Gần đây, các nhà nghiên cứu đều lên tiếng chỉ rõ, đàn bầu mới chỉ xuất hiện ở Trung Quốc khoảng 20 năm, trong khi, theo tài liệu chúng ta hiện có, đàn bầu xuất hiện ở Việt Nam từ hàng chục thế kỷ trước.
“Việt Nam là đất nước của đàn bầu” đó là chân lý
NSND. Thanh Tâm, người nhiều năm giảng dạy và biểu diễn về đàn bầu cho rằng: “Tuy rằng chúng ta chưa có văn bản chính xác nào về thời gian ra đời của cây đàn bầu, nhưng có thể khẳng định nó là nhạc cụ bản địa của người Việt. Nhiều truyền thuyết về cây đàn này cũng đều xuất phát từ Việt Nam mà không tìm thấy ở bất kì nơi nào trên thế giới. Điểm chung trong các truyền thuyết là câu chuyện của những người lao động lương thiện, có số phận kém may mắn, được trời (Phật hay ông Bụt) cho cây đàn để kiếm sống. Là cây đàn sinh ra trong cuộc sống lao động khốn khó của tầng lớp thấp trong xã hội, nên đàn bầu cũng thường tấu lên nỗi lòng ai oán, giai điệu thường chậm rãi, da diết nhưng không quá bi ai, vật vã”.
NSND Thanh Tâm chơi đàn bầu tại Hội thảo Cây đàn bầu Việt Nam. (Nguồn: VOV) |
Tuy nhiên, theo khảo cứu của TS. Nguyễn Thanh Hà, trong cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn đã dẫn ra một đoạn trong Sử giao tập của Trần Cương người Trung Quốc, theo đó nhiều học giả cho rằng những nhạc cụ dây như tì bà, tranh, bầu xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng thế kỷ XIII. TS. Nguyễn Thanh Hà cũng cho rằng, cuốn sách “Cây đàn bầu, những âm thanh kỳ diệu” của tác giả Phạm Phúc Minh cho rằng, đàn bầu ra đời ở khoảng thế kỷ IX – X. Nhiều học giả dẫn theo Đại Nam thực lục còn chỉ rõ cụ thể là đàn bầu được chế tạo vào năm 1770.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết, các nhà viết sử thời Nguyễn đã để mắt đến và chép đàn bầu ra đời năm 1770 vào bộ sử Đại Nam thực lục. Thậm chí, người sáng tạo ra đàn bầu được chỉ rõ là Tôn Thất Dục, nguyên văn là: “Dục hiếu học, giỏi thơ, càng tinh về thuật số và âm nhạc, tục truyền đàn Nam cầm là do Dục chế ra” mà theo chú thích trong bộ sử Đại Nam thực lục thì Nam cầm là đàn bầu…
Chia sẻ với chúng tôi, NS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng khẳng định, đàn bầu nhạc cụ độc nhất vô nhị trên thế giới. Ai cũng nói Việt Nam là đất nước của đàn bầu, chân lý không gì thay đổi được.
“Đàn bầu là nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Việt Nam, với cách xây dựng, cách làm đàn từ chất liệu rất dân tộc, xuất tích đàn bầu gắn liền với đời sống nông thôn Việt Nam. Những tác phẩm để đàn bầu thể hiện cũng là nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, điều này không thể phủ nhận được”, ông Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Cần sớm tôn vinh đàn bầu
Về việc có thông tin đàn bầu được nhận là của Trung Quốc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lý giải: “Cách đây khoảng 10 năm, các chuyên gia, nghệ sĩ Trung Quốc có sang Học viện Âm nhạc Hà Nội xin học về đàn bầu. Việc giao lưu, học tập đó là bình thường. Các nghệ sĩ, giảng viên của chúng ta đã hết lòng chỉ bảo. Thậm chí có một người trong số này đã làm luận án về đàn bầu. Thế nhưng, khi có thông tin rằng ở Trung Quốc có phản hồi là có đàn bầu ở Trung Quốc chúng tôi đã tìm hiểu. Theo đó, dân tộc Kinh ở Quảng Tây cũng có đàn tương tự đàn bầu nhưng không giống, cấu tạo và chế tác khác, hình dáng tương tự thôi. Quan trọng nữa là không có đời sống văn hóa như đàn bầu”.
NSND. Hoàng Anh Tú chơi đàn bầu. (Nguồn: VOV) |
Ông Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng: “Nếu phía Trung Quốc có tổ chức Hiệp hội chơi đàn bầu thì cũng không thể nhận được là đàn bầu của họ, cũng như chúng ta chơi violon thì không thể khẳng định violon là của chúng ta được”...
Tại Hội thảo về “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam” do Viện Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc gia, Bộ VHTTDL) tổ chức vừa qua, GS.TS Trần Quang Hải từ Pháp cũng gửi về ý kiến của mình. Theo GS Hải, việc Trung Quốc cho nhạc cụ đàn bầu là của họ là "việc bình thường". Năm 2009, Trung Quốc từng đệ trình UNESCO xét ghi danh Hát đồng song thanh Mông Cổ khoomei và đã bị Mông Cổ phản đối kịch liệt.
Bằng lý lẽ khoa học, người Mông Cổ khẳng định kỹ thuật này chỉ phát nguồn từ vùng Tây Bắc xứ Mông Cổ chứ không thể có ở Nội Mông như Trung Quốc tuyên bố. Vì thế, năm 2010 Mông Cổ trình hồ sơ Hát đồng song thanh khoomei và được UNESCO ghi danh di sản này của Mông Cổ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với lý do có một tộc người Triều Tiên sinh sống ở Trung Quốc, di sản Ariang của tộc người này cũng đã từng được Trung Quốc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO xét ghi danh. Trước việc làm đó của Trung Quốc, Hàn Quốc đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, xây dựng hồ sơ trình UNESCO và được nhìn nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc năm 2014…
Vì thế, viện lý do có tộc người Kinh sinh sống ở Trung Quốc, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ đệ trình UNESCO xét ghi danh đàn bầu của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nước họ như từng làm với Hát đồng song thanh khoomei của Mông Cổ hay di sản Ariang của tộc người Triều Tiên…
Bởi vậy, theo GS Hải, việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đàn bầu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được Việt Nam sớm thực hiện.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết, nhiều chuyên gia UNESCO từng hỏi ông về việc Trung Quốc gọi đàn bầu của họ là như thế nào? GS. Tô Ngọc Thanh từng thư đi thư lại, nói chuyện nhiều lần để bảo vệ quan điểm “đàn bầu là của Việt Nam”. Và, theo ông Tô Ngọc Thanh thì cần sớm có phản ứng, động thái mang tầm quốc gia, càng để lâu càng nguy hiểm trước các dấu hiệu đàn bầu bị xưng danh là nhạc cụ dân tộc của nước khác.
Tin vui với những người yêu di sản văn hóa Việt Nam nói chung và yêu quý nhạc cụ đàn bầu nói riêng là việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Đàn Bầu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang được Viện Âm nhạc đề xuất, xin ý kiến các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu mà hội thảo vừa được tổ chức vừa qua là bước khởi đầu.