Vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung mới sẽ diễn ra tại Washington, dự kiến trong hai ngày 10-11/10. (Nguồn: Reuters) |
Một bản danh sách đen, bao gồm tám công ty công nghệ và 20 thực thể khác của Trung Quốc, đã chính thức được công bố dựa trên cơ sở nhân quyền. Những công ty này đều có liên quan tới tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực giám sát công nghệ cao và Trí tuệ nhân tạo (AI).
Mỹ vẫn tìm giải pháp tối ưu
Mà AI lại là một trong những lĩnh vực công nghệ mà Mỹ xác định là cực kỳ quan trọng để đảm bảo uy quyền công nghệ tối cao của quốc gia này. Một yếu tố trong lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei, để ngăn chặn Trung Quốc kỳ vọng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (mạng 5G). Viện dẫn các vi phạm nhân quyền đơn giản là vỏ bọc tốt nhằm cố gắng kìm hãm các tham vọng tương tự của Trung Quốc trong công nghệ AI.
Rõ ràng, bản danh sách đen đã đem đến những bất lợi cho các cuộc họp vào cuối tuần này giữa phái đoàn thương mại Trung Quốc, dẫn đầu bởi Phó Thủ tướng Lưu Hạc với đoàn đàm phán do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin dẫn đầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa từng cho thấy bất cứ một triển vọng nào liên quan tới việc đồng ý với những yêu cầu của Mỹ về thay đổi cơ cấu nền kinh tế quốc gia, thậm chí ngay cả khi các mối đe dọa thuế quan của Mỹ tiếp tục treo lơ lửng trên các bàn đàm phán sắp diễn ra. Thật vậy, Trung Quốc đã từ bỏ mọi nhượng bộ dính líu tới việc chấm dứt định hướng trọng tâm, cũng như cắt giảm trợ cấp chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước, hoặc thay đổi cách đối xử với quyền sở hữu trí tuệ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump dĩ nhiên xem bản danh sách đen là một “đòn bẩy” khác trong các cuộc đàm phán. Theo Bloomberg, Nhà Trắng cũng đang tiếp tục thảo luận các lựa chọn để hạn chế dòng vốn chảy vào Trung Quốc, bao gồm các danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư theo chỉ số.
Ngay từ lúc bắt đầu cuộc chiến thuế quan, chính quyền Mỹ đã không lường trước được rằng, Trung Quốc sẽ không khuất phục trước áp lực yêu cầu từ bỏ mô hình kinh tế vốn là trung tâm của sự tăng trưởng – hay bất kỳ mối đe dọa hay sự nhượng bộ nào. Vị trí của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán đang được củng cố khi theo thời gian, tác động của cuộc chiến thương mại đối với Mỹ đã trở nên rõ ràng hơn và gây nhiều thiệt hại hơn.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại do đầu tư kinh doanh dần cạn kiện và lĩnh vực sản xuất bị thu hẹp. Và với cuộc bầu cử năm 2020 sắp đến gần, ông Trump cần một giải pháp tối ưu để có thể thoát khỏi mớ thiệt hại hỗn độn mà chính ông đã tạo ra.
Một thỏa thuận “có đi có lại”?
Tổng Giám đốc mới nhậm chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieve ngày 8/10 cho biết, hiện đã có đủ bằng chứng (nếu bất cứ ai khác ngoài Donald Trump và các cố vấn của ông đòi hỏi) rằng không ai chiến thắng từ các cuộc chiến thương mại, ngay cả khi một số bên mất mát nhiều hơn các bên khác.
Bà cũng cho biết, việc các nền kinh tế lớn tách rời khỏi nhau đang tạo ra nhiều thay đổi có thể ảnh hưởng tới cả một thế hệ, với việc chuỗi cung ứng bị phá vỡ, các khu vực thương mại bị tách rời và một “bức trường Berlin kỹ thuật số” xuất hiện. Đến cuối năm 2020, cuộc chiến thương mại sẽ khiến nền kinh tế thế giới tổn thất 700 tỷ USD, tương đương 0,8% tăng trưởng GDP toàn cầu.
Trung Quốc có thể bị tổn thương nhiều hơn Mỹ từ các tác động của đối đầu thương mại. Nhưng với tư cách là một quốc gia độc đảng, Trung Quốc có khả năng chấp nhận và hấp thụ các thiệt hại tốt hơn so với một chính quyền phải đối mặt với các cử tri vào năm tới và một loạt các vấn đề chính trị khác cần phải giải quyết.
Một trong những sắc thái của đàm phán thương mại Mỹ - Trung là vụ việc Tổng thống Trump thúc giục Trung Quốc điều tra đối thủ tranh cử tiềm năng Joe Biden và con trai của ông về các thỏa thuận kinh doanh của Hunter Biden tại Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã bác bỏ yêu cầu này - vốn tương tự như yêu cầu mà ông Trump đã đề nghị với Ukraine và dẫn đến một cuộc điều tra luận tội.
Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra từ các cuộc đàm phán thương mại vào cuối tuần này cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng để xác định liệu chính quyền Mỹ có đưa ra những nhượng bộ nhằm khuyến khích Trung Quốc hợp tác với lời kêu gọi chính trị của ông Trump hay không.
Trong bối cảnh các cuộc điều tra luận tội tập trung vào những thỏa thuận của ông Trump với các chính phủ nước ngoài, một thỏa thuận “có đi có lại” tương tự như vậy sẽ khó xảy ra. Tổng thống Trump và ông Lighthizer đã nói về tiềm năng của một thỏa thuận “thay thế” - một thỏa thuận có khả năng sẽ trì hoãn tất cả những yêu cầu quan trọng và cơ bản hơn của Mỹ cho đến sau cuộc bầu cử vào năm tới.
Mỹ có thể sẽ đề nghị hoãn vô thời hạn việc áp thuế quan lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - mức thuế quan mới đã được thông báo, nhưng chưa được áp dụng. Nếu các cuộc đàm phán thất bại, những biện pháp thuế quan đó và sự gia tăng tỷ lệ đối với các mức thuế hiện tại sẽ được áp dụng ngay trong năm nay.
Đổi lại, Trung Quốc sẽ đồng ý mua một số lượng đáng kể các sản phẩm nông nghiệp và mặt hàng khác của Mỹ. Thậm chí, nước này rất có thể đưa ra một số tín vật và nhượng bộ đối với các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ. Người Trung Quốc có thể dễ dàng chấp nhận những điều khoản đó, vì họ cần các sản phẩm, mà không cảm thấy “mất mặt” hay phải hy sinh tăng trưởng.
Điều đó sẽ giúp ông Trump khả năng giành được một chiến thắng, tuy khiêm tốn và chịu nhiều tổn thất, trong khi cách ly được các tranh chấp thương mại, hoặc ít nhất là cuộc thương chiến với Trung Quốc, cho đến sau cuộc bầu cử.
Trong khi đó, những nhà chính trị theo trường phái diều hâu của chính quyền Mỹ sẽ sử dụng các chiến thuật cụ thể và ít tự hủy hoại hơn, như danh sách đen tám công ty công nghệ, để theo đuổi ít nhất một số mục tiêu của chính quyền.