Các chuyên gia, đại biểu tại Hội thảo “Giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của đội ngũ tri thức đối với đất nước”. (Ảnh: Phi Khanh) |
Phát biểu khai mạc, TSKH. Phan Xuân Dũng (Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 7, Khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” có thể được coi là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về công tác trí thức.
Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 52-KL/TW, trong đó đánh giá: Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường. Khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh công – nông – trí tiếp tục được củng cố vững chắc.
Tuy nhiên, theo TSKH. Phan Xuân Dũng, quá trình thực hiện Nghị quyết cũng còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều nội dung của Nghị quyết chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá.
“Đội ngũ trí thức sáng tạo, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm phát huy đúng mức. Tình trạng trì trệ, hình thức, hiệu quả hoạt động thấp trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nghiên cứu khoa học, các hội trí thức chậm được khắc phục”, TSKH. Phan Xuân Dũng nói.
Tại Hội thảo, ThS. Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội – VUSTA cho biết, hiện nay trên thế giới đang tồn tại 3 xu thế: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển; Xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ; Xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển.
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã đặt ra nhiều vấn đề cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế mà trong đó yếu tố con người vô cùng quan trọng. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng những đòi hỏi trong bối cảnh CMCN 4.0 là một nhiệm vụ bức thiết.
“Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đặt ra nhiều yêu cầu. Trong đó, cần có lực lượng trí thức đông đảo, nhất là trí thức tinh hoa, thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học, từ toán học, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ cho đến khoa học kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn... phải đóng vai trò chính yếu, là mũi nhọn và phải đi tiên phong. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức còn có trách nhiệm cao cả là phản biện xã hội, phản biện một cách khoa học, có căn cứ và có lý lẽ vững vàng mang tính xây dựng để đưa xã hội phát triển”, ThS. Bùi Kim Tuyến nhấn mạnh.
Cũng theo bà Bùi Kim Tuyến, đội ngũ trí thức ở nước ta hiện nay là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt và mang trên vai sứ mệnh cao cả trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng cao trí tuệ dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.
Bà Bùi Kim Tuyến cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể. Trong đó, cần xây dựng đề án đánh giá lại thực trạng đội ngũ trí thức cả nước để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH. Bố trí sử dụng đội ngũ trí thức hợp lý, có chính sách thu hút chuyên gia giỏi, trí thức có trình độ cao, trí thức trẻ được đào tạo chính quy, có trình độ năng lực chuyên môn sâu, trí thức hoạt động ngoài hệ thống cơ quan nhà nước.
Đồng thời, đề nghị rà soát, sửa đổi toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành tạo điều kiện để trí thức đóng góp có hiệu quả hơn cho đất nước. Đầu tư cơ sở vật chất cho ngành khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá và cơ chế, chính sách để thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế đến làm việc tại Việt Nam. Có cơ chế đẩy nhanh sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ một cách toàn diện, trí thức được kết quả lao động sáng tạo của mình.
Thảo luận tại Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng cần phải hiểu trí thức là gì?
Theo ông Phú, trí thức là những người có tài năng, có trí tuệ cao, là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là những nhà khoa học thành danh, người có năng lực hoạt động sáng tạo, phục vụ đất nước trên các lĩnh vực. Vậy họ đang ở đâu?
Ông Phú nêu quan điểm, cần phải cho trí thức có chỗ đứng, chăm lo, quan tâm đội ngũ trí thức nhiều hơn nữa. Ông Phú nêu ra một khó khăn của trí thức là khi họ muốn công bố kết quả nghiên cứu cho mọi người xem, để áp dụng tri thức ấy vào cuộc sống thì lại “bó tay”. Do đó, theo ông Phú, báo chí là nơi truyền thông phổ biến tri thức nên tạo điều kiện để các nhà khoa học được công bố kết quả nghiên cứu của mình.
GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú nói: "Theo tôi, vấn đề lớn nhất là trọng dụng, tôn vinh đội ngũ trí thức. Vấn đề cơ chế chính sách đãi ngộ và điều kiện làm việc cho đội ngũ trí thức cần được đảm bảo. Cho đến nay, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc. Phải tạo điều kiện hơn nữa cho nhà khoa học yên tâm làm việc, nghiên cứu, tránh tình trạng làm thật nhưng thanh toán giả".