Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần thăm Liên Xô (cũ) năm 1977. (Ảnh tư liệu). |
Giở từng chiếc ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian trong cuốn album dành riêng lưu giữ các bức ảnh chụp cùng Đại tướng trong các chuyến công tác nước ngoài, ông Hoàng Lương chia sẻ:
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà lãnh đạo có công to lớn trong việc phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa mặt trận quân sự và ngoại giao. Người trực tiếp phối hợp với các nhà ngoại giao để vận động các nước xã hội chủ nghĩa, các nước trên thế giới hình thành mặt trận đoàn kết và ủng hộ Việt Nam về tinh thần và vật chất để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược".
Năm 1956, với tư cách là Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội Đảng cộng sản Ba Lan và thăm Ba Lan, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tranh thủ tiếp xúc các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Ba Lan và đại biểu các nước khác để vận động ủng hộ đường lối chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Lúc này, ông Hoàng Lương là người thứ 2 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.
Năm 1965, khi chuẩn bị sang Hungary làm Đại sứ, ông Hoàng Lương đến gặp Đại tướng xin ý kiến về việc vận động nước bạn viện trợ phục vụ cho Tổng tiến công.
Đại tướng gửi Đại sứ Hoàng Lương một tấm thiệp đề tặng Bộ trưởng quốc phòng Hungary cùng những lời hỏi thăm chân thành.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) trong chuyến thăm Hungary năm 1966. Đại sứ Hoàng Lương đứng thứ hai, từ trái. (Ảnh tư liệu) |
Bộ trưởng quốc phòng Hungary lúc đó rất vui mừng khi nhận được tấm thiệp của Tướng Giáp và câu chuyện của vị Đại sứ Việt Nam và Ngài bộ trưởng trở nên cởi mở hơn.
Sau khi hỏi thăm sức khỏe Đại tướng, ngài Bộ trưởng gợi ý: Ngoài Trung Quốc và Liên Xô, Việt Nam nên chú trọng xin viện trợ của các nước Đông Âu. Chúng tôi có đại bác bắn tự động, súng trường bắn tia laser, máy thông tin, nhiều lương thực, lương khô…
Ngài Bộ trưởng Quốc phòng cũng gửi lời mời Đại tướng sang thăm Hungary.
Thế là chuyến thăm Hungary và các nước Đông Âu của Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp một thời gian ngắn sau đó khởi đầu cho các cuộc vận động các nước Đông Âu ủng hộ cả về mặt tinh thần và vật chất cho cuộc tấn công nổi dậy năm 1968, cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân năm 1975.
"Ông Giáp cũng là nhà ngoại giao rất mềm dẻo, nhìn xa, trông rộng", nhà ngoại giao Hoàng Lương nói.
Khi Đại tướng đến thăm Tiệp Khắc, một nhà báo Pháp có gửi câu hỏi phỏng vấn về các cuộc đàm phán với phía Mỹ.
Sau khi xem bản trả lời được thư ký chuẩn bị sẵn, Đại tướng nhận xét ngay là "bài này còn nặng về đánh" và thêm vào ý "chúng tôi có nguyện vọng hòa bình, độc lập, tự do, sẵn sàng giải quyết các xung đột bằng hòa bình, nếu không chúng tôi sẽ chiến đấu không còn tên xâm lược nào".
Nguyên thứ trướng Hoàng Lương, người tháp tùng Đại tướng trong chuyến thăm đó, nhận xét đầy khâm phục: "Cùng một nội dung chuyển tải nhưng lời của Đại tướng đã khiến cho vấn đề từ ‘cứng’ đã trở nên ‘mềm’ đi rất nhiều".
(Bài phỏng vấn thực hiện năm 2013)
| Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam dưới góc nhìn quốc tế TGVN. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 không những là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn cổ vũ ... |
| Ghi chép: Những “bông hồng thép” ở Trường Sơn năm xưa TGVN. Tháng 3/1973, khi đến thăm Trung đội B3 (Đoàn 559) trên đèo Phu La Nhích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thốt lên: “Các ... |