu trong các điệu múa lăm vông của người Lào. Qua đó thể hiện chiều sâu văn hóa trong tâm hồn của người dân hai nước.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng dự Triển lãm giao lưu mỹ thuật giữa nghệ sĩ Việt Nam-Lào vào tháng 5/2014. (Nguồn: Tổng cục Du lịch)

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Lào, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng về nước và làm việc ở Ban Đối ngoại Trung ương khoảng nửa năm trên cương vị là Phó Trưởng ban Đối ngoại Ban Thường trực Trung ương. Đến giữa năm 2017, ông nghỉ hưu và được giới thiệu giữ chức Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào.

Mặc dù chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ làm những công việc gắn bó với đất nước Lào lâu đến thế, nhưng mối liên kết với xứ sở triệu voi đến với ông như một cái duyên.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cùng Ban chấp hành Hội và đặc biệt là sự năng động, chủ động của các tổ chức Hội ở các địa phương tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị hai nước.

Hội hữu nghị Việt-Lào ở các địa phương đã tổ chức phong trào đón sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam về nhà sinh hoạt, giúp cho họ phần nào vơi đi những nỗi buồn vì sống xa nhà, xa quê hương, đồng thời giúp họ hiểu hơn về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa, nét sinh hoạt của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức rất nhiều cuộc thi về khả năng diễn thuyết bằng tiếng Việt cho các sinh viên Lào sinh sống và học tập tại Việt Nam. Mặc dù 2 năm qua đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam-Lào, nhưng những sự tương trợ, giúp đỡ hai bên dành cho nhau vẫn luôn duy trì.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1
Hội hữu nghị Việt Nam-Lào ủng hộ nhân dân Lào phòng, chống dịch Covid-19, tháng 4/2020. (Nguồn: VUFO)

Phía Việt Nam cũng đã mở rất nhiều đợt quyên góp vật tư, trang thiết bị y tế để trợ giúp cho Lào. Các địa phương cũng có nhiều đóng góp cho công cuộc phòng chống Covid-19 chung của cả hai quốc gia.

Chiêm nghiệm từ bản thân, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng hình dung mối quan hệ Việt Nam-Lào được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một “cuộc chạy tiếp sức”. Mỗi một thế hệ đều phấn đấu hết mình cho mối quan hệ đó và truyền lại cho thế hệ mai sau. Từ đó làm cho “cây đoàn kết hữu nghị” Việt Nam-Lào luôn luôn xanh tươi, nở hoa kết trái mang lại hạnh phúc cho nhân dân hai nước.

“Điều lớn lao nhất tôi được thừa hưởng khi thực hiện nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Lào đó là di sản mà các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để lại. Tình cảm và sự tin tưởng mà lãnh đạo và nhân dân Lào dành cho Đại sứ Việt Nam là điều vô giá”, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Tuy đã nghỉ hưu, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng vẫn tham gia công tác nghiên cứu khoa học và có cơ hội làm việc với rất nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài. Khi biết ông đã từng có thời gian làm Đại sứ tại Lào, nhiều nhà nghiên cứu hỏi ông làm cách nào để các nước tăng cường hợp tác với Lào.

Theo ông, bản chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, được nuôi dưỡng, phát triển bằng sức cảm hóa sâu sắc của quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình” do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Và “giúp đất nước Lào có cơ hội phát triển” cũng chính là câu trả lời của ông.

Tục ngữ Lào có câu “ngọc mà không mài thì sẽ trở thành đá”, người thân mà không năng gặp gỡ thì cuối cùng sẽ trở thành người sơ. Không một ai có thể thắng được quy luật của thời gian, tình cảm hữu nghị Việt Nam-Lào là vốn quý, nhưng nếu không được nuôi dưỡng, vun đắp thường xuyên thì dần cũng sẽ phai nhạt.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng sở dĩ mối quan hệ Việt Nam-Lào bền đẹp cho tới ngày hôm nay là nhờ sự chung tay vun đắp của cả hai bên trong suốt chiều dài lịch sử.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1
Lễ phát động Cuộc thi ‘Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam’ năm 2022 ngày 13/6. (Ảnh: Gia Phú)
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi tin rằng trong trái tim người Lào, Việt Nam luôn là số 1

Năm nay là Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022). Những dịp đặc biệt như vậy là cơ hội để Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước quảng bá, tuyên truyền, giáo dục truyền thống về quan hệ đoàn kết đặc biệt. Giá trị mà cả hai bên đều hướng đến không chỉ dừng lại là truyền thống tốt đẹp hay những tình cảm cao quý hai bên dành cho nhau, đặc biệt nó còn phải trở thành nguồn lực cho sự phát triển của mỗi nước. Một khi đã trở thành nguồn lực, thì cần được khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả.

Trong cuộc chạy tiếp sức này cần có sự tiếp nối, phát huy, chung tay góp sức của nhiều thế hệ để các thế hệ sau lại tiếp tục "nhân vốn" mà cha ông để lại. Trên chỗ đứng và tầm nhìn của mỗi thế hệ, phải biết hành động để biến nguồn lực này trở nên vô hạn”, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào nhấn mạnh.

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã trở thành di sản văn hóa thiêng liêng của hai dân tộc, nơi hội tụ biết bao giá trị cao đẹp và sâu sắc mà trí tuệ và tình cảm của nhân loại hằng ngưỡng mộ, tôn vinh.

Nhân dịp đặc biệt này, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn những hoạt động trong khuôn khổ các chương trình kỷ niệm đều được hai đất nước tổ chức thành công. Bên cạnh đó, mỗi một bộ ngành, địa phương thậm chí là mỗi công dân đều có những cách của riêng mình để đóng góp vào tình hữu nghị giữa hai quốc gia, để “cây đoàn kết” Việt-Lào được phát triển, lớn mạnh và đơm hoa kết trái.

Thực hiện: Huyền Trang | Đồ hoạ: Lim Dim

Đọc thêm

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.
Nước Nga - Những ký ức không xa và 'bản tình ca' theo năm tháng

Nước Nga - Những ký ức không xa và 'bản tình ca' theo năm tháng

Với Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh (nhiệm kỳ 2018-2021), bạn bè ông hay nhiều thế hệ người Việt từng đi qua những tháng năm chiến tranh rồi bỡ ngỡ bước chân vào hòa bình, Liên Xô, nước Nga, lý tưởng của người Nga đẹp đẽ vô cùng… “Tình yêu” ấy đến nay vẫn bỏng cháy và thiêng liêng.
OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, từ ngày 2-3/5, tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2024 (MCM 2024).
Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-27/4, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu dành trọn một ngày tham gia nhiều hoạt động ở Ninh Bình.
Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

ASEAN không phải dấu cộng của các cuộc họp, ASEAN là một hành trình. Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) cũng không phải là tổng các phiên thảo luận, tiếp xúc mà là những ý tưởng vô tận với ý nghĩa đặc biệt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

AWEN - “ngôi nhà chung” cho doanh nhân nữ ASEAN, là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN.