Là một trong những nghệ sĩ hải ngoại sớm trở về hoạt động nghệ thuật tại quê hương, hẳn anh có lý do cho quyết định này?
Trước hết, có thể nói đó là cái duyên, còn cụ thể có hai lý do chính để tôi trở về. Hồi đó, tôi được mời về diễn vai chính kịch dài: Trạng Quỳnh. Vở kịch này được chính thầy của tôi là NSND. Trần Ngọc Giàu đạo diễn. Tôi còn được mời tham gia một số chương trình dài hơi như Duyên dáng Việt Nam hay chương trình ca nhạc Một thoáng Việt Nam... Vì thế, công việc ở trong nước đã choán hết quỹ thời gian của tôi. Tôi còn một lý do nữa để quyết định sẽ hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam, đó là việc gia đình, bởi tôi là con trai trưởng trong gia đình.
Nghệ sỹ Hoài Linh cùng các nghệ sỹ khác mặc những bộ áo dài nam truyền thống. (Ảnh: MH) |
Theo anh, có những khác biệt nào giữa hoạt động nghệ thuật nói chung và diễn hài nói riêng ở trong nước và ở hải ngoại?
Với mình cũng không có nhiều khác biệt lắm cả về khán giả cũng như chất lượng chương trình. Và, ở đâu, khán giả cũng thích hài bởi cười nhiều thì giảm stress. Ở hải ngoại có nhiều chương trình ca nhạc, diễn hài hoành tránh, nhưng trong nước cũng không hề kém.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là ở hải ngoại thì thường diễn vào cuối tuần, còn ở trong nước thì diễn suốt, diễn hàng đêm, diễn ở các tỉnh thành, ở các vùng sâu vùng xa... Tôi đi diễn, có nhiều nơi, nhiều cảnh gợi nhớ những kỷ niệm của một thời thơ ấu, những khi lội ruộng, tắm sông… rất thú vị. Đặc biệt là khi diễn cho đồng bào các các vùng sâu vùng xa xem, thấy họ thích, mình càng vui hơn.
Hiện nay, nhiều nghệ sỹ hải ngoại đang hướng tới chinh phục khán giả trong nước nhiều hơn, thậm chí trở về quê hương để hoạt động nghệ thuật. Anh đánh giá như thế nào về xu hướng này?
Nói là “hướng tới chinh phục khán giả trong nước” cũng không hẳn, nhưng ngày càng nhiều nghệ sỹ hải ngoại trở về nước hoạt động nghệ thuật thì có. Là nghệ sỹ, họ muốn được diễn trên khắp nơi và sẽ càng vui hơn khi được trở về quê hương mình biểu diễn. Thậm chí, nhiều nghệ sỹ đã chinh phục khán giả nhà khi họ vẫn đang ở hải ngoại.
Hiện nay, khi nhiều gameshow nghệ thuật nở rộ, họ được mời về nước để tham gia các chương trình này. Điều đó khiến các nghệ sỹ ở hải ngoại rất phấn khởi bởi không chỉ được biểu diễn ở quê hương, được gặp những người hâm mộ ở trong nước. Thêm nữa, chính sách đối với kiều bào ngày một thông thoáng cũng đã tạo điều kiện để họ trở về quê hương hoạt động nghệ thuật thuận lợi hơn.
Nhiều nghệ sỹ cho rằng là người Việt Nam, dù hoạt động nghệ thuật ở đâu, nhưng nếu tấm lòng họ hướng về quê hương, họ vẫn có thể đóng góp xây dựng và bảo vệ quê hương, Anh có thấy như vậy không?
Ở hải ngoại, các nghệ sỹ cũng tham gia rất nhiều chương trình từ thiện để quyên góp gây quỹ ủng hộ đồng bào ở trong nước mỗi khi xảy ra thiên tai. Họ đã rất vui khi đóng góp phần hỗ trợ các đồng bào trong nước gặp khó khăn.
Anh đánh giá thế nào về hoạt động nghệ thuật của các nghệ sỹ người Việt ở hải ngoại trong việc quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài?
Ở trong nước, hàng năm cũng có nhiều đoàn nghệ thuật được cử ra nước ngoài để biểu diễn các loại hình văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt và người nước ngoài xem. Cùng với đó, các nghệ sỹ ở hải ngoại tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng. Qua đó, người dân sở tại cũng được mời tham dự và họ rất thích khi được thưởng thức nghệ thuật của Việt Nam.
Theo tôi, việc giới thiệu quảng bá văn hóa truyền thống ra nước ngoài như hiện nay là rất tốt. Người nước ngoài cũng rất thích thú thưởng thức nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể như Đờn ca tài tử, Nhã nhạc cung đình Huế, Chầu văn, hát Xoan, Quan họ… Những loại hình mà người nước ngoài thích thì mình cần đẩy mạnh giới thiệu bởi người nước ngoài rất muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc một đất nước qua các loại hình nghệ thuật.
Tuy nhiên, khi quảng bá văn hóa, chúng ta không được làm ẩu. Những chương trình nghệ thuật cần được giữ bản sắc của các vùng miền, tránh giới thiệu những tác phẩm, chương trình nghệ thuật cẩu thả. Nếu không, chúng ta không chỉ làm người nước ngoài hiểu méo mó về bản sắc của chúng ta mà còn mất luôn khán giả.
Nhiều khi, chúng ta không nhất thiết phải đưa những nghệ sỹ nổi tiếng ra nước ngoài biểu diễn mà chỉ cần mời những nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian ở vùng miền đó để họ thể hiện tốt nhất bản sắc văn hóa trong loại hình nghệ thuật đặc trưng của họ. Tôi nghĩ như vậy thì việc quảng bá của chúng ta sẽ vừa tiết kiệm, lại vừa hiệu quả.
Xin cảm ơn anh!