NSND Hồng Vân và các diễn viên trẻ lớp nghệ thuật nâng cao. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị) |
Những năm gần đây xuất hiện nhiều những cơ sở đào tạo tài năng nghệ thuật do khối kinh doanh ngoài nhà nước phụ trách. Đó có thể là các công ty đào tạo diễn viên, ca sĩ… đang xuất hiện ngày càng nhiều ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hay các trung tâm chuyên mở các khóa học đào tạo về kiến thức marketing, truyền thông có giảng viên là những thuyết trình gia uy tín của nước ngoài đứng giảng. Chưa có con số thống kê cụ thể, song số lượng các công ty dạng này rất nhiều và gia tăng không ngừng.
Theo Thạc sĩ Bùi Thị Kim Phương - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Số lượng học viên đăng ký tham gia các khóa học đào tạo này tăng đột biến. Điều này đã phản ánh nhu cầu gia nhập ngành giải trí, công nghiệp văn hóa (CNVH) của giới trẻ ngày càng nhiều.
Nhận thấy đây là một xu hướng mới của giới trẻ, có khả năng mang lại lợi nhuận cao, một loạt các tổ chức đứng ra thành lập các lớp đào tạo diễn viên ngắn hạn như các Công ty Thăng Long Film, Á Đông, Vietfilm, MTS hoặc các diễn viên, nghệ sĩ tự đứng ra tổ chức như Anh Thư, Chiều Xuân, Hồng Vân…
Một trong những công ty đi đầu và khá nhanh nhạy trong lĩnh vực này phải kể tới Viet Cast. Ngay từ đầu năm 2008, Viet Cast đã hợp tác với Nhà hát Bến Thành mở các khóa đào tạo và tuyển chọn diễn viên. Đặc biệt, Viet Cast không đòi hỏi về ngoại hình, chỉ yêu cầu từ 6 tới 70 tuổi đều có thể tham gia. Chia làm 4 lứa tuổi khác nhau, mỗi khóa học của Viet Cast kéo dài 3 tháng và liên tục có lớp mới khai giảng vào đầu tháng.
Đánh giá về nhân lực cho ngành biểu diễn, NSƯT Nguyễn Công Ninh cho biết: Trường sân khấu mỗi năm đào tạo ra 50 diễn viên, đầu vào rất khó nên diễn viên cũng rất đẹp. Chưa kể các câu lạc bộ, các lò đào tạo tư nhân, gameshow truyền hình cứ 3 tháng cho ra lò một nhóm chuyên đóng các vai nhỏ, vai quần chúng. Rồi những diễn viên không chuyên sâu khi tham gia gameshow được công chúng biết tới cũng dấn thân vào showbiz. Nếu gom hết, một năm, TP Hồ Chí Minh đào tạo ra không dưới 300 diễn viên.
Có thể nói, sự ra đời của các "lò" đào tạo diễn xuất, trung tâm tìm kiếm diễn viên là giải pháp tình thế khá hữu hiệu cho sự thiếu hụt diễn viên hiện nay cả ở sân khấu và phim truyền hình. Một trong những ưu thế của các trung tâm này là học viên không mất thời gian học lý thuyết mà chủ yếu thực hành, học cách diễn xuất trước ống kính. Thậm chí, có trung tâm còn có thể uốn nắn các học viên theo đặc thù của từng loại hình sân khấu, thể loại phim.
Việc thường xuyên trao đổi tiếp xúc với các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm sẽ giúp cho các học viên nhanh chóng nắm bắt được yêu cầu quan trọng của công việc mà mình dấn thân. Tuy nhiên, việc bùng phát một cách khó kiểm soát những trung tâm này lại đang tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại.
Điều quan tâm vẫn là với cách đào tạo tự phát, ăn xổi như hiện nay (tuyển diễn viên và đào tạo qua loa theo nhu cầu của từng bộ phim mà nhà sản xuất đòi hỏi) thì dù phát hiện ra những gương mặt nổi trội, cũng khó hy vọng có được hẳn một đội ngũ diễn viên có nghề và chuyên nghiệp.
Công tác đào tạo nhân lực ngành CNVH của Nhà nước đã có những cố gắng, song vẫn còn nhiều bất cập. Vẫn còn rất xa để công tác đào tạo nhân lực thuộc Nhà nước đạt được trình độ thích ứng cao với thị trường và cũng còn rất xa để những trung tâm đào tạo nhân lực cho ngành VHNT sản sinh ra những lớp diễn viên, nghệ sĩ có chất lượng.