Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam phát biểu tại buổi tiệc trưa giao lưu giữa các Đại sứ của Đoàn Ngoại giao ngày 11/12. (Ảnh: Ngọc Anh) |
Thưa Đại sứ, buổi giao lưu ngày hôm nay có vai trò như thế nào trong việc tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết, trao đổi thông tin giữa các Đại sứ và các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội?
Trước hết, với vai trò là Trưởng đoàn Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và Đại sứ Palestine, cũng như là một người bạn lâu năm của Việt Nam, tôi vô cùng tự hào khi được tổ chức sự kiện ngày hôm nay.
Bữa tiệc lần này được thiết kế dành riêng cho các Đại sứ, đặc biệt là những Đại sứ mới nhận nhiệm vụ tại Việt Nam. Mục tiêu chính mà chúng tôi muốn truyền tải ngày hôm nay chính là giới thiệu về văn hóa Việt Nam qua các khía cạnh như ẩm thực, trang phục truyền thống và các giá trị văn hóa đặc sắc.
Cũng tại bữa trưa hôm nay, với sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, các Đại sứ sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những tà áo dài mang nét văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia tham dự. Tôi tin rằng điều này không chỉ giúp các Đại sứ hiểu thêm về Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các nước.
Trên cương vị Trưởng đoàn Ngoại giao, tôi luôn mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Không chỉ là một bữa tiệc đơn thuần, sự kiện ngày hôm nay còn mang ý nghĩa lan tỏa và gắn kết, đặc biệt để các nhà ngoại giao mới có thể hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Tôi tin rằng, đây là cầu nối quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia và Việt Nam trong thời gian tới.
Thưa Đại sứ, chương trình nghệ thuật hôm nay có sự tham gia của các nghệ sĩ dân tộc Việt Nam. Theo ông, vai trò của âm nhạc dân tộc trong việc kết nối các quốc gia và xây dựng hòa bình là gì?
Đối với tôi, âm nhạc là ngôn ngữ chung của toàn nhân loại. Chính vì vậy, chương trình hôm nay đem đến một cơ hội tuyệt vời để các Đại sứ có thể làm quen với các loại nhạc cụ và giai điệu dân tộc của Việt Nam. Đây không chỉ là dịp thưởng thức nghệ thuật mà còn để khám phá và tìm hiểu sâu hơn về nền âm nhạc truyền thống của đất nước tôi đã gắn bó hơn 20 năm qua.
Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc gìn giữ và quảng bá nghệ thuật dân tộc ra thế giới. Đặc biệt, một số loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Đây là một thành tựu đáng tự hào và là minh chứng cho sức mạnh kết nối của nghệ thuật.
Hôm nay, các Đại sứ được trải nghiệm và hiểu thêm về những giai điệu cùng các nhạc cụ mà người Việt Nam đã lưu giữ và sử dụng qua nhiều thế hệ. Tôi tin tưởng, sự giao thoa văn hóa qua âm nhạc không chỉ làm tăng cường sự hiểu biết mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng hòa bình và tình hữu nghị giữa các quốc gia.
Là một người có kinh nghiệm phong phú trong ngoại giao, Đại sứ có thể chia sẻ một số thách thức và cơ hội trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và Việt Nam trong thời gian tới không?
Văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Một dân tộc không có bản sắc văn hóa riêng thì khó có thể tồn tại lâu dài. Vì vậy, tôi luôn tin rằng việc đồng hành và giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế là nhiệm vụ quan trọng và đầy ý nghĩa.
Bên cạnh đó, đối với tôi, văn hóa là một lĩnh vực đầy sức hút, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia trên toàn cầu. Chính vì vậy, văn hóa Việt Nam sẽ luôn thu hút sự quan tâm của những người mong muốn tìm hiểu và khám phá câu chuyện về một quốc gia đã khẳng định vị thế qua những thắng lợi và thành công huy hoàng trên hành trình gìn giữ và xây dựng đất nước.