Các bên liên quan tỏ thái độ khác nhau liên quan cơ hội đạt được một thỏa thuận cho các cuộc đàm phán hạt nhân. (Nguồn: IRNA) |
Ngày 30/6, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Đại sứ Olof Skoog, Trưởng phái đoàn thường trực EU tại LHQ kêu gọi các bên nắm lấy cơ hội hiện có, tiến tới mục tiêu đạt được một thỏa thuận dựa trên nền tảng văn bản đang sẵn sàng trên bàn đàm phán.
Ông nhấn mạnh, đây chính là lúc vượt qua những bất đồng lớn và tiến tới ký thỏa thuận khôi phục JCPOA giữa các bên.
Phiên họp của HĐBA tập trung thảo luận báo cáo mới nhất của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres về việc thực thi một nghị quyết của HĐBA năm 2015, trong đó Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân tới mức không thể phát triển được các loại vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà LHQ đã áp đặt đối với quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên, Phó trưởng Phái đoàn thường trực Mỹ tại LHQ Richard Mills đưa ra ý kiến rằng, Iran không hề “sốt sắng” với cơ hội đạt được thỏa thuận, qua đó chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay và được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Cùng ngày, đặc phái viên EU Enrique Mora đăng tải thông điệp trên mạng xã hội Twitter, trong đó cho biết những cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã kết thúc tại Qatar mà không đạt được tiến triển như kỳ vọng.
Mặc dù vậy, về phía Iran, Ngoại trưởng nước này Hossein Amir-Abdollahian đánh giá các cuộc đàm phán tại Doha, Qatar gần đây là "tích cực" và vẫn có cơ hội đạt được một thỏa thuận.
Theo nhà ngoại giao, Iran quyết tâm tiếp tục đàm phán cho đến khi đạt được một thỏa thuận thực tế, đồng thời lưu ý, nước này đang nghiêm túc thực hiện các nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận tốt đẹp, vững chắc và lâu dài.
Bên cạnh đó, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ vẫn duy trì liên lạc với EU liên quan giai đoạn đàm phán tiếp theo và "làm việc với sự khẩn trương hơn nữa để mang lại một thỏa thuận quan trọng vì mục đích không phổ biến vũ khí hạt nhân và ổn định khu vực".
Các cuộc đàm phán gián tiếp mới nhất giữa Iran và Mỹ trong ngày 28-29/6 là một nỗ lực nhằm khởi động lại tiến trình đàm phán sâu rộng hơn tại Vienna (Áo) giữa Tehran với các cường quốc về việc khôi phục JCPOA.
Tiến trình này vốn đang rơi vào bế tắc từ tháng 3/2022 do Iran và Mỹ có nhiều quan điểm khác biệt.
Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó việc yêu cầu Washington dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt liên quan thỏa thuận này, đồng thời đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu của Tehran.