Báo chí phải tuân thủ theo pháp luật và phục vụ lợi ích công chúng. |
Các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ UNESCO và châu Âu đều có một niềm tin rằng các nguyên tắc đạo đức báo chí là phổ biến, đặc biệt trong thời đại phát triển của công nghệ số. Ông Bernt Olufsen, một biên tập viên người Na Uy, thành viên Mạng lưới Đạo đức Báo chí (Ethical Journalism Network – EJN) cho rằng: “Công nghệ làm thay đổi cuộc sống, song chúng ta chưa hiểu hết tác động của nó, cả tích cực lẫn tiêu cực”.
Vai trò của tiêu chuẩn và bộ công cụ hướng dẫn
Phân tích về vấn đề này, bà Sasion Kamon, cán bộ thông tin và truyền thông tại UNESCO khu vực Bangkok (Thái Lan) cho rằng sự phát triển của môi trường số đã thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất và truyền đạt thông tin, từ đó khiến khái niệm “nhà báo” và “báo chí” ngày càng được mở rộng hơn.
Từng trải nghiệm công việc phóng viên tại Đài truyền hình NHK của Nhật Bản, sau đó là Wall Street Journal, Far Eastern Economic Review, Sydney Morning Herald, Times (London)..., bà Sasion Kamon thấy rằng, ngoài những người làm báo chuyên nghiệp, còn có các nhà báo không chuyên, những người làm truyền thông. Ngoài ra, các blogger và những “nhà báo công dân” đang tham gia vào các hình thức tự xuất bản trên môi trường Internet.
Bà nói: “Tại sao đạo đức báo chí ngày càng quan trọng? Bởi, mục đích của báo chí là cung cấp cho mọi người thông tin họ cần và nghĩa vụ đầu tiên của nhà báo là tuân theo sự thật. Mặt khác, báo chí cần phải làm cho thông tin đó trở nên thú vị, cũng như những người thực hành nó có nghĩa vụ thực hiện theo lương tâm của chính họ”.
Đặt ra câu hỏi về những yếu tố nào chi phối đến nhà báo (như viết công bằng hay không, có bảo vệ riêng tư và nhân phẩm con người, sử dụng hình ảnh có trung thực hay không), bà Sasion Kamon cho rằng, thông tin là loại hàng hóa công và được hướng dẫn bởi các tiêu chuẩn đạo đức.
Cùng với tự do ngôn luận, báo chí phải tuân thủ theo pháp luật và phục vụ lợi ích cho công chúng. Vậy nên, các cơ quan báo chí, cũng như mỗi người viết báo cần đảm đảo sự minh bạch thông tin và có mô hình kinh doanh hỗ trợ cho công việc của mình để không ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn đạo đức.
Với bà Lucila Carrasco, người phụ trách thông tin và truyền thông của UNESCO tại Việt Nam, sự phát triển của kỷ nguyên số và truyền thông đa phương tiện kéo theo nhiều sai phạm trên mạng. Là nhà báo được đào tạo bài bản và có thời gian làm việc tại Đài truyền hình RCN (Mỹ), báo El Espectador (Colombia), tạp chí Tecnoil (Argentina)..., bà cho rằng luôn cần có công cụ kiểm chứng sự thật để chống lại thông tin sai lệch và tin tức giả mạo.
Bà Lucila Carrasco cho biết, UNESCO luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cách ứng phó cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bà nói: “UNESCO có những công cụ hướng dẫn thực hiện đạo đức báo chí, cũng đã triển khai những chiến dịch nhằm kêu gọi mọi người hoạt động truyền thông có trách nhiệm, ‘nghĩ trước khi chia sẻ’, kiểm chứng thông tin, tránh đưa tin giả, tránh gây hoang mang trong xã hội. Chúng tôi cũng đã xuất bản cuốn sách về fake news (tin tức giả mạo) được xuất bản trực tuyến bằng nhiều thứ tiếng”.
Hiệu quả của mô hình Hội đồng Báo chí
Đồng ý với việc cần áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức báo chí cho bất kể nền tảng phương tiện truyền thông nào, nhưng theo Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo châu Âu Mogens Blicher Bjerregård, công việc này có những thách thức đặc biệt như tin tức đang chạy nhanh hơn, “nhà nhà người người” có thể làm báo trong khi các nguồn tin trên phương tiện truyền thông xã hội ngày càng khó kiểm chứng được nguồn.
Để đối phó với tình trạng này, ông Mogens Blicher Bjerregård đề cập việc cần lập ra Hội đồng Báo chí, trong đó có các thành viên là nhà báo, cơ quan báo chí, công chúng... để kiểm soát và xử lý các vấn đề liên quan đến đạo đức báo chí.
Theo ông, nguyên tắc cơ bản của Hội đồng Báo chí là độc lập về tài chính, ngân sách, tính minh bạch cao để không mất đi lòng tin của công chúng.
Đặc biệt, thành viên của hội đồng này cần có đủ các bên khác nhau để bảo đảm tính đại diện, cũng như có bộ quy tắc đạo đức và quy tắc ứng xử để giải quyết khiếu nại tố cáo.
Hội đồng cũng phải luôn chủ động và năng động, thể hiện được chức năng của mình, là nơi biết lắng nghe và củng cố niềm tin cho hoạt động báo chí.
Ông Mogens Blicher Bjerregård cho biết, hiện ở Na Uy có Hội đồng Báo chí hoạt động hoàn toàn độc lập, không có thẩm phán với bảy thành viên chính thức và mười thành viên dự bị đến từ Liên hiệp Nhà báo Na Uy, cơ quan báo chí và công chúng. Các thành viên này đều tham gia vào các cuộc họp trực tuyến và công khai minh bạch.
Ở Đan Mạch hiện cũng tồn tại một Hội đồng Báo chí có sự hiện diện thẩm phán cùng với các thành viên đến từ liên đoàn báo chí, các tòa soạn, công chúng và thường xuyên bị chất vấn bởi Bộ tư pháp nước này.
Hiện nay, tại Anh, Mạng lưới Đạo đức Báo chí (EJN) là một liên minh được thành lập với sự tham gia của hơn 70 nhóm nhà báo, biên tập viên, chủ sở hữu báo chí và các nhóm hỗ trợ truyền thông từ khắp nơi trên thế giới.
Do Hội đồng quản trị và mạng lưới cố vấn quốc tế giám sát, những người ủng hộ EJN đại diện cho nhiều nền văn hóa và truyền thống truyền thông khác nhau, nhưng họ có chung một quan điểm về việc coi trọng và phát huy các giá trị của đạo đức báo chí.
| Bàn thảo về quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số tại Việt Nam Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo Quy tắc đạo đức ... |
| Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Nghề báo và tình yêu thương trải trên từng con chữ Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, điều gì khiến một người cầm bút có thể trụ lại với nghề? Phải chăng đó là tình ... |