TIN LIÊN QUAN | |
Vì sao hàng triệu người Mỹ không tốt nghiệp đại học | |
Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài |
Khi Peter Enevoldsen - Giám đốc một công ty chế tạo máy tại miền Bắc Đan Mạch giành được hợp đồng cung cấp bộ phận máy kéo chính xác từ đối tác, ông vô cùng vui mừng và tràn trề hy vọng. Hợp đồng siêu lợi nhuận trị giá hơn nửa triệu Euro hứa hẹn sẽ giúp doanh nghiệp của ông tăng sức cạnh tranh so với đối thủ.
Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, Peter Enevoldsen chợt nhận ra, công ty của mình không đủ thợ hàn lành nghề để hoàn thành đơn hàng đã ký kết. Việc giao hàng liên tục bị trì hoãn nhiều tháng trời khiến ông phải tìm đến những lao động nhập cư nhằm đẩy nhanh tiến độ công việc tại nhà máy.
“Chúng tôi cần rất nhiều kỹ sư và công nhân lành nghề nhưng nguồn cung từ thị trường lao động luôn thiếu hụt. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ tác động mạnh lên tăng trưởng kinh tế”, ông Enevoldsen lo ngại.
Tình trạng thiếu lao động có kỹ năng cũng đang đe dọa Teccon Form – công ty cơ khí phía Tây thành phố Holstebro. Thời gian qua, công ty này liên tục đăng tuyển lao động nhưng vẫn không thể tuyển đủ số lượng cần thiết.
“Dường như giới trẻ Đan Mạch có xu hướng tập trung cho việc học hành, kết hôn và lập gia đình hơn là công việc và sự nghiệp”, CEO của Teccon Form Michael Nederby lý giải.
Hơn 1/3 các công ty công nghiệp và kỹ thuật tiên tiến tại Đan Mạch hiện không thể tuyển dụng đủ công nhân tay nghề cao. (Ảnh: IDA) |
Sau khi phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế, Đan Mạch là một trong số ít quốc gia châu Âu mà hầu như người dân nào đến tuổi lao động cũng đều có việc làm. Thay vì được hoan nghênh, thực tế này lại đang đặt ra những thách thức mới cho nền kinh tế.
Hơn 1/3 các công ty công nghiệp và kỹ thuật tiên tiến tại Đan Mạch hiện không thể tuyển dụng đủ công nhân tay nghề cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, khoa học điện máy, cơ khí, thợ điện và thợ mộc. Mặc dù các doanh nghiệp đã phải tăng tiền lương để thu hút nhân công, song việc thiếu hụt nguồn lao động cũng khiến họ phải thu hẹp sản xuất, trì hoãn các kế hoạch phát triển.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Đan Mạch, tỷ lệ thất nghiệp tại Đan Mạch đang ở mức 4,3%, xếp sau nhiều nước trong khu vực như Đức, Áo, Anh, Hà Lan, Luxembourg. Vào thời kỳ bùng nổ kinh tế một thập niên trước đây, tỷ lệ thất nghiệp thậm chí chỉ ở mức 2,4%. Đáng chú ý, dù nhu cầu lao động rất cao nhưng năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Đan Mạch lại khá khiêm tốn, chỉ khoảng 1,2%.
“Rất khó có thể kỳ vọng mức tăng trưởng cao bởi Đan Mạch không có đủ nguồn nhân lực”, Steen Nielsen, Giám đốc về Chính sách và Thị trường Lao động thuộc Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch thừa nhận.
Nỗ lực tìm giải pháp
Để chủ động về nguồn lao động, một số công ty Đan Mạch buộc phải mở thêm chi nhánh ở nước ngoài dù chi phí thường bị đội lên rất nhiều. Clio Online – công ty công nghệ trong lĩnh vực giáo dục có trụ sở chính tại thủ đô Copenhagen mới đây đã phải mở văn phòng vệ tinh ở Ukraine và tuyển dụng khoảng 20 lập trình viên tại đây.
“Chúng tôi rất muốn tuyển dụng người lao động ngay tại Đan Mạch để tiết kiệm chi phí. Văn phòng tại Đan Mạch vẫn còn vài chỗ trống nhưng không thể tuyển được ai suốt nhiều tháng nay. Chúng tôi đành phải tìm đến các thị trường lao động khác”, Janus Benn Sorensen – người sáng lập Clio Online chia sẻ.
Buộc phải từ chối một đối tác tiềm năng vì không thể mở rộng quy mô công ty, Nederby cho biết, ông cũng đang phải tìm kiếm nguồn lao động từ những nước lân cận như Đức, Ba Lan, Bồ Đào Nha. “Những năm tới, tình hình sẽ ngày càng tồi tệ hơn”, ông Nederby dự báo.
Nhằm đối phó với tình trạng này, Chính phủ Đan Mạch đã triển khai nhiều biện pháp như cho phép kéo dài tuổi nghỉ hưu, khuyến khích người cao tuổi, sinh viên làm việc cũng như mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nước ngoài, phần lớn là lao động đến từ các nước châu Âu. Các doanh nghiệp cũng đang vận động các nhà chức trách tăng cường việc giảng dạy kỹ thuật và kỹ năng nghề nghiệp tại các trường học để bổ sung thêm nguồn lao động có kỹ năng cho thị trường.
Không chỉ tìm kiếm nguồn lao động đến từ các nước châu Âu, một số nhà tuyển dụng Đan Mạch cũng đang xem xét đến nguồn lao động là những người nhập cư có tay nghề cao. Năm 2016, Đan Mạch đã tiếp nhận khoảng 21.000 người nhập cư có tay nghề gia nhập thị trường lao động.
Tuy vậy, việc mở cửa cho lao động nhập cư cũng khiến chính quyền nước này lo ngại sẽ gây áp lực không nhỏ cho an sinh xã hội và chính sách phúc lợi. Một khảo sát do Bộ Di trú Đan Mạch thực hiện vào tháng 5/2016 cho thấy, 55% số người nhập cư mới đến chỉ mới hoàn thành chương trình tiểu học, 8% chưa từng được đi học.
“Chúng tôi vẫn thiếu trầm trọng nguồn lao động có kỹ năng. Phần lớn những người nhập cư đều có trình độ văn hóa thấp và chưa được đào tạo. Thêm vào đó, ngôn ngữ cũng là rào cản lớn”, ông Nielsen cho hay.
Đan Mạch sẽ có “đại sứ kỹ thuật số” Đan Mạch sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chỉ định hàm “đại sứ kỹ thuật số”, chức danh được thiết kế ... |
Cuộc đời qua văn chương châm biếm và cảm thương Năm 2005, toàn thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh Andersen, nhà văn Đan Mạch - tác giả có lẽ được dịch và đọc ... |
Làm thế nào để có mùa Đông ấm áp và hạnh phúc? Khái niệm Hygge (cuộc sống ấm cúng) của người Đan Mạch chính là chìa khóa tạo ra động lực giúp người dân vượt qua thời ... |