Sự kiện do UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên tổ chức.
Phát biểu trong buổi họp báo giới thiệu về Lễ hội ngày 6/2 tại Hà Nội, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức vào tháng 3 là tháng đẹp nhất của Tây Nguyên. Đây cũng là vùng nằm trong tam giác phát triển của 3 nước Lào – Campuchia –Việt Nam với nền văn hóa đa dạng, nhiều tiềm năng.
“Lễ hội là cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và mời gọi những dự án đầu tư, thương mại, du lịch lớn trên địa bàn của các tỉnh Tây Nguyên”, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Họp báo giới thiệu về các hoạt động của Lễ hội. (Ảnh: Vi Vi) |
Theo ông Điểu Kré, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, mục tiêu của Lễ hội là nhằm quảng bá thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”, khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.
Đồng thời, việc tổ chức Lễ hội cũng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên từng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào năm 2005, được chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2008.
Lễ hội còn mang ý nghĩa lịch sử nhằm thiết thực kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột – giải phóng Đắk Lắk (10/3/1975 – 10/3/2017), mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lễ hội đường phố - một hoạt động hấp dẫn trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. (Nguồn: Báo Đắk Lắk) |
Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 sẽ diễn ra các hoạt động: Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, Hội nghị/ hội thảo về cà phê, Lễ hội đường phố, Hội thi nhà nông đua tài, Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc, thưởng thức cà phê miễn phí…
Ngoài ra, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 với chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập” cũng sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn: Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên - phục dựng các nghi thức, Nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng, Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên, Triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”...
Sự kiện sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài TH Việt Nam, Đài PT-TH 5 tỉnh Tây Nguyên.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là một lễ hội lớn của khu vực Tây Nguyên. Được tổ chức định kỳ hai năm một lần bắt đầu từ năm 2005, Lễ hội nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây và chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động trao đổi về quy trình, cách thức, sản xuất, chế biến cà phê, trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến giao thương, giao lưu văn hóa, thể thao sôi nổi, đặc sắc. |