Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Hội thảo tham vấn lần thứ hai về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Việt Nam, tháng 12/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Năm 2021, chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc (LHQ) đóng vai trò trung tâm, tiếp tục là nền tảng thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực. Trong tiến trình đó, các khía cạnh liên quan trực tiếp đến quyền con người ngày càng được quan tâm, thảo luận tại các cơ chế, diễn đàn đa phương. Đồng thời, qua đó cũng nổi lên sự cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa các nước lớn và xu hướng chính trị hóa vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn, gây khó khăn cho các nước vừa và nhỏ trong triển khai chính sách.
Bảo đảm người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền trong đại dịch
Tại Việt Nam, những ảnh hưởng nặng nề, sâu sắc và chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19 vẫn hiện hữu trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và cuộc sống của người dân. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, tăng tỷ lệ nghèo và gây áp lực lớn lên kinh tế vĩ mô của đất nước. Việc thụ hưởng quyền của người dân trực tiếp bị ảnh hưởng, nhất là sinh hoạt, đi lại, học tập, sinh kế do giãn cách xã hội ở nhiều nơi để phòng chống dịch.
Trong bối cảnh đầy thử thách đó, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên trì, kiên định chủ trương xuyên suốt, nhất quán và tiến bộ về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, trong đó khẳng định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Xuất phát từ chủ trương đúng đắn này và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên cả nước, tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm đáng kể. Tính đến đầu tháng 2/2022, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 vượt 180 triệu liều, tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 95,5%, mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 25%.
Bất chấp những khó khăn do dịch, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 2,58% năm 2021 và được Ngân hàng Thế giới dự báo có thể trở lại mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi.
Để đạt được những kết quả đó, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp quyết liệt, đồng bộ trong phòng, chống Covid-19, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với trọng tâm vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân.Các gói phúc lợi xã hội hàng chục nghìn tỷ đồng cũng đã được triển khai thiết thực đến từng nhóm đối tượng cụ thể, gồm người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng, các hộ nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương.
Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của LHQ, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm an sinh xã hội. Theo xếp hạng của LHQ năm 2020, Việt Nam xếp thứ 51 trên 193 quốc gia thành viên, đạt 72,85 điểm, cao hơn mức trung bình của nhiều nước trong khu vực về việc thực hiện SDG.
Văn phòng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện SDG trên thế giới và là một trong những quốc gia có tiến độ thực hiện SDG tốt nhất ở châu Á. |
Đáng chú ý, trong năm 2021, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 3.000 người. Đây là một chủ trương, chính sách đầy tính nhân văn cao cả của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa nghiêm minh trong xét xử người phạm tội, đồng thời khoan hồng, nhân đạo đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt được trở về với cộng đồng để hướng thiện, rèn luyện, trở lại làm người có ích cho xã hội.
Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành các văn bản pháp luật, chính sách về quyền con người, với mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện để người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sự, chính trị theo Hiến pháp và pháp luật, đồng thời đưa pháp luật trong nước ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tham dự Đối thoại các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đại diện Ủy ban liên Chính phủ về nhân quyền ASEAN (AICHR) theo hình thức trực tuyến, ngày 2/8/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Dấu ấn đối ngoại đa phương trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người
Hòa chung với khí thế mới, khát vọng mới của đất nước, công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại đa phương nói riêng đang tích cực triển khai những nhiệm vụ mới được đặt ra tại Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đạt nhiều kết quả nổi bật, thực chất, đặc biệt trong lĩnh vực quyền con người.
Một trong những điểm sáng là chúng ta đã triển khai quyết liệt, đồng bộ và bài bản chiến lược ngoại giao vaccine trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, góp phần thực hiện mục tiêu tiêm chủng miễn phí toàn dân.
Năm 2021 cũng là một năm sôi động của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương về quyền con người. Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp một cách trách nhiệm trong vấn đề quyền con người ở các diễn đàn trong khuôn khổ LHQ như Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ), Ủy ban các vấn đề Nhân quyền, Xã hội (Ủy ban 3), Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC), Hội đồng Chấp hành UNESCO cũng như các diễn đàn khu vực, liên khu vực như ASEM, APEC, ASEAN.
Ngay đầu năm 2021, Việt Nam đã ghi dấu ấn đầu tiên tại Hội nghị cấp cao trong khuôn khổ Khóa 46 HĐNQ, khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thông báo chính thức việc Việt Nam, với tư cách ứng viên của ASEAN, tham gia ứng cử thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, với mong muốn đóng góp nhiều và hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) - cơ chế quan trọng nhất của HĐNQ. Các bộ, ngành đã tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận, làm cơ sở để lần đầu tiên chúng ta xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện để nộp HĐNQ, dự kiến sẽ công bố vào quý I năm 2022. Báo cáo này sẽ cung cấp thông tin toàn diện và phản ánh chân thực những cam kết, nỗ lực của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.
Với cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, ủng hộ đối thoại và hợp tác, Việt Nam chú trọng tăng cường thông tin đến cộng đồng quốc tế về những chính sách, nỗ lực và thành tựu trong bảo đảm quyền con người, đồng thời cũng chủ động, linh hoạt tham gia cuộc đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế chống xu hướng chính trị hoá, “tiêu chuẩn kép”, can thiệp, thúc đẩy minh bạch tiến tới hiểu biết lẫn nhau, ko để khác biệt cản trở hợp tác với các đối tác quan trọng.
Tại tất cả các diễn đàn, Việt Nam không chỉ tích cực lồng ghép các vấn đề ưu tiên, mà còn thúc đẩy hành động và đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến về các vấn đề an ninh phi truyền thống thuộc quan tâm chung, đặc biệt là ứng phó với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Chúng ta tiếp tục thúc đẩy thực hiện sáng kiến của Việt Nam về Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh hàng năm (27/12) đã được Đại hội đồng LHQ thông qua năm 2020 và đến nay đã đóng góp tự nguyện 1 triệu USD cho Chương trình COVAX.
Tại HĐNQ, Việt Nam đã chủ trì xây dựng, thương lượng và thúc đẩy thông qua Nghị quyết thường niên về biến đổi khí hậu và quyền con người với số phiếu ủng hộ cao. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11/2021, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, đưa chúng ta trở thành một trong những nước đi đầu về cam kết cắt giảm phát thải.
Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021, Việt Nam luôn thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường hành động nhân đạo, bảo vệ thường dân trong và hậu xung đột. Các sáng kiến của Việt Nam đều được cộng đồng quốc tế hưởng ứng, đánh giá cao bởi cách tiếp cận vì con người, lấy con người làm trung tâm, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là mang đến hòa bình bền vững, giải quyết và ngăn ngừa xung đột, đem lại cuộc sống an toàn, ổn định cho người dân ở các quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng.
Phát biểu tại nhiều phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva phát biểu tại một phiên thảo luận của Hội đồng Nhân quyền LHQ, tháng 3/2021. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ) |
Hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn
Những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quyền con người, cùng những kinh nghiệm được tích lũy từ các hoạt động đối ngoại đa phương lớn thời gian qua đã tạo tiền đề và cơ hội thuận lợi hơn để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, tranh thủ nguồn lực để phát triển đất nước, bảo đảm tốt hơn đời sống nhân dân và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục triển khai hiệu quả và cụ thể hóa hơn nữa đường lối, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Đại hội Đảng XIII, trong đó có việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nỗ lực đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ. Việt Nam cũng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kép về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, bảo đảm thực hiện thành công các SDG, chú trọng giảm nghèo bền vững đa chiều, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, quan tâm thỏa đáng tới các nhóm dễ bị tổn thương.
Những nỗ lực, ưu tiên này cũng cần được triển khai gắn với việc tiếp tục đối thoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người của Việt Nam, trong đó có việc triển khai đầy đủ và hiệu quả các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam đã chấp thuận.
Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực, tiếp nối và lan tỏa sáng kiến, ưu tiên, thúc đẩy cách tiếp cận lấy con người, người dân làm trung tâm, nhất là trong các nỗ lực phục hồi hậu Covid-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục ứng cử vào các vị trí, cơ quan quan trọng trong LHQ, mà trước mắt là HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, với các ưu tiên như chăm lo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, các quyền y tế, giáo dục, việc làm.
Với vị thế, cơ đồ vững chắc của đất nước sau hơn 35 năm Đổi mới, chúng ta có đầy đủ nền tảng vững chắc rằng Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế với tâm thế năng động, tích cực của một đối tác tin cậy và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc chung, vì một thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển và một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam trong năm 2021. (Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam) |
| Thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam trong năm 2021 Trong năm 2021, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần khẳng ... |
| Năm 2022: Việt Nam 'tiếp bước' nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người Năm 2022 là một năm quan trọng khi Việt Nam hướng tới việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ... |