Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yván Gil trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tháng 3/2024. (Ảnh: ND) |
Xin Đại sứ cho biết tầm quan trọng của chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yván Gil Pinto và nhận định của Đại sứ về nhịp độ trao đổi cấp cao giữa hai nước trong thời gian qua?
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Yván Gil diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác toàn diện Việt Nam-Venezuela thời gian gần đây tiếp tục được được đẩy mạnh và tăng cường trên cả ba trụ cột, đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Ngoại giao nghị viện cũng như hợp tác giữa các địa phương giữa, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, hai bên đã ký kết một số văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực viễn thông, dầu khí, nông nghiệp, xây dựng và cùng phối hợp, hiện thức hóa các nội dung ký kết thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Yván Gil Pinto có ý nghĩa quan trọng, góp phần duy trì và thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cấp cao trong năm hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/1989 - 12/2024); là dịp hai bên chia sẻ tình hình quốc tế, khu vực cùng quan tâm; trao đổi giải pháp triển khai, cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước, củng cố lòng tin chính trị, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Venezuela. Chuyến thăm cũng sẽ là một điểm nhấn, duy trì nhịp độ trao đổi đoàn các cấp trước và trong bối cảnh kỷ niệm 35 năm quan hệ song phương.
Như chúng ta đã biết, tháng 11/2023 vừa qua, nhận lời mời của Ban lãnh đạo Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền, đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương dẫn đầu đã thăm, làm việc tại Venezuela. Trong khuôn khổ chuyến thămv, đồng chí Phan Đình trạc đã hội kiến với Chủ tịch Đảng PSUV, Tổng thống Nicolas Maduro; hội đàm và cùng Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng PSUV, đồng chí Diosdado Cabello và ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Đảng cho giai đoạn 2023-2028 nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác và gắn bó giữa hai Đảng cầm quyền.
Tiếp đó, tháng 4 vừa qua, nhận lời mời của Phó Tổng thống Thường trực Delcy Rodiriguez, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã thăm chính thức Venezuela. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có các cuộc hội kiến, tiếp xúc với tất cả các lãnh đạo chủ chốt Venezuela, với Chủ tịch Đảng PSUV, Tổng thống Nicolas Maduro; Chủ tịch Quốc hội Jorge Rodríguez… Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã cùng Tổng thống Nicolas Maduro chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác mới trên các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, nông nghiệp và xây dựng.
Có thể khẳng định rằng, những chuyến thăm Venezuela gần đây của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Chính phủ ta góp phần củng cố, làm sâu sắc quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác toàn diện cũng như lòng tin chính trị giữa hai đảng, hai nước, đồng thời tạo động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương trong thời gian tới.
Đại sứ Vũ Trung Mỹ (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yván Gil Pinto. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuala) |
Được biết Đại sứ đã có cơ hội gặp gỡ nhiều lần Bộ trưởng Yván Gil Pinto. Đại sứ cảm nhận như thế nào về mong muốn, quyết tâm của Bộ trưởng trong việc thúc đẩy hợp tác với Việt Nam?
Thực ra, tôi đã có cơ hội gặp Bộ trưởng Yván Gil khi ông là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp giai đoạn 2013-2016 (tháng 4/2013, ông Yvan Gil được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp khi mới 41 tuổi).
Là người am hiểu, luôn dành cho Việt Nam tình cảm đặc biệt, Bộ trưởng Yván Gil ngưỡng mộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhất là những thành tựu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, đặc biệt là những kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển sản xuất lương thực, xóa đói, giảm nghèo. Ông là người tham gia tích cực, thúc đẩy dự án hợp tác nông nghiệp giữa hai nước giai đoạn 2015-2018.
Sang Venezuela nhận nhiệm vụ được một năm, tôi đã có 10 cuộc gặp, tiếp, làm việc với Bộ trưởng Yván Gil. Đặc biệt, Bộ trưởng đã tham dự, chủ trì và phát biểu tại chiêu đãi nhân kỷ niệm 78 năm Ngày quốc khánh, tháng 9/2023. Ông cũng chủ trì, tham gia đón, tiếp nhiều các đoàn công tác của Đảng, Chính phủ và các bộ ngành của ta thăm làm việc tại Venezuela.
Phát biểu tại các cuộc gặp, tiếp và làm việc, Bộ trưởng luôn thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam; bày tỏ sự khâm phục đối với tinh thần đấu tranh quật khởi, anh dũng chống thực dân, đế quốc để giành độc lập của Việt Nam trước đây và những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ trưởng Yván Gil mong muốn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa; nhấn mạnh Venezuela luôn chào đón và rộng mở cánh cửa với Việt Nam, nhất là thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai nước có lợi thế và đang có nhu cầu như dầu khí, nông nghiệp, dệt may, y tế, khoa học-công nghệ… Venezuela mong muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam, nhất là những kinh nghiệm về xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lần đầu tiên đến thăm Việt Nam trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, tôi tin tưởng chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Yván Gil sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác toàn diện Việt Nam-Venezuela nói chung và quan hệ thân thiết, gắn bó giữa hai đồng chí Bộ trưởng cũng như giữa Bộ Ngoại giao hai nước nói riêng.
Ngoại trưởng Ivan Gil (hàng đầu tiên thứ ba từ trái sang) từng giữa chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Đất đai Venezuela. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuala) |
Hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước hiện nay còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Hợp tác về viễn thông, dầu khí được kỳ vọng nhưng chưa thể có kết quả một sớm, một chiều. Theo Đại sứ, đâu là những thuận lợi và đặc biệt, đâu là những khó khăn mà cả hai bên cần tập trung vượt qua trong thời gian tới?
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hai nước đều khẳng định mong muốn thúc đẩy và tăng cường hơn hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, xứng tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Trong các cuộc gặp làm việc gần đây, phía Venezuela bày tỏ mong muốn hai nước thúc đẩy, sớm ký kết Hiệp định thương mại, Hiệp định về xúc tiến và bảo hộ đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Venezuela.
Qua theo dõi, nắm bắt thực tế địa bàn cũng như qua tìm hiểu với những đối tác đang có mặt tại thị trường Venezuela, tôi cho rằng có những thuận lợi và khó khăn nhất định trong thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Về thuận lợi, có thể nói là cơ bản, cụ thể:
Thứ nhất, tình hình Venezuela thời gian qua cũng như trong ngắn và trung hạn tiếp tục chuyển biến tích cực; an ninh, chính trị được giữ vững; vai trò, vị thế của Chính phủ do Tổng thống Nicolas Maduro đứng đầu được củng cố. Kinh tế duy trì đà tăng trưởng khá nhờ vào sự phục hồi của ngành dầu khí. Chính phủ cơ bản kiểm soát được tình trạng siêu lạm phát, tuy còn ở mức cao. Quan hệ đối ngoại từng bước được cải thiện và mở rộng; giảm căng thẳng trong quan hệ với Mỹ.
Thứ hai, quan hệ Việt Nam-Venezuela thời gian qua tiếp tục được được thúc đẩy, củng cố và tăng cường trên cả ba trụ cột. Bên cạnh đó, Việt Nam và Venezuela nhìn chung không có cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích trong ngắn hạn, không có nhiều đối nghịch, mâu thuẫn về lợi ích và mục tiêu phát triển.
Thứ ba, thị trường, cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và Venezuela nhìn chung không có tính cạnh tranh cao; Việt Nam có lợi thế lớn về các mặt hàng nông nghiệp, sản phẩm dệt may, giày dép, cao su, linh kiện, thiết bị điện tử; Venezuela có lợi thế về khai khoáng, dầu mỏ, phát triển sản xuất nông nghiệp…Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặp nhiều thách thức, với dân số khoảng hơn 30 triệu người, Venezuela sẽ là một thị trường tiềm năng cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yván Gil Pinto dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tháng 9/2023. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuala) |
Thứ tư, Venezuela có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng dồi dào, có khí hậu thuận lợi, nguồn nguyên vật liệu phong phú phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, Venezuela có vị trí mang tính chiến lược, là cửa ngõ đi ra khu vực Caribe, khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ. Tháng 8/2023 vừa qua, Venezuela đã thành lập 5 đặc khu kinh tế, nơi các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất các nguyên vật liệu cũng như phát triển hoạt động kinh doanh phục vụ thị trường Venezuela và trong toàn khu vực.
Về khó khăn, tôi nhấn mạnh một số điểm sau:
Một là, bao vây, cấm vận của Hoa Kỳ áp đặt với Venezuela từ năm 2015 đến nay là nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp các nước, nhất là các quốc gia phương Tây dừng hoặn hạn chế làm ăn với Venezuela do lo ngại rủi ro.
Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ bản chất của cấm vận và trừng phạt kinh tế mà Hoa Kỳ áp đặt với Venezuela không giống như lệnh trừng phạt thương mại toàn diện như với Cuba, chủ yếu tập trung vào chính phủ, các công ty nhà nước, nhất là trong lĩnh vực dầu khí.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh tế tư nhân của Venezuela không nằm trong đối tượng bị trừng phạt, thời gian qua có sự phát triển vượt bậc, góp phần đáng kể vào sự phục hồi của nền kinh tế. Gần đây, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân luôn cao hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế, trung bình khoảng 7-9%/năm, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Venezuela thời gian qua.
Hai là, thông tin về tình hình Venezuela nhìn chung thiếu khách quan, nhiều khi là sai lệch và bị bóp méo. Là những người sống, làm việc và trải nghiêm thực tế tại địa bàn, anh em cán bộ Đại sứ quán chúng tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi của bạn bè, người thân, đại loại như: “Bên đó an ninh thế nào, có hay bị cướp không?”, hay “Siêu lạm phát như thế thì anh em sống như thế nào?; “Bên đó khan hiếm hàng hóa lắm nhỉ”...
Thực tế như đã nêu ở trên, thời gian qua, tình hình an ninh trật tự được kiểm soát tốt, không có tình trạng cướp bóc hay mất an ninh trật tự như trước đây. Trong bối cảnh kinh tế Venezuela duy trì đà tăng trưởng liên lục từ năm 2021 đến nay, tình trạng siêu lạm phát cơ bản đã được khống chế; đồng nội tệ Bolivar khá ổn định; không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhu yếu phẩm hay xăng dầu… Hiện, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Venezuela như Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia…
Ba là, một số khó khăn chủ quan và khách quan như rào cản về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu hiểu biết về môi trường và tập quán kinh doanh của nhau, trùng hợp về nhu cầu phát triển và tiềm lực của hai bên còn hạn chế.
Bốn là, những khó khăn về cơ chế hợp tác và khuôn khổ pháp lý: Cơ chế Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước bị ngưng trệ trong một thời gian dài vì cả lý do khách quan và chủ quan; nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác được ký ở dạng hiệp định khung, thiếu chế tài cụ thể để triển khai. Đặc biệt, một số các hiệp định có ý nghĩa quan trọng, mở ra các cơ hội để tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu như Hiệp định thương mại, Hiệp định xúc tiến và bảo hộ đầu tư chưa được ký kết…
Đoàn công tác của Tổng Công ty Viglacera thăm Venezuela tháng 9/2023. (Nguồn: CT) |
Người dân Việt Nam và Venezuela biết đến nhau là người con của những dân tộc anh hùng. Làm thế nào để kéo thế hệ tương lai hai nước, cách xa nhau nửa vòng trái đất, lại gần nhau hơn nữa, thưa Đại sứ?
Trong những năm tháng Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhân dân và các lực lượng tiến bộ Venezuela đã đi đầu trong các phong trào phản chiến, bày tỏ sự ủng hộ với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần hình thành một mặt trận của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Câu truyện về các chiến sĩ du kích Venezuela đã bắt trung tá tình báo Mỹ Michael Smolen, tháng 10/1964, để đòi Mỹ ngụy trả tự do cho anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Venezuela; biểu tượng của tình đoàn kết, sự ủng hộ của các lực lượng cánh tả, tiến bộ Venezuela nói riêng và của các lực lượng tiến bộ ở Mỹ Latinh và trên thế giới nói chung với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác toàn diện giữa hai nước tiếp tục được được thúc đẩy, tăng cường trên cả ba trụ cột, đặc biệt, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng ta và Đảng XHCN Thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền được củng cố, làm cơ sở chính trị thuận lợi cho quan hệ song phương trong thời gian tới.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp này, tôi cho rằng bên cạnh việc hai đảng, hai nước tiếp tục củng cố, tăng cường sự tin cậy chính trị, mở rộng và phát triển hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên cần thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.
Với tinh thần đó, hai bên cần phối hợp chặt trẽ, đẩy mạnh và tăng cường công tác giáo dục thế hệ trẻ về tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-Venezuela; phối hợp tổ chức hoạt động kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng của quan hệ song phương; thúc đẩy giao lưu văn hóa nghệ thuật; kết nối các trường đại học; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hai nước trong giới trẻ; tăng cường trao đổi học thuật nghiên cứu…
Với tư cách là hai đảng cầm quyền, thời gian tới, hai đảng cần phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa hai đảng cho giai đoạn 2023-2028, trong đó nhấn mạnh việc tạo điều kiện và khuyến khích việc trao đổi hữu nghị và hợp tác giữa các tổ chức nhân dân, đặc biệt là các tổ chức thanh niên cũng như hợp tác trong việc nghiên cứu, lan tỏa và phát huy giá trị tư tưởng của các lãnh tụ lịch sử của mỗi đảng, mỗi nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà giải phóng Simon Bolivar, lãnh tụ Hugo Chávez tại mỗi nước.
Tựu trung, việc thúc đẩy và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác toàn diện Việt Nam-Venezuela nói riêng cũng như hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Mỹ Latinh nói chung tiếp tục có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn hiện nay nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước Mỹ Latinh đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc của ta trong tình hình mới, nhất là trên các lĩnh vực an ninh-phát triển, bảo vệ chủ quyền, duy trì hòa bình và ổn định phục vụ phát triển.
Chúng ta có nhiều cơ sở để tin tưởng vào triển vọng của hợp tác giữa Việt Nam và Venezuela. Với mong muốn, quyết tâm từ cả hai phía, sự năng động và đà phát triển kinh tế nhanh của Việt Nam cùng với sự ổn định, phục hồi kinh tế thời gian qua của Venezuela, song song với đó là nhiều tiềm năng chưa được khai thác, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam-Venezuela chắc chắn sẽ tiếp tục khởi sắc và được nâng lên một tầm cao mới, tương xứng quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có, phục vụ lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai nước và hai khu vực.
Xin cảm ơn Đại sứ!