Đất Mặt trăng nguy hiểm đối với con người. (Ảnh minh họa: dreamstime.com) |
Các nhà khoa học từ Đại học Sechenov và Đại học Bách khoa quốc gia vùng Nam Nga mang tên M. I. Platov đã nghiên cứu thành phần hóa học của các mẫu đất đá lấy từ bốn vùng khác nhau của Mặt trăng và so sánh nó với giá trị trung bình của các nguyên tố trong thành phần đất bình thường trên Trái đất.
"Nền tảng của đất Mặt trăng là regolith (lớp đất mặt bở rời phủ trên nền đá cứng), trong đó có chứa các nguyên tố hóa học crom, berili, niken, coban, mà nếu tiếp xúc lâu dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái và sức khỏe của những người sống trên Mặt trăng, làm tổn thương hệ hô hấp, tim mạch và tiêu hóa của họ”, tiến sĩ y học Ivan Ivanov, giáo sư Khoa Y học lao động, hàng không, vũ trụ và lặn của Đại học Sechenov cho biết.
Ông nói thêm rằng, những thành phần như vậy của đất có thể gây kích ứng da và đường hô hấp, tổn thương gan, thận và hệ thần kinh trung ương. Những dữ kiện này cần được tính đến cùng với các yếu tố cực đoan khác nếu có kế hoạch đưa con người lên sống ở Mặt trăng”, chuyên gia này lưu ý.
Để duy trì một cơ sở ngoài Trái đất hoạt động với đầy đủ chức năng thì cần phải đánh giá hàm lượng của các nguyên tố vi lượng này trong lớp bụi Mặt trăng bám vào các bộ đồ phi hành gia và thiết bị vũ trụ, cũng như xác định các chỉ số ô nhiễm tối đa và phát triển các quy trình khử ô nhiễm cho nhân viên và trang thiết bị, bộ phận truyền thông của Đại học Sechenov nhấn mạnh.