📞

Đàm phán thương mại: Mỹ - Trung có thật muốn kết thúc

Minh Anh 20:01 | 19/08/2019
TGVN. Thị trường tài chính lại một phen rung chuyển bởi sự đảo chiều đột ngột. Điều gì đã “kích hoạt” các động thái mới của ông chủ Nhà Trắng?    
Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại làm chao đảo các thị trường thế giới thời gian qua? (Nguồn: FT)

Thời gian đình chiến Mỹ - Trung, bắt đầu từ ngày 29/6 chỉ kéo dài được hơn một tháng. Chỉ hơn 30 ngày sau khi lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau tại Osaka (Nhật Bản) và đồng ý nối lại đàm phán, Tổng thống Trump lại bực bội vì tiến trình đàm phán chậm chạp và ra các tuyên bố mới nhằm vào Trung Quốc. Còn Bắc Kinh ngày càng trở nên “khó chơi”, khi cố tình gửi đến Mỹ thông điệp “đừng nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lợi ích sống còn của họ”.

Cách tiếp cận không hiệu quả

Dường như có hai lý do cho sự thay đổi đó. Lý do thứ nhất có vẻ đơn giản và có thể dễ dàng để sửa chữa hơn. Để đổi lấy việc Mỹ đồng ý giữ thuế quan đối với lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc, cũng như trì hoãn các hạn chế đối với Huawei Technologies và cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho công ty viễn thông này, Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu mua các sản phẩm nông nghiệp để hướng sự tái lập một cán cân thương mại cân bằng. Nhưng các quan chức Mỹ tuyên bố rằng, Trung Quốc đã không tuân thủ các cam kết đó.

Kiểm soát thị trường và ngăn chặn việc xuất siêu trong thị trường tự do là vấn đề Trung Quốc vốn đã thừa nhận là một đề xuất khó khăn và cho rằng, yêu cầu của Mỹ là không thực tế. Tuy nhiên, việc mua các sản phẩm nông nghiệp rất đơn giản và nằm trong tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Ngoài ra, hiện Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu ròng các loại thực phẩm và có nhu cầu lớn về đậu nành, cũng như các mặt hàng nông sản từ tất cả các thị trường thế giới. Vậy, tại sao không phải là Mỹ? Nếu Trung Quốc thể hiện thiện chí của mình bằng cách mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ, các quan chức Nhà Trắng sẽ có nhiều thời gian hơn để tính toán linh hoạt hơn các giải pháp tháo gỡ trong phạm vi có thể.

Tuy nhiên, một lý do cơ bản hơn cho sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán là cách tiếp cận của các nhà đàm phán Mỹ nhằm giải quyết tranh chấp. Nó dường như đã cho thấy đó là một cách sai lầm để có thể đạt được mục tiêu.

Quay lại cuộc đàm phán thứ 11 vào tháng 5, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng, Bắc Kinh cần phải đồng ý với các điều khoản thực thi "rất mạnh mẽ" để có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng với Mỹ. Và điểm mấu chốt tại đây là Bắc Kinh phải đưa những thay đổi đã được thỏa thuận thành luật.

Sau thông báo ngày 1/8 của Tổng thống Trump, một phân tích của New York Times cho rằng, sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán là do, một bên là Mỹ nhấn mạnh tới việc Trung Quốc phải mua thêm hàng nông sản và đồng ý củng cố một số thay đổi trong luật pháp. Còn ở phía bên kia, Bắc Kinh quyết không đồng ý với bất kỳ thay đổi nào thành luật và tuyên bố họ sẽ chỉ tham gia vào một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.

Ngoài những điểm sai sót khá rõ ràng về cơ chế thực thi, còn một vấn đề vô cùng lớn, đó là việc yêu cầu Trung Quốc phải cập nhật các thỏa thuận thành luật là "xúc phạm" sâu sắc đối với Bắc Kinh, nó như chạm vào một “dây thần kinh rất rất nhạy cảm” ở quốc gia Đông Bắc Á này. Hơn nữa, trong các bình luận riêng tư của một thành viên trong đoàn đàm phán Trung Quốc, người Bắc Kinh cảm thấy bị hạ thấp bởi cách tiếp cận chung của các nhà đàm phán Mỹ, trong đó yêu cầu nước này phải bị đánh giá sự tuân thủ theo hàng Quý.

Sự tin cậy là thứ hàng hóa xa xỉ

Ngày 18/8, khi những cú đòn ăn miếng trả miếng còn chưa hết dư âm, Cố vấn Larry Kudlow đột ngột thông báo, Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại làm chao đảo các thị trường thế giới thời gian qua. Phát biểu trong chương trình Fox News Sunday, ông Kudlow còn lưu ý rằng, nếu các cuộc điện đàm giữa hai bên đạt kết quả tốt trong 10 ngày tới, Washington có thể khôi phục thực sự các cuộc đàm phán, với việc phái đoàn Trung Quốc tới Mỹ.

Không có sự tin cậy nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều đòi hỏi phía bên kia phải đạt được thỏa thuận, thông qua các cuộc đàm phán thiện chí. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, nhìn sự việc dưới con mắt của người quan sát, hơn 10 vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung vừa qua dường như bị đánh đố bởi các thông tin sai lệch và sự không tin tưởng. Cả hai bên đều đã không đánh giá cao sự tin cậy - thứ “hàng hóa xa xỉ” mà cần phải có một thời gian dài để xây dựng và “trao đổi”. Không có thứ "hàng hóa" quan trọng đó, nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều đòi hỏi phía bên kia phải đạt được thỏa thuận, thông qua các cuộc đàm phán thiện chí, rồi sau đó thực thi theo những gì đã đạt được trong một khoảng thời gian không thể ngắn hơn.

Mặc dù xúc phạm sự nhạy cảm của đối phương không phải là lý do chính đáng để thay đổi chiến lược đàm phán, nhưng một cách tiếp cận không hiệu quả, khiến bên kia bị xúc phạm thì cũng không phải là một công thức để tiến tới thành công.

Bình luận về việc các cuộc đàm phán Mỹ - Trung không đi đến đâu, mới đây trên tờ Forbes, Jack Perkowski, nhà sáng lập của JFP Holdings - chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn kinh doanh và tài chính cho các doanh nhân muốn đầu tư vào Trung Quốc cho rằng, vấn đề hiện nay là cần vượt qua sự sai lệch và mất lòng tin đang tồn tại, cần phải thay đổi điều gì đó trong các cuộc đàm phán.

Chuyên gia Jack Perkowski cho rằng, thay vì thực hiện một cách tiếp cận cũ, các nhà đàm phán Mỹ nên phát triển một số hình thức về cơ chế trọng tài song phương trong việc thực thi các thỏa thuận được đưa ra. Trong khi đó, cả hai bên cần tìm cách sửa chữa thông tin sai lệch và sự ngờ vực đang tồn tại.

“Trừ khi có sự thay đổi về cách tiếp cận, bế tắc sẽ không bao giờ kết thúc và các cuộc đàm phán sẽ không trở lại đúng hướng”, Jack Perkowski nhận định.