Một người đàn ông đưa một em bé ngang qua khu trang trí Tết cổ truyền tại phố dành cho người đi bộ Qianmen, điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Kinh, ngày 17/1. ( Nguồn: AP) |
Theo nghiên cứu do Tổ chức Thống kê đánh giá dân số thế giới thực hiện, xét về tốc độ tăng dân số, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Hiện tại dân số của Ấn Độ là 1.422.706.266 và của Trung Quốc là 1.425.831.275.
Dân số Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng đều đặn cho đến năm 2050. Kết quả là sau 27 năm sẽ có 1.670.490.000 sống ở nước cộng hòa Nam Á này.
Trong khi đó. trang npr.org ngày 17/1 lại chỉ ra nguyên nhân khiến dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua
Theo đó, Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt giảm dân số lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, điều mà một số chuyên gia gọi là “sự thay đổi to lớn” đối với một quốc gia mong muốn phát triển kinh tế và tăng tỷ lệ sinh.
Dữ liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 17/1 cho thấy, dân số của Trung Quốc Đại lục là 1,411 tỷ người vào cuối năm 2022, giảm 850.000 người so với năm 2021.
Chính sách một con nhằm kiềm chế sự gia tăng dân số của Trung Quốc và giúp kích thích sự bùng nổ kinh tế vào năm 1980 đã dẫn đến tỷ lệ sinh thấp và dân số già đi tại Trung Quốc. Theo dữ liệu của chính phủ, nước này chứng kiến số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh ra trong năm 2022. Trong năm ngoái, quốc gia này ghi nhận 10,41 triệu người chết trong khi chỉ có 9,56 triệu người được sinh ra.
Năm 2015, Trung Quốc chấm dứt chính sách một con và bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng có hai con. Chính sách này được nới lỏng một lần nữa vào năm 2021 khi cho phép các gia đình có thể sinh ba con.
Tuy nhiên, Yun Zhou, chuyên gia xã hội học tại Đại học Michigan cho rằng, những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm đảo ngược tiến trình già hóa dân số và khuyến khích các gia đình sinh thêm con đã không thành công, do phụ nữ phản đối việc sinh nhiều con và ưu tiên công việc, cũng như theo đuổi lý tưởng cá nhân hơn.
Giáo sư Khoa học xã hội Stuart Gietel-Basten, tại Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong và Đại học Khalifa (Dubai) cho rằng, sự thu hẹp về quy mô dân số có thể làm phức tạp các kế hoạch tiếp tục mở rộng kinh tế của Trung Quốc. Theo GS. Gietel-Basten, “Kỷ nguyên tăng trưởng nhanh ở mức hai con số, lao động giá rẻ, lực lượng lao động trẻ hơn của Trung Quốc giờ đã thực sự kết thúc”.