Phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều điểm sáng
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và giám sát thường xuyên của Hội đồng nhân dân tỉnh; nhất là sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp cũng như của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch, nên kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh có những điểm sáng đáng ghi nhận.
Về kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 đạt 34.305,3 tỷ đồng, bằng 98,95% so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp tăng khá. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản đạt 12.398 tỷ đồng, tăng 1,76% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 0,62 điểm % so với kế hoạch.
Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tăng cường; môi trường sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án, với tổng số vốn đăng ký tương đương 3.552 tỷ đồng (trong đó có 6 dự án FDI với số vốn 13,74 triệu USD). Phát triển mới 279 doanh nghiệp; thành lập mới 7 hợp tác xã.
Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nông thôn mới được tập trung. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 đạt 14.213 tỷ đồng và đến cuối năm 2021, tỉnh có thêm 7 xã nông thôn mới và 9 xã nông thôn mới nâng cao.
Về văn hóa – xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo người có công luôn đươc̣ quan tâm chỉ đạo thưc̣ hiện; an sinh xã hội được đảm bảo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 kịp thời, hiệu quả.
Đến cuối năm 2021, giải quyết việc làm mới cho 23.436 lao động, đạt 117,18% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,53%. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng, đặc biệt là thực hiện các biện pháp, phòng dịch Covid-19 vừa linh hoạt, hiệu quả, vừa đảm bảo mục tiêu, hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHYT được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ người tham gia bảo hiểm y tế chiếm 91% dân số, đạt 100% kế hoạch đề ra. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao. Tỉnh có điểm trung bình tốt nghiệp THPT đứng hạng 8/63 tỉnh, thành, tăng 4 hạng so với năm học trước.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao được duy trì, tổ chức với các hình thức phù hợp, đảm bảo trong phòng, chống dịch Covid-19. Đến cuối năm 2021, tỉnh có 14/20 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Các hoạt động đối ngoại được triển khai phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19. Công tác vận động và quản lý viện trợ phi Chính phủ nước ngoài đạt kết quả tích cực; đã tiếp nhận tài trợ với tổng số tiền khoảng 20 tỷ đồng từ các chương trình/dự án của tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.
Địa chỉ đầu tư tin cậy
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2021 khu vực ĐBSCL thu hút hơn 5,62 tỷ USD, chiếm hơn 18,06% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam. Hiện khu vực này có hơn 1.800 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký hơn 33,97 tỷ USD; chiếm hơn 5,3% về dự án và 8,3% vốn đăng ký so cả nước. Trong xúc tiến mời gọi đầu tư, trong hai năm đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh- thành đã xoay xở, khắc phục khó khăn khi chuyển từ xúc tiến mời gọi đầu tư trực tiếp sang trực tuyến, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Một mặt, tỉnh tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin qua mạng; ứng dụng công nghệ số hóa các ấn phẩm, mặt khác góp phần hạn chế “đứt gãy” hoạt động thu hút đầu tư.
Thông qua Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã kết nối nhiều Bộ, ngành để phối hợp thực hiện mời gọi đầu tư trực tuyến, thể hiện sự chủ động, linh hoạt của tỉnh trong hoạt động thu hút đầu tư trước ảnh hưởng dịch bệnh. Qua đó, nhiều doanh nghiệp hiểu sâu hơn về tiềm năng, thế mạnh và chính sách hỗ trợ của tỉnh, tin tưởng Vĩnh Long sẽ là điểm đến trong tương lai, với nhiều tiềm năng và lợi thế.
Năm 2021, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện tiếp và làm việc trực tiếp với 27 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư; trong đó, có 06 lượt nhà đầu tư nước ngoài, và cung cấp thông tin cho 95 nhà đầu tư tiềm năng. Đồng thời, trong năm 2021, tỉnh đã thực hiện thủ tục cấp chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư cho tổng cộng 12 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 4.052,96 tỷ đồng. Trong đó có 06 dự án FDI với tổng số vốn 13,74 triệu USD, tương đương với 316,76 tỷ đồng. Đối với 06 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 3.736,2 tỷ đồng: tỉnh đã thực hiện cấp chủ trương đầu tư cho 03 dự án với tổng số vốn 3.606,72 tỷ đồng và 03 dự án được tỉnh cấp chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn 129,49 tỷ đồng.
Tỉnh Vĩnh Long tiếp và làm việc với các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long |
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID – 19, công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài của tỉnh Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức đa dạng trong thu hút nguồn vốn đầu tư, tỉnh đã thực hiện xã hội hóa công tác lập quy hoạch phân khu 1/2000 và lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với tổng cộng 6 dự án với tổng diện tích 1.998,8 ha, ước tổng vốn đầu tư gần 36.208 tỷ đồng. Tổng kinh phí mà tỉnh nhận được tài trợ cho việc lập quy hoạch gần 7.02 tỷ đồng từ các nhà tài trợ là Công ty CP Bất động sản Khải Hoàn Land, Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP BCG Land, Công ty CP Bất động sản Khải Minh Land.Vĩnh Long đã ban hành danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2021- 2025; đồng thời tiến hành rà soát các dự án được cấp chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh hoạt động thông tin điện tử, tăng cường cung cấp thông tin xúc tiến đầu tư qua mạng; ứng dụng công nghệ số hóa các ấn phẩm tài liệu xúc tiến đầu tư để chuyển tải đến các nhà đầu tư khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tỉnh đã phối hợp phát hành “Cẩm nang hỏi đáp đầu tư- kinh doanh” với vùng ĐBSCL nhằm giới thiệu những thông tin cần thiết, những vấn đề các nhà đầu tư quan tâm, các chính sách trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính gắn với công khai, minh bạch, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để Vĩnh Long tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Vĩnh Long xác định tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả tuyên truyền để mọi người nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch.
Phối cảnh Khu thương mại, dịch vụ, du lịch Mỹ Thuận |
Theo đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, năng lực điều hành của các cơ quan chuyên môn trong phát triển du lịch. Nâng cao ý thức chủ động liên kết, đầu tư, cộng đồng trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm đa dạng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Ban hành và triển khai thực hiện 5 đề án về phát triển du lịch: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch đến năm 2025”, “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vĩnh Long”, “Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL”, “Di sản đương đại Mang Thít”, “Cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025”.
Tập trung thực hiện khâu đột phá về tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ nông nghiệp và du lịch; thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.
Huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp dịch vụ phục vụ phát triển du lịch; trong đó, ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông thủy, bộ, bến tàu, bến xe. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm để mời gọi đầu tư; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Tiếp tục xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với xây dựng cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng văn hóa con người Vĩnh Long thân thiện, hiếu khách... để tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách đến với Vĩnh Long. Tập trung bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ du lịch; chú trọng nâng cao kỹ năng làm du lịch cho từng hộ dân tại các địa điểm du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng mức độ hài lòng và thu hút du khách đến với Vĩnh Long.
Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu của tỉnh. Khẩn trương triển khai thực hiện đề án sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự khác biệt, điểm nhấn của du lịch Vĩnh Long, tránh trùng lắp về mô hình du lịch với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Nghiên cứu và tổ chức Ngày hội du lịch của tỉnh như một hoạt động thường niên nhân các sự kiện, lễ hội truyền thống của địa phương để tạo dấu ấn cho du khách.
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch theo thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động liên kết, làm cầu nối cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch hợp tác với các công ty du lịch lữ hành để tổ chức các tour du lịch đến địa phương; tăng cường liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực để xây dựng các chuỗi, tuyến du lịch gắn kết với văn hóa vùng miền.
Với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tiềm năng cùng với phương châm “một cửa, tại chỗ” thân thiện, thông thoáng, minh bạch và tinh thần hợp tác, phát triển, Vĩnh Long luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, sẽ là nơi lựa chọn đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
| Quyền Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long Chiều 8/10, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long có buổi tiếp xúc với cử ... |
| Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp xúc cử tri tại Vĩnh Long Trong hai ngày (2-3/5), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ... |
| Tầm nhìn mới cho Vĩnh Long “Trở thành một tỉnh phát triển năng động hàng đầu của cả nước với quy mô nền kinh tế và thu nhập người dân tăng ... |