Cánh đồng ruộng bậc thang mùa lúa chín tại xã Yên Thắng, Lang Chánh. (Nguồn: Ngày mới Online) |
Lợi thế đặc biệt về du lịch
Lang Chánh sở hữu những thác nước nổi tiếng như: Thác Ma Hao, Thác hón Lối… Trên địa bàn huyện còn có nhiều thác nước lớn nhỏ khác nằm rải rác ở các địa phương như: Thác Bảy tầng ở Bản Năng Cát xã Trí Nang, Thác Ông (hay còn gọi là thác Lê Lợi) ở khu phố Oi Thị trấn Lang Chánh, Thác Tải E ở Thôn Chiềng Khạt xã Đồng Lương, Thác Áp Pa ở xã Giao An, thác Rồng, thác Sao Ba, thác Kéng Hung ở xã Lâm Phú…
Hệ thống những thác nước này đều có độ cao và vẻ đẹp hoang sơ, chưa được khai phá, có tiềm năng lớn để huyện nhà phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm.
Cùng với hệ thống thác nước hùng vĩ, huyện Lang Chánh còn có vô số thắng cảnh thiên nhiên đẹp, độc đáo, khí hậu mát lành gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào bản địa - một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, nhiều điểm đến hấp dẫn cũng đang dần được định hình và triển khai như: Du lịch nông nghiệp, khám phá tại Làng Thung xã Đồng Lương, du lịch nghỉ dưỡng với hệ thống homestay tại Bản Ngày, khu trải nghiệm, khám phá, cắm trại ở bản Nà Đang xã Lâm Phú, du lịch trải nghiệm, khám phá ruộng bậc thang bản Ngàm Pốc, bản Peo xã Yên Thắng…
Lang Chánh còn nổi tiếng với các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, các di sản văn hóa, văn nghệ dân gian ... đây là tài nguyên du lịch hết sức giá trị, đặc trưng vùng miền; tất cả tạo nên sự độc đáo là thế mạnh cho du lịch lang Chánh phát triển.
Không chỉ thế, huyện miền núi Lang Chánh hội tụ những sắc màu văn hóa của 3 dân tộc anh em Thái, Mường, Kinh. Ngoài những lợi thế về hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan sinh thái nguyên sơ, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị như Chùa Mèo, Thác Ma Hao, Thác Hón Lối....
Vẻ đẹp hoang sơ của bản Ngày, Lang Chánh. (Nguồn: Doanh nghiệp Hội nhập) |
Lang Chánh còn được biết đến với những phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Với hơn 90% là dân tộc Thái, Mường sinh sống trên địa bàn, Lang Chánh có những lợi thế riêng để phát triển du lịch cộng đồng.
Đến với Lang Chánh du khách sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch Homestay trong những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, hay hòa mình vào các lễ hội, thưởng thức loại hình văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca hay thưởng thức những món ăn truyền thống.
Đặc biệt, Lang Chánh có lợi thế về du lịch không đâu có được, đó là tên suối, tên sông, tên làng bản đã đi vào truyền thuyết, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của vị “anh hùng áo vải” Lê Lợi.
Thác Ma Hao là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch. (Ảnh: Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Lang Chánh). |
Đưa du lịch trở lĩnh vực kinh tế mũi nhọn
Tận dụng tiềm năng và lợi thế sẵn có với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, cùng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thời gian qua, huyện Lang Chánh đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch.
Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lang Chánh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 06). Thông qua nghị quyết nhằm huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự chung tay vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch.
Tại Nghị quyết 06, huyện Lang Chánh đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành rõ nét, đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch gắn với lợi thế của địa phương, như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng. Từ năm 2021-2025 phấn đấu huy động khoảng 770 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; riêng lĩnh vực lưu trú có từ 50 - 70 khách sạn, nhà nghỉ, bungalow, homestay. Phấn đấu đến năm 2030 đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành, nghề, dịch vụ phát triển; du lịch Lang Chánh từng bước nằm trong tốp đầu của các huyện miền núi trong tỉnh.
Từ nay đến năm 2025, huyện cũng tập trung xây dựng mới các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bản Ngàm Pốc (xã Yên Thắng); bản Ngày (xã Lâm Phú); điểm du lịch Thung Bằng (xã Đồng Lương); điểm du lịch Làng Thiền (đội 5 cũ, xã Trí Nang); điểm du lịch làng Năng Cát; điểm du lịch đền thờ Lê Lợi (xã Trí Nang); điểm du lịch Làng Húng (xã Giao Thiện); điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Pù Rinh.
Song song với đó, Lang Chánh chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh đối với Chùa Trô, xã Giao An; đền thờ Đô đốc Đài lương Quận công Lê Phúc Hoạch (xã Đồng Lương); công nhận Lễ hội Chá Mùn (xã Yên Thắng) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; công nhận quần thể núi Chí Linh là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, hướng tới công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đồng thời, lập hồ sơ xin ý kiến UBND tỉnh và các ngành chức năng về phối hợp với huyện Sầm Tớ, tỉnh Houaphan, nước bạn Lào để liên kết phát triển du lịch hai bên biên giới của hai huyện. Tổ chức phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Thái, Mường, như: khắp Thái, xường Mường, tục làm vía, mừng cơm mới. Hàng năm tổ chức Lễ hội Chùa Mèo vào dịp đầu Xuân và các lễ hội truyền thống để phục vụ phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Mới nhất, ngay từ đầu năm 2024, huyện đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu, xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách. Nhờ đó, trong quý I/2024, huyện Lang Chánh đã đón 36.000 lượt khách du lịch.
Thời gian tới, Lang Chánh sẽ tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để đưa du lịch trở lĩnh vực kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Đây là động lực quan trọng để Lang Chánh hoàn thành mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lang Chánh lần thứ XXIII đã đặt ra, đó là phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo trước năm 2025.