📞

Đậm tình gốm đất đỏ Kim Lan

Minh Hòa 15:29 | 08/04/2023
Kim Lan - theo nghiên cứu của nhà khảo cổ Nhật Bản Nishimura Masannari - có thể là làng gốm cổ được hình thành từ thế kỷ IX. Ngày nay, hơn 400 hộ sản xuất tại Kim Lan đang từng bước phục hồi sự hưng thịnh của làng gốm cổ với chất liệu đất đỏ độc đáo.
Nghệ nhân Phạm Nguyên và ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư chi bộ - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kim Lan đang chia sẻ với các bạn trẻ về kỹ thuật làm gồm. (Ảnh: M.H)

Cuối tuần, Hà Nội mưa nồm ẩm ủ rũ. Bầu trời âm u nằng nặng nước không ngăn nổi sự háo hức khám phá Kim Lan của chúng tôi. Đi cùng tôi còn có hai người bạn Ấn Độ, Rashmi và Mina. Ngắm làn mưa bụi giăng giăng qua kính ô tô, Rashmi chia sẻ: “Tôi đến Bát Tràng nhiều lần rồi mà giờ mới biết đến Kim Lan. Tôi rất thích sự phong phú và vẻ đẹp của men gốm Việt Nam. Chuyến đi nào đến các làng gốm, tôi cũng sưu tầm được kha khá đồ lưu niệm”.

Vài câu chuyện bông đùa của chúng tôi làm quãng đường ngắn lại. Qua cầu Thanh Trì, chúng tôi đi theo đường Xuân Quan xuôi về phía Nam. Qua cầu Xuân Quan thì làng gốm Kim Lan hiện ra ngay sau một ngã rẽ phải. Nhìn nét háo hức trên khuôn mặt Rashmi và Mina, tôi mong Kim Lan không làm hai cô bạn Ấn Độ thất vọng. Và mọi thứ đã diễn ra còn hơn cả mong đợi…

Sáng tạo từ đơn hàng lớn

Đón chúng tôi ngay từ đầu làng, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Kim Lan (HTX) hài hước: “Điểm dừng đầu tiên, mời quý khách ghé thăm Bảo tàng gốm sứ Kim Lan - bảo tàng cấp xã đầu tiên của cả nước”.

Thấy cả ba chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, ông Dũng lý giải: “Đây là nơi trưng bày các sản phẩm gốm cổ được khai quật, giúp du khách hiểu hơn về gốm sứ cổ Kim Lan. Theo bản Ngọc phả do Nguyễn Bính - Đông Các đại học sĩ hàn lâm viện soạn năm 1472 và bản minh văn trên chuông chùa Cả (Linh Ứng Tự) và các bản thần tích, câu đối, văn tế, văn bia... các cụ xác định tên làng Kim Lan có từ thời Cao Biền xây thành Đại La, tức thế kỷ thứ IX. Còn Bát Tràng hay Kim Lan có trước thì tôi nghe nói các nhà khảo cổ chưa khẳng định được vì chưa đủ căn cứ. Mình cứ giữ cái nghề của cha ông trước, còn thì việc chuyên môn, để các nhà khảo cổ lo”.

Chỉ vào chiếc chum đựng rượu ngay đầu xưởng, ông Dũng nói: “Đây là một trong những sản phẩm làm từ chất liệu đất đỏ và tôi tự hào khi mình được tham gia tìm tòi để sáng tạo nên chất liệu mới này vào năm 2004. Gần 20 năm trôi qua, giờ đây các xưởng ở Bát Tràng và Kim Lan đều dùng chất liệu này, nhưng để có được chất liệu đó là cả một hành trình”.

Năm đó, ông Dũng ký được hợp đồng lớn, sản xuất 150.000 sản phẩm cho một công ty xuất khẩu gốm ra nước ngoài. Không có việc cũng lo, có nhiều việc càng lo, vì lấy đâu ra lượng đất sét đủ để nặn ngần đó sản phẩm bây giờ? Ngày đêm vắt óc, vắt não và thử nghiệm, cuối cùng, anh em ông Dũng và Thanh bảo nhau: Bản chất đất sét cũng là oxit sắt mà đất đỏ cũng là oxit sắt. Vậy làm cách nào để tận dụng được nguồn đất đỏ mà làm gốm thì tuyệt vời.

Ông Nguyễn Văn Dũng hướng dẫn du khách người Ấn Độ, bà Rashmi trải nghiệm làm gốm. (Ảnh: M.H)

Nghĩ là làm, ông Dũng và ông Thanh đạp xe lên tận Sóc Sơn mua một xe sỏi ruồi. Sau mấy tháng trời thử nghiệm trộn sỏi ruồi và đất sét theo nhiều tỷ lệ và cuối cùng tìm ra một thứ nguyên liệu đất đỏ hoàn hảo để sản xuất gốm. “Giờ đây, có đến 40% các xưởng ở Kim Lan sử dụng nguyên liệu này để sản xuất gốm và ở bên Bát Tràng cũng có nhiều nhà dùng loại này. Người ta chỉ biết dùng chứ chắc ít ai biết nguồn gốc của nó và người tìm ra nó. Vì hai làng cạnh nhau nên các sản phẩm của Kim Lan cũng chẳng kém cạnh Bát Tràng, nhưng người tiêu dùng thì lại ít biết đến hai chữ Kim Lan – dù có những sản phẩm mà họ đang sử dụng chỉ Kim Lan mới có. Đó cũng là điều khiến người thợ chúng tôi khá chạnh lòng”, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Ở Kim Lan, có một điều đáng tự hào khác là chất lượng sản phẩm của các xưởng tương đối đồng đều, cả về hình thức lẫn chất lượng gốm. Chính vì thế mà hầu hết các hộ ở đây đều có thể tham gia hợp tác sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. Những công ty chuyên xuất khẩu hàng gốm sứ ra nước ngoài như Tùng Lâm, Ban Mai hay Văn Minh… đều đặn xuất đi những đơn hàng lớn do Kim Lan sản xuất. Một xưởng không đáp ứng được thì vài xưởng xúm lại để sản xuất cho kịp tiến độ. Ở Kim Lan không có cái ồn ào thường thấy ở các làng nghề, nhưng lòng yêu nghề, kinh nghiệm sản xuất, sự khéo léo và sáng tạo thì lại chẳng hề kém ai…

Cùng dạo bước trên đường làng ngăn nắp, Rashmi trầm trồ: “Sản phẩm ở đây tuyệt vời quá! Đường phố rất gọn gàng. Người dân không bày sản phẩm lấn chiếm vỉa hè”. Nghe tôi nói lại lời Rashmi, ông Dũng nói thêm: “Ở đây, mỗi cửa hàng đều bán sản phẩm do chính họ sản xuất. Bạn đến cửa hàng nào cũng sẽ được gặp gỡ với chính người làm ra sản phẩm mà họ bày bán. Đó là điều thú vị ở Kim Lan mà khách nước ngoài đều thích thú”.

Niềm tin của người làm gốm

Vừa dẫn chúng tôi tham quan các xưởng sản xuất lớn, ông Nguyễn Văn Dũng vừa chia sẻ: “Ở Kim Lan, và cả Bát Tràng, chẳng ai làm nghề mà không biết đến ông Quý Đầu Bạc – đó chính là bố tôi. Có lẽ, nghề gốm trải qua nhiều thế kỷ được lưu truyền từ đời này sang đời khác cũng tạo nên điều gì đó khác biệt trong máu người làm gốm Kim Lan. Ấy chính là tình yêu với nghề, sự đam mê và cái máu chinh phục những khó khăn do nghề mang lại. Trông vậy chứ ở Kim Lan có đến hơn 400 hộ sản xuất. Đó là điều đáng tự hào của một làng nghề đang phát triển vì đi cùng nhau sẽ đi được xa. Làng nghề nào cũng vậy!”.

Đúng như ông Dũng chia sẻ. Những sản phẩm gốm sứ Kim Lan cứ thế kéo nhau đi chinh phục các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc)... suốt nhiều năm qua. Làng nghề càng phát triển thì càng có nhiều điều cần thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Năm 2014, được nhân dân và các thành viên HTX tin tưởng bầu làm Chủ nhiệm, giờ gọi là Giám đốc HTX, để thay mặt bà con đi ký hợp đồng, ông Dũng trăn trở nghĩ phương án thay thế chợ dân sinh bé xíu trong làng thành một cái chợ xứng với tầm vóc của làng nghề. Ông bảo: “Tôi mong muốn Kim Lan có được một cái chợ cho ra chợ để các hộ có địa điểm giới thiệu sản phẩm, cũng là nơi bà con có thể nhìn nhau mà sản xuất và phát triển, làm sao cho sản phẩm của Kim Lan đa dạng sản phẩm, mẫu mã và màu sắc”.

Sản phẩm bình gốm truyền thống Kim Lan. (Ảnh: M.H)

Nghĩ là làm. Ông Dũng đi gõ từng cánh cửa để xin xây chợ. Các cấp đều ủng hộ, nhưng khổ một nỗi là Kim Lan là làng nằm ngoài đê. Việc cấp phép xây dựng các công trình lớn lại liên quan đến vấn đề đê điều, chống lụt. Cuối cùng, sau đúng bốn năm chín tháng đi đi về về, Kim Lan được cấp phép xây chợ tạm nhưng như thế cũng mừng, vì từ nay Kim Lan có cái gọi là “trung tâm thương mại” của làng nghề.

Chợ vừa xây xong thì đối mặt với hai năm Covid-19, những biến động trên thế giới khiến kinh tế toàn cầu suy giảm, hàng xuất khẩu chậm hẳn. Kim Lan trầm lắng hơn. Nhiều hộ dân chưa thấy được hết ích lợi của chợ - trung tâm giới thiệu sản phẩm gốm Kim Lan. Trước tình hình đó, các thành viên trong HTX đã ngồi lại bàn bạc và quyết định các hộ sản xuất ở Kim Lan đến trưng bày sản phẩm ở chợ sẽ được miễn phí năm đầu.

Ông Dũng nói: “Tôi mong muốn chợ sẽ biến thành sân chơi, nơi tập trung những tinh hoa, sản phẩm mới, chất lượng cao của làng để du khách có thêm điểm dừng chân lâu hơn lại Kim Lan. Vừa qua, anh Vũ Khắc Nguyên, Trưởng ban đại diện hợp tác kinh tế Việt Nam-Liên bang Nga về thăm Kim Lan và khẳng định, khi chợ hoạt động sôi nổi chắc chắn sẽ có nhiều đoàn về tham quan và mua sắm sản phẩm. Anh ấy cũng cho chúng tôi lời khuyên, rằng không chỉ tập trung sản xuất ra sản phẩm đẹp, chất lượng cao, mà còn phải nghĩ cách làm sao để người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến mình. Làng nghề Kim Lan cần trở thành một điểm du lịch hấp dẫn”.

Chia tay Kim Lan, chia tay những người thợ gốm cần cù và đầy nhiệt huyết, tôi thầm tự hào và cảm phục tinh thần vươn lên của những người làng nghề gốm cổ. Cùng với các làng gốm khác, tôi tin Kim Lan sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn và gốm Kim Lan sẽ được đông đảo người tiêu dùng biết đến trong tương lai không xa.