Ảnh minh họa. |
Do đó, những trào lưu và trường phái văn học châu Âu đều có ảnh hưởng đến Mỹ (chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực…). Văn học Mỹ vừa gắn bó với văn học Anh và châu Âu, vừa “mặc cảm thuộc địa” đẻ ra khuynh hướng văn học chủ nghĩa thế giới (cosmopolitanism) và chủ nghĩa cô lập (isolationism), cũng như trong sách lược chính trị.
Yếu tố tôn giáo với màu sắc Thanh giáo thấm nhuần đạo lý Mỹ và là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác. Yếu tố địa lý đặc biệt quan trọng đối với văn học Mỹ; mọi thứ ở đây đều lớn quá khổ, bao la: Từ cây cối, đến sông hồ, núi non, sa mạc, thành phố. Không gian Mỹ cũng như thời gian Mỹ luôn luôn ám ảnh sáng tác, khêu gợi những khám phá và sáng kiến trong mọi thể loại, nhất là tiểu thuyết.
Vào thời kỳ thực dân (1607-1774) cho đến hết thế kỷ XVIII, văn học Mỹ mang tính chất Thanh giáo, thần bí và u buồn. Benjamin Franklin (1706 -1790) là người đầu tiên mang đến một không khí văn học mới với những tư tưởng nhân văn của triết học Ánh sáng; ông cũng đóng góp làm thức tỉnh ý thức độc lập quốc gia. Văn học yêu nước phát triển đặc biệt với những tác phẩm của George Washington (1732-1799) và Thomas Jefferson (1743-1826).
Đến thế kỷ XIX, từ cuối thập kỷ 10 đến đầu thế kỷ XX, có ba tác giả đi tiên phong. Washington Irving (1783-1859) được coi là cha đẻ truyện ngắn Mỹ. Một nhà văn Mỹ là Fenimore Cooper (1789-1851) được dư luận chú ý với một loạt tiểu thuyết biên cương, đặc biệt Người cuối cùng của bộ tộc Mohican (the Last of the Mohicans, 1826). Ông xây dựng cốt truyện trong bối cảnh Mỹ với nhân vật Mỹ điển hình, người không có học, rất gần thiên nhiên, tồn tại được do bản năng, lương thiện và có đầu óc thực tế.
William Cullen Bryant (1794 -1878) là nhà thơ Mỹ đầu tiên có tầm vóc. Thơ ông lãng mạn, buồn buồn, nhuốm màu Thanh giáo, phản ánh sự gắn bó với thiên nhiên.
Từ thập kỷ 30 đến nội chiến Nam Bắc 1865, thể truyện ngắn được Edgar Poe (1809-1849) đưa lên đỉnh cao. Ông là nhà thơ “lãng mạn - tượng trưng” tiêu biểu cho khuynh hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Những tiểu thuyết và truyện ngắn của Nathaniel Hawthorne (1804-1864) và Herman Melville (1819-1891) tiếp tục gia tài tinh thần của Thanh giáo.
Trường phái triết học siêu việt luận (transcendentalism) của Ralph Waldo Emerson (1803-1882) là nguồn cảm hứng sáng tác mạnh mẽ cho suốt giai đoạn ấy, đồng thời thúc đẩy nhiều cuộc thể nghiệm tập thể trong tự do của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Ông đề cao tự nhiên, cho là cá nhân tự do có thể đạt tới đỉnh cao của tinh thần, không cần đến tôn giáo hình thức. Một đồ đệ kiệt xuất và chịu ảnh hưởng của Emerson là Henry David Thoreau (1817-1862) đã sáng tác hàng loạt tác phẩm vào thập kỷ 50, đánh dấu thời hoàng kim của văn học Mỹ.
Một số tác giả có tâm huyết đấu tranh chống chế độ nô lệ vào thập kỷ 50. Nhà thơ Walt Whitman (1819-1892) nổi bật trong số đó, ông là tiếng nói của nước Mỹ, ca ngợi núi sông, đồng ruộng, nền dân chủ mới hình thành ở Mỹ. Hơn Whitman 12 tuổi, nhà thơ thuộc giáo phái quaker là John Whittier (1807-1892) có hai nguồn cảm xúc: Thiên nhiên và chống chế độ nô lệ. Nói đến đề tài chống chế độ nô lệ, không thể không kể tới tác phẩm Túp lều của Bác Tôm của Harriet Beecher Stowe (1811-1896); tiêu biểu cho sức mạnh lương tâm của văn chương lên án đanh thép chế độ nô lệ tàn bạo, đồng thời góp một phần vào công cuộc giải phóng nô lệ ở Mỹ, khích lệ những người Mỹ có lương tâm đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt.
Sau nội chiến, một trào lưu văn học địa phương miêu tả từng vùng (regionalism) xuất hiện. Tác giả nổi trội nhất là Mark Twain (1835-1910), với Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc hiêu lưu của Huckleberry Finn. Đây là cuốn tiểu thuyết được coi là lớn nhất của văn học Mỹ. Nổi lên trong văn học địa phương còn có William Dean Howells (1837-1920), người đề ra lý luận về chủ nghĩa hiện thực ở Mỹ. Chịu ảnh hưởng của Howells, hai nhà văn Frank Norris (1870-1902) và Stephen Crane (1871-1900) đưa chủ nghĩa hiện thực lên chủ nghĩa tự nhiên, đồng thời phản ứng lại chủ nghĩa vật chất, đi ngược con đường hiện thực là một nhà văn khác là Herry James (1843-1916) quay sang những vấn đề tâm lý cá nhân, báo hiệu tiểu thuyết tâm lý hiện đại.
Cũng nên nhắc tới nhà thơ Mỹ rất nổi tiếng của thế kỷ XIX, Henry Longfellow (1807-1882) với những bài thơ trong sáng, giản dị và du dương.
Từ đầu thế kỷ XX đến Thế chiến II, Jack London (1876-1916) là nhà văn vô sản Mỹ đầu tiên, ông có thế giới quan đầy mâu thuẫn, phê phán xã hội, đề cao phiêu lưu, hành động bản năng và hoang dã.
Trong và sau Thế chiến I, khuynh hướng hiện thực phê phán vẫn tiếp tục. Theodore Dreiser (1871-1945) có thể coi là “Cao điểm văn học hiện thực Mỹ”. Edgar Lee Masters (1869-1950) là nhà thơ trào phúng; Carl August Sandburg (1878-1967) là nhà thơ công nghiệp, ca ngợi sức sống của nhân dân. Sherwoad Anderson (1876-1941) viết truyện ngắn và tiểu thuyết chống công thức, có thiện cảm với người da đen và các lực lượng cách mạng vô sản; Sinclair Lewis (1885-1951) là nhà viết tiểu thuyết chế nhạo giấc mơ truyền thống Mỹ về sự thành công; Upton Sinclair (1878-1968), cũng như Sinclair Lewis, được liệt vào nhóm nhà văn “Khuấy bùn” (muckraker) đả phá quan niệm coi nước Mỹ là một thiên đường.
| Có hay không một nền văn hóa Mỹ? [Kỳ 4] Nhà hoạt động xã hội Barbara B. Bird chia sẻ về nền văn hóa Mỹ. |
| Nét độc đáo và giá trị văn hóa Mỹ [Kỳ 2] Cú “sốc” tương lai: Tên cuốn sách nổi tiếng của Alvin Toffler (1928-2016) có thể dùng để miêu tả người Mỹ sống trong tâm trạng ... |
| Một thoáng văn học Đan Mạch [Kỳ 10] Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số tác giả tiêu biểu, nhằm giúp độc giả có thêm tư liệu và hiểu biết về ... |
| Sách 'Phía Tây không có gì lạ': Mảnh vỡ lòng người trong cuộc đại chiến Ngày 29/1/1929, tác phẩm văn học táo bạo "Phía Tây không có gì lạ", cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đức Erich Maria Remarque, đã ... |
| Ra mắt nhiều tác phẩm văn học mới viết cho thiếu nhi Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất (2023-2025) là giải thưởng do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức với mong muốn phát ... |