Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công. |
Trả lời phỏng vấn Báo TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công đánh giá những triển vọng to lớn trong hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Ai Cập.
Thưa Đại sứ, xin ông đánh giá tổng quan về quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Ai Cập trong thời gian qua?
Việt Nam và Ai Cập có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và là một trong số những nước Arab đầu tiên thiết lập quan hệ với ta. Cùng với đó, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước được hình thành từ rất sớm.
Từ năm 1958, Việt Nam mở cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập, trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Ai Cập cũng là quốc gia Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ vào năm 2013.
Trong những năm qua, hai nước đã trao đổi các chuyến thăm cấp Nhà nước. Tổng thống Al Sisi đến thăm Việt Nam tháng 9/2017 và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đến thăm Ai Cập tháng 8/2018.
Trong các chuyến thăm, hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ. Thời gian qua, hai nước đang triển khai các thỏa thuận đi vào thực chất và hiệu quả.
Là nước phát triển nhanh và mạnh trong khu vực, Việt Nam có tiềm năng lớn. Trong khi đó, Ai Cập là một thị trường được các công ty đa quốc gia xem là trọng điểm trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Chính vì vậy, hai nước có triển vọng to lớn trong hợp tác kinh tế thương mại.
Ai Cập là một đối tác thương mại lớn của ta tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 515 triệu USD, tăng gần 5% so với năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập đạt 238,7 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Ủy ban hỗn hợp (UBHH) giữa hai nước đã họp được 5 lần và Tiểu ban Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Ai Cập cũng vừa diễn ra vào tháng 8 vừa qua. Các kỳ họp đã góp phần mang lại những kết quả hợp tác thực chất giữa hai nước.
Thành phố Ninh Bình (Việt Nam) và Lugxor (Ai Cập) đã ký kết thoả thuận thành phố kết nghĩa, góp phần tăng cường trao đổi thương mại giữa hai thành phố. Hiện Thành phố Hà Nội và Cairo (Ai Cập) đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để hoàn thành việc ký kết.
Đại sứ Trần Thành Công làm việc với Phòng Thương mại tỉnh Biển Đỏ và tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ai Cập từ ngày 5-7/7. (Nguồn: ĐSQ VN tại Ai Cập) |
Đâu là lĩnh vực nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp hai nước, thưa Đại sứ?
Hiện nay Ai Cập đang có chính sách chuyển dịch sang châu Á và những mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam đang chinh phục người tiêu dùng Ai Cập.
Những mặt hàng truyền thống có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Ai Cập gồm máy tính, sản phẩm linh kiện điện tử, xơ, sợi dệt, kim loại thường và thuỷ sản, nông sản như rau quả, cà phê, hạt tiêu...
Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Ai Cập, có thể kể đến cá ngừ. Ai Cập là một trong số những thị trường lớn cho mặt hàng cá ngừ Việt Nam. Theo VASEP, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 8,8 triệu USD cá ngừ sang Ai Cập, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Ai Cập xuất khẩu sang ta những mặt hàng như hoá chất, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa, sợi…
Thời gian tới, hai bên có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp điện, dệt may, hoá chất, ô tô, vật liệu xây dựng, viễn thông, logistic. Đây là một lĩnh vực rất giàu tiềm năng nhưng kết quả hợp tác còn chưa tương xứng.
Thời gian tới, hai bên có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp điện, dệt may, hoá chất, ô tô, vật liệu xây dựng, viễn thông, logistic. Đây là một lĩnh vực rất giàu tiềm năng nhưng kết quả hợp tác còn chưa tương xứng. |
Những năm qua, Ai Cập đang phát triển hạ tầng quy mô lớn, trong đó có Khu kinh tế kênh đào Suez (SCZ), nhằm phục vụ cho các thoả thuận hợp tác thương mại và sản xuất trong tương lai.
Không chỉ hợp tác song phương, Ai Cập và Việt Nam cũng có thể chuyển đổi sang mô hình hợp tác ba bên, sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện từ Việt Nam để sản xuất các sản phẩm tại SCZ, rồi từ đó xuất khẩu sang nước thứ 3 vốn có hiệp định thương mại tự do với Ai Cập.
Phía các doanh nghiệp Ai Cập mong muốn tăng cường xuất khẩu mặt hàng bông sang thị trường Việt Nam, bên cạnh các mặt hàng nông sản khác như hoa quả tươi. Mặt hàng bông của Ai Cập đang đứng trong top đầu về chất lượng và nổi tiếng trên thế giới.
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ai Cập, Đại sứ Trần Thành Công giới thiệu về tiềm năng của thị trường Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ VN tại Ai Cập) |
Xin Đại sứ cho biết yêu cầu về chứng chỉ Halal tại thị trường Ai Cập và tầm quan trọng của chứng chỉ này trong quá trình đưa sản phẩm Việt Nam đến với Ai Cập?
Ai Cập là quốc gia đông dân nhất thế giới Arab với dân số trên 100 triệu người trong đó khoảng 90% là người Hồi giáo. Do đó thực phẩm được phép sử dụng (Halal) có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tín ngưỡng và sức khỏe của người dân.
Để bảo vệ người dân khỏi các loại thực phẩm không được phép (Haram), Ai Cập quy định tất cả thực phẩm nhập khẩu có chứa thành phần nguồn gốc từ động vật bắt buộc phải có chứng chỉ Halal để được bày bán tại các siêu thị.
Tuy nhiên không phải mọi tổ chức chứng nhận Halal trên thế giới đều được Ai Cập công nhận mà phải có tên trong danh sách chấp thuận của chính phủ Ai Cập và phải đánh giá lại định kỳ.
Cần lưu ý rằng chứng chỉ Halal chỉ là một trong những yêu cầu đối với thực phẩm nhập khẩu. Tùy loại mặt hàng sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và các quy định khác.
Chứng chỉ Halal chủ yếu bắt buộc đối với các loại thực phẩm có chứa thành phần liên quan đến hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Nhiều loại sản phẩm nhập khẩu khác như thủy, hải sản (tôm, cá, các loài giáp xác) không yêu cầu phải có chứng nhận này.
Mặc dù Ai Cập khẳng định các tiêu chuẩn và quy định đối với thực phẩm nhập khẩu áp dụng giống như trong nước tuy nhiên trên thực tế thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định chặt chẽ hơn so với thực phẩm trong nước.
Đại sứ Trần Thành Công làm việc với Thống đốc tỉnh Port Said, Ai Cập, ngày 9/6. (Nguồn: ĐSQ VN tại Ai Cập) |
Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam và Ai Cập đã có những biện pháp gì để duy trì hợp tác kinh tế, phục hồi sau đại dịch?
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam và Ai Cập đã có nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tăng cường trao đổi thông tin, tham vấn về các biện pháp phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề với các phiên kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Gần đây nhất, ngày 18/8, hai nước đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 2 Tiểu ban hợp tác về Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Ai Cập theo hình thức trực tuyến do Thứ trưởng Bộ Công Thương hai nước đồng chủ trì.
Qua đó, hai bên đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung thiết thực, đưa ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương như mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản của nhau; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về chính sách phát triển công nghiệp và đầu tư, nhu cầu thị trường, quy định quản lý xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng hàng hóa; phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trực tuyến; đào tạo kỹ thuật theo hình thức trực tuyến cho cán bộ Việt Nam làm việc trong lĩnh vực chứng nhận Halal.
Một số rào cản trong quan hệ thương mại cũng được hai bên trao đổi thẳng thắn như Nghị định 43/2016 và 44/2019 về đăng ký nhà máy đối với doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài; Nghị định 114/2020 về Luật Hải quan mới; Nghị định số 38/2021 về việc áp dụng Hệ thống thông quan điện tử một cửa mới (ACI) bắt đầu từ ngày 1/10 tới đây.
UBHH Việt Nam-Ai Cập vẫn là cầu nối cho hợp tác sâu rộng về mọi mặt trong quan hệ truyền thống giữa hai nước. Mặc dù Kỳ họp lần thứ 6 UBHH phải tạm hoãn do tình hình dịch bệnh nhưng bộ, ngành hai nước vẫn đang tích cực trao đổi để các thỏa thuận hợp tác được ký kết trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi giữa các bộ, ngành và thành phố nhằm kích hoạt và thúc đẩy các hiệp định đã ký kết đi vào hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, hai nước đã thiết lập cơ chế phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp như xác minh thông tin doanh nghiệp, xử lý khiếu nại thương mại một cách thân thiện, không thiên vị, đăng tải thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu của mỗi nước trên website của Phòng Thương mại và Hiệp hội Doanh nghiệp.
Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại hai chiều vẫn được duy trì, xúc tiến phù hợp với tình hình dịch bệnh như đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến để giới thiệu tiềm năng thương mại và làm rõ những thắc mắc của doanh nghiệp; tổ chức các ngày văn hóa giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam qua các cơ quan thông tấn báo đài và các kênh truyền hình của Ai Cập…
Trong chuyến thăm Alexandria từ ngày 16-17/12/2020, Đại sứ Trần Thành Công làm việc với Chủ tịch phòng thương mại Alexandria. (Nguồn: ĐSQ VN tại Ai Cập) |
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã triển khai công tác ngoại giao kinh tế như thế nào trong bối cảnh mới, thưa Đại sứ?
Theo tôi, công tác ngoại giao kinh tế phải bám sát bối cảnh và tình hình hiện nay, quán triệt các chủ trương, chính sách quan trọng của Đại hội Đảng XIII, phục vụ thiết thức cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025.
Mạng lưới cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng về tình hình kinh tế - chính trị của sở tại, tham mưu cho các chính sách chiến lược phát triển cho đất nước, đồng thời kết nối doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp sở tại; lấy các doanh nghiệp làm trung tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế.
Đại sứ Trần Thành Công tham dự và chủ trì hội thảo xúc tiến thương mại với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp của thành phố Alexandrria. (Nguồn: ĐSQ VN tại Ai Cập) |
Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch, thấm nhuần chỉ đạo của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng cuối năm 2021” ngày 29/7 vừa qua: “Mỗi trưởng Cơ quan đại diện là một tướng lĩnh ở mặt trận, cần phát huy sức sáng tạo phục vụ hai mục tiêu là chống dịch và phát triển kinh tế”, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã tích cực tìm kiếm phương thức mới để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp sở tại thông qua các cuộc trao đổi trực tuyến nhằm hiểu rõ những khó khăn thực tế mà hai bên đang gặp phải để cùng nhau tháo gỡ, đem lại hiệu quả thực chất.
Trong thời gian qua, Đại sứ quán cũng đã làm việc với một số tỉnh, thành phố kinh tế lớn của Ai Cập như Alexandria, Biển Đỏ, Sharm El Sheikh.
Đồng thời, Đại sứ quán đã tích cực hỗ trợ việc tìm hiểu tập quán kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thâm nhập thị trường sở tại, bảo hộ lợi ích và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong tranh chấp thương mại như một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam xảy ra tranh chấp thương mại với doanh nghiệp sở tại.
Tích cực phối hợp với trong nước nhằm triển khai công tác ngoại giao kinh tế, Đại sứ quán đã gửi thư mời đến các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực của Ai Cập tham dự các hội thảo trực tuyến do Bộ Ngoại giao, Bộ công thương và các địa phương tổ chức.
Xin cảm ơn Đại sứ!