Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn cho biết, chỉ trong hai năm (2016 – 2018) Hiệp hội đã chú trọng kiện toàn bộ máy tổ chức, lựa chọn đội ngũ có năng lực, nhiệt huyết và công tâm vào tổ chức.
Sơ kết việc triển khai Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Cùng với việc không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động và hoàn thành việc mở hai văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Hiệp hội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và phối hợp triển khai nhiệm vụ, tích cực ký kết hợp tác với các cơ quan thông tin địa chúng, các hiệp hội doanh nghiệp, địa phương như: Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Thế giới & Việt Nam, Tổ chức mạng lưới kinh doanh quốc tế (BNI)Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên – Huế...
Các hoạt động đào tạo, tư vấn về văn hóa doanh nghiệp đã được chú trọng, với chức năng của mình Hiệp hội bước đầu triển khai thành công các mảng phát triển về nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn mà nòng cốt là những hoạt động của Viện Văn hóa Kinh doanh trực thuộc Hiệp Hội.
Công bố các quyết định kiện toàn Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong thời gian ngắn vừa qua, Hiệp hội cũng đã hoàn thiện các quy chế tổ chức và hoạt động cùng một số văn bản pháp quy khác. Các văn bản này đã là những cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động của tổ chức Hiệp hội, góp phần tạo sự phát triển bền vững và hướng đi đúng đắn của Hiệp hội.
Ngoài ra, để triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai hàng loạt công việc quan trọng, trong đó có việc kiện toàn bộ máy tổ chức triển khai cuộc vận động và đưa Cuộc vận động nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa và đạt hiệu quả cao.
Trên thực tế, kể từ ngày 28/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 248/QĐ-Ttg thành lập Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (gọi tắt là Ban tổ chức 248), nhiều hoạt động triển khai Cuộc vận động đã được tổ chức, phát động rộng rãi ở các tỉnh, thành cả nước, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng doanh nghiệp.
Công bố các quyết định kiện toàn Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tại buổi sơ kết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn, đồng thời là Trưởng ban Tổ chức 248 cũng cho biết, hai văn bản quan trọng là Quy chế tôn vinh quy định việc xét chọn và trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp Văn hóa tiêu biểu” vào dịp Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (ngày 10/11) và Bộ Tiêu chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã được lấy ý kiến rộng rãi. Bộ Tiêu chí nhằm tạo thước đo để các doanh nghiệp Việt Nam tự đánh giá về văn hóa doanh nghiệp của mình, đồng thời định hướng để cộng đồng doanh nghiệp Việt nam xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp phù hợp với chủ trướng, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp hiện nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, đồng hành và hưởng úng tích cực từ các Bộ, ngành, các cơ quan truyền thông, các hiệp hội và cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hồ Anh Tuấn, trong nhiều khó khăn, vấn đề số một hiện nay khiến phong trào chưa lan tỏa sâu rộng là vấn đề nhận thức về văn hóa doanh nghiệp có lúc, có nơi chưa đầy đủ, đúng tầm. Vấn đề tài chính hạn hẹp, kinh phí hoạt động thiếu thốn cũng đang ‘trói chân’ những con người đang có một ước mơ lớn – phát triển một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững và sở hữu một tài sản vô giá là “văn hóa doanh nghiệp”.
Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức 248 Hồ Anh Tuấn. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến và sáng kiến đã được đưa ra, nhằm thiết thực tháo gỡ những khó khăn, cũng như hỗ trợ và tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động một cách sâu, rộng và hiệu quả. Trong đó, có ý kiến đề nghị đưa danh hiệu “Doanh nghiệp Văn hóa tiêu biểu” thành một tiêu chí chính thức để doanh nghiệp được xét công nhận “Thương hiệu Quốc gia”.
Khẳng định, đầu tư cho văn hóa chính là một cách đầu tư cho phát triển bền vững hiệu quả nhất, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Công ty truyền thông Le Bros Lê Quốc Vinh cho rằng, hiện không ít doanh nghiệp và xã hội chưa đánh giá được đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đó là vấn đề lớn mà Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung trong thời gian tới.
Là một trong những công ty tư vấn thương hiệu, marketing, quan hệ công chúng và tổ chức sự kiện lớn tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm từ chính các dự án mà Le Bros đã thực hiện, ông Lê Quốc Vinh cho biết, để được như ngày nay, Le Bros đã phải trải qua một quá trình chứng minh tính chuyên nghiệp và thái độ ứng xử có văn hóa với khách hàng, với cộng đồng mà họ nhắm tới.