TIN LIÊN QUAN | |
Ngôi nhà sàn của Bác Hồ đã ra đời như thế nào? | |
Nhạc sĩ Thuận Yến: “Bác Hồ-nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn” |
Từ năm 1911, khi Bác Hồ xuất phát từ bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến khi Người qua đời năm 1969, là 58 năm Người hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong thời gian ấy, Người đã có 40 năm tham gia viết báo và trực tiếp tham gia làm báo.
Trong 4 thập kỷ làm nhà báo, làm chủ bút nhiều tờ báo và trực tiếp viết rất nhiều bài báo, Bác Hồ luôn nêu cao tinh thần của một nhà báo vô sản, cách mạng và chân chính; luôn quan tâm đề cao đạo đức của người làm báo, viết báo. Người đòi hỏi cán bộ báo chí cũng phải là những chiến sỹ cách mạng, là người cán bộ cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 12/1953. (Ảnh Tư liệu TTXVN) |
Đạo đức là cái gốc của nghề
Sinh thời, Hồ Chí Minh có nhiều định hướng xây dựng nhân cách nhà báo cách mạng, nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu là phải có phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Nhà báo cũng phải là chiến sĩ cách mạng, “...Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau rồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”(trích: Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí).
“Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức hay không”. . Khi nói chuyện ở Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9/1962, Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng” (trích: Hồ Chí Minh: Toàn tập).
Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng nước ta. Vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và theo đó phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng.
Trung thực và gắn bó với nhân dân
Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về báo chí, Người coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Người cho rằng “một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”, đó cũng là một trong những nguyên tắc về đạo đức báo chí của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi bà con nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang gặt lúa, năm 1954. (Ảnh tư liệu) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định chế độ Việt Nam là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ. Người làm báo từ trung ương đến địa phương đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Nhà báo phải là chiến sỹ trên mặt trận báo chí.
Người tâm đắc câu nói của Lê-nin: “Cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị... Không có tờ báo thì không thể tiến hành hệ thống tuyên truyền, cổ động có nguyên tắc và toàn diện. Đối với Người, chức năng, nhiệm vụ của báo chí là “tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, tổ chức dân chúng” bằng phương tiện thông tin và các thủ pháp nghề nghiệp khác.
Tại Đại hội lần thứ II, Hội nhà báo Việt Nam (1959), Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”.
Trong nhiều bài viết của mình, Người luôn nhắc đi nhắc lại yêu cầu đối với các nhà báo trước khi viết phải trả lời các câu hỏi “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”. Theo Người, cần viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta, đồng thời phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, bộ đội; cần viết cho Công-Nông-Binh, viết cho mọi tầng lớp người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái; cần viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng.
Người khẳng định, với đối tượng là quần chúng và mục đích là vì nhiệm vụ cách mạng, thì tính phổ thông, dễ hiểu là cách giao tiếp chủ yếu, công việc đó là để phục vụ đại bộ phận quần chúng nhân dân.
Đạo đức cách mạng nói chung, đạo đức nghề báo nói riêng theo Hồ Chí Minh được hiểu là phẩm chất tốt đẹp nhất, là gốc của mọi vấn đề trong cuộc sống, là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của người làm báo, mà phạm trù pháp luật không điều chỉnh được. Đạo đức báo chí không chỉ nằm trong phạm vi điều chỉnh thuộc các quy định của luật báo chí hiện hành, mà còn là tâm thức và phương châm hành nghề của tất cả những người làm báo cách mạng.
Nhớ mãi 7 lần được gặp Bác Dũng sĩ diệt Mỹ Ngô Thị Tuyết, tổ 23 phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng nhớ mãi những lần được gặp ... |
Ước mơ không có tuổi Hơn 60 năm sống ở Pháp, nhưng mỗi khi nhớ về quê, dược sĩ Thẩm Thị Hồng Anh lại nhắc đến một kỷ niệm lớn ... |
Bác Hồ trong tim những người con xa xứ Đối với những kiều bào mà tôi đã từng gặp gỡ, tiếp xúc, khi hỏi chuyện về tình cảm của họ với Hồ Chủ tịch, ... |