📞
15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc (2008-2023)

Dấu mốc tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Đức Trí 11:00 | 10/09/2023
"Thực tiễn cho thấy, không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung là phù hợp với nhu cầu và lợi ích, là hòa bình, hợp tác và phát triển lâu bền của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế lớn của thời đại...", nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn TG&VN nhân kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10-1/11/2022 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là sự kiện đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ có thể cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Trung Quốc lên quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện 15 năm trước?

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, có truyền thống hữu nghị lâu đời. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950), hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước đã dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, cả về vật chất lẫn tinh thần trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ.

Hiếm có nước nào trên thế giới như Trung Quốc hội tụ đầy đủ những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam: Trung Quốc vừa là nước láng giềng, nước lớn, bạn bè truyền thống; hai nước có nhiều điểm chung về thể chế chính trị, đều đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và tiến hành Đổi mới, cải cách mở cửa thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Thực tiễn cho thấy không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc là phù hợp với nhu cầu và lợi ích, là hòa bình, hợp tác và phát triển lâu bền của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế lớn của thời đại.

Cũng vì những lý do và điều kiện đó, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Trung Quốc lên quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là tất yếu. Đây là sự kiện mang ý nghĩa dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, tạo nền móng và xung lực mới cho hai nước tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, mang lại càng nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Đâu là lĩnh vực hợp tác, thành tựu ấn tượng nhất trong quan hệ hai nước từ sau dấu mốc quan trọng này, thưa Đại sứ?

Kể từ khi thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện tháng 6/2008 đến nay, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, thể hiện ở các mặt sau:

Một là, về mặt chính trị, các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên, mật thiết nhất từ trước đến nay, với nhiều hình thức linh hoạt. Đáng chú ý các năm 2015, 2017, hai đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước hai bên thăm lẫn nhau trong cùng một năm. Trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trao đổi tiếp xúc cấp cao, đặc biệt là giữa các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của hai bên vẫn được duy trì mật thiết với hình thức linh hoạt như điện đàm, hội đàm trực tuyến, gửi thư, điện... Đặc biệt là từ 30/10-1/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Trung Quốc.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư ta sau Đại hội XIII; cũng là khách cấp cao nước ngoài đầu tiên Trung Quốc đón ngay sau đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyến thăm đã tạo động lực mạnh mẽ để quan hệ hai nước bước sang giai đoạn mới với “tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất, hiệu quả hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn”.

Hai là hợp tác thực chất, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mai đầu tư và du lịch có bước tăng trưởng nhảy vọt, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Về thương mại, kim ngạch song phương năm 2008 là 20,8 tỷ USD theo số liệu Việt Nam và 19, 46 tỷ USD theo số liệu Trung Quốc, thì đến năm 2022 đã là 175,56 tỷ USD theo số liệu Việt Nam và 234,9 tỷ USD theo số liệu Trung Quốc, tức là đã tăng 8,44 lần và 12 lần theo cách tính của mỗi nước. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Về đầu tư, kim ngạch FDI Trung Quốc vào Việt Nam lũy kế đến hết năm 2008 đạt khoảng 2 tỷ USD, đứng thứ 11/82 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì lũy kế đến 20/8/2023, Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 3.949 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25,8 tỷ USD, giữ vị trí thứ 6/143 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam.

Đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên đến TP. Hồ Chí Minh kể từ khi Trung Quốc khởi động du lịch quốc tế từ tháng 1/2023.

Về du lịch, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam. Trung bình cứ 3 khách quốc tế đến Việt Nam trong những năm Covid-19 thì có 1 khách Trung Quốc).

Vừa qua, sau khi Trung Quốc chính thức khôi phục du lịch Việt Nam theo đoàn, mở lại các tuyến bay thương mại, hợp tác du lịch giữa hai bên có xu thế khôi phục trở lại. Trong 8 tháng đầu năm nay, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt gần 950.000 lượt khách, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam.

Ba là, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các tỉnh thành Trung Quốc, đặc biệt là Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông... diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Tính đến nay, đã có gần 60 tỉnh/ thành của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.

Các địa phương đã thiết lập và tổ chức định kỳ các cơ chế, chương trình hợp tác với Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam bao gồm: Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang với Bí thư Quảng Tây; Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ/ ngành địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông; gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư các tỉnh và Nhóm công tác liên hợp giữa tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Hợp tác Hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh/ thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh với Vân Nam.

Đầu năm 2023, khi Trung Quốc vừa mở cửa sau Covid-19, Bí thư tỉnh ủy của 3 địa phương gần gũi với Việt Nam là Hải Nam, Vân Nam và Quảng Tây đã thăm Việt Nam và ta cũng là nước 3 Bí thư bạn thăm đầu tiên sau đại dịch.

Bốn là giao lưu nhân dân diễn ra sôi động. Đến nay, hai bên đã tổ chức 19 kỳ Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt -Trung, 3 kỳ Đại liên hoan thanh niên Việt-Trung với quy mô 10 nghìn người tham dự; 11 lần diễn đàn nhân dân Việt - Trung. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta khi thăm Trung Quốc cũng đều có các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Qua đó góp phần tăng cường hiểu biết, tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt Trung 2019 do Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức.

Năm là, hợp tác chặt chẽ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam đã sớm cung cấp nhiều vật tư y tế hỗ trợ Trung Quốc phòng chống dịch. Trong dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam; đến nay, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 7,3 triệu liều và cung cấp thương mại khoảng 45 triệu liều vaccine. Điều này đã thể hiện truyền thống tốt đẹp tương trợ lẫn nhau những lúc khó khăn giữa hai nước.

Sáu là, hai bên đã quyết định được 2 trong 3 vấn đề lớn tồn tại trong quan hệ hai nước, đó là hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ. Kể từ đó, tình hình biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định, khu vực biên giới Việt-Trung về cơ bản là hòa bình, hợp tác và phát triển, giao lưu, giao thương người dân ở khu vực biên giới nhìn chung thuận lợi. Vịnh Bắc Bộ được phân định rõ ràng, hợp tác giữa hai bên diễn ra khá thường xuyên, như tuần tra liên hợp nghề cá, tuần tra chung hải quân, thả cá giống bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Vịnh Bắc Bộ... Hai bên đang trao đổi đàm phán để ký mới Hiệp định nghề cá Vịnh Bắc Bộ do đã hết hạn từ 30/6/2019 và sau đó được gia hạn đến 30/6/2020.

Về vấn đề trên biển, hai bên duy trì trao đổi, đàm phán thông qua các cơ chế Nhóm công tác về vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc. Như nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đã họp 16 vòng; Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển đã họp 13 vòng (7/2023); Nhóm công tác hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đã họp 16 vòng. Đặc biệt là năm 2011, hai bên đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc. Đây là kim chỉ nam, tiền đề cho các hoạt động phân định và hợp tác cùng phát triển cũng như xử lý các sự vụ trên biển giữa ta với Trung Quốc.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, Đại sứ hình dung như thế nào về tương lai của mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới?

Những thành quả trong quan hệ Việt-Trung 15 năm qua là tài sản quý báu và là cơ sở vững chắc để nhân dân hai nước tiếp tục vững bước trên con đường hợp tác, phát triển, hòa bình và hữu nghị. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có nhiều biến đổi phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, nhất là các vấn đề về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạnh tranh nước lớn, xung đột tôn giáo, sắc tộc... đang đặt ra những thách thức to lớn cho từng nước, từng khu vực và nhân loại.

Cửa khẩu Hữu Nghị - một trong những nơi xuất khẩu nông sản lớn từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện những tầm nhìn, mục tiêu phát triển dài hạn của mỗi nước mà Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra, hai nước Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới, trong đó cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tăng cường hơn nữa tin cậy lẫn nhau về chính trị, đẩy mạnh giao lưu và tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ song phương; tăng cường trao đổi, giao lưu giữa hai Đảng, trong đó có trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, quản lý nhà nước. Hai bên cũng cần thúc đẩy hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương hai nước, nhất là các địa phương biên giới.

Hai là, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, trong đó cần đặt trọng tâm vào kinh tế-thương mại, đầu tư và kết nối cơ sở hạ tầng. Có thể nói với vị trí địa lý gần gũi, hai bên có nhiều tiềm năng và lợi thế để đưa hợp tác kinh tế-thương mại lên tầm cao mới. Trung Quốc cũng là nước đi đầu thế giới về phát triển cơ sở hạ tầng, trình độ xây dựng đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc của Trung Quốc rất tiên tiến; do đó, không có lý do gì hai bên không hợp tác để kết nối hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho thông thương hàng hóa và người dân đi lại.

Ba là, tăng cường hợp tác về văn hóa và giao lưu hữu nghị, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Bốn là, duy trì sự ổn định và giải quyết thỏa đáng vấn đề biên giới lãnh thổ; phối hợp xây dựng đường biên giới trên đất liền trở thành đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển; cùng thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau; giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!