Niềm vui của người dân châu Phi trước những thành quả từ dự án trồng lúa do các chuyên gia Việt Nam hỗ trợ. (Nguồn: NNVN) |
Tiềm năng hợp tác lớn
Khu vực Trung Đông gồm 15 quốc gia với tổng dân số khoảng 320 triệu người. Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh với thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, có quốc gia đạt tới hơn 66.000 USD/người/năm nên sức mua và khả năng thanh toán của các khách hàng ở khu vực này ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, do điều kiện tự nhiên không phù hợp cho sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm của khu vực này rất cao. Trung Đông hiện nhập khẩu tới 80% hàng hóa lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm và dự báo đến năm 2035 sẽ tăng lên 70 tỷ USD.
Việt Nam và các nước Trung Đông có quan hệ ngoại giao, hợp tác hữu nghị truyền thống nhiều năm, khuôn khổ pháp lý cho phát triển và tăng cường hợp tác khá đầy đủ. Thêm vào đó, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực này với Việt Nam mang tính bổ sung cho nhau.
Những mặt hàng Trung Đông cần đều là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và ngược lại, những sản phẩm xuất khẩu của Trung Đông là nhóm hàng Việt Nam đang có nhu cầu cao. Mặc dù vậy, kết quả trao đổi thương mại thời gian qua chưa tương xứng với nhu cầu và khả năng của hai bên. Năm 2018, kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Đông mới đạt gần 14 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 8,7 tỷ USD và nhập khẩu hơn 5 tỷ USD.
Là khu vực có sức mua và khả năng tài chính lớn, nên đây cũng là khu vực có yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa khá cao. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Đông cần tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, nghiên cứu, đổi mới quy cách, mẫu mã phù hợp với tập quán tiêu dùng của các nước, đặc biệt lưu ý tới tiêu chuẩn Halal dành cho người Hồi giáo.
Bên cạnh đó, Trung Đông tiềm ẩn bất ổn về an ninh và tập quán kinh doanh khác biệt, tồn tại tình trạng cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng để lừa đảo thương mại. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ, xác định thị trường mục tiêu và kiểm chứng thông tin về đối tác trước khi tiến hành hợp tác, giao dịch.
Về thị trường châu Phi, khu vực này gồm 55 quốc gia với dân số khoảng 1,3 tỷ người là một khu vực có nguồn tài nguyên dồi dào nhưng sản xuất chưa phát triển, do đó nhu cầu hàng tiêu dùng, lương thực rất lớn. Mặt khác, đây cũng là nơi cung cấp các nguyên liệu thiên nhiên và nông sản thô phục vụ ngành sản xuất, chế biến của Việt Nam.
Việt Nam hiện xuất khẩu gạo, điện thoại và các linh kiện điện tử, hàng thủy sản, cà phê, sản phẩm may mặc, giày dép và nhập từ châu Phi hạt điều nguyên liệu, bông, gỗ, nguyên phụ liệu và thức ăn gia súc. Tuy nhiên, dù nhu cầu nhập khẩu của thị trường này ngày càng tăng, yêu cầu về các tiêu chuẩn hàng hóa khá dễ tính so với các khu vực khác, nhưng hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu từ châu Phi gần 1 tỷ USD mỗi năm.
Tiềm năng xuất khẩu vào châu Phi còn rất lớn, gạo, cà phê, tinh bột sắn sẽ là những sản phẩm mà châu Phi có nhu cầu cao trong những năm tới với mức tăng mỗi năm từ 10 - 20%.
Tuy nhiên, đây cũng là khu vực thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro do khác biệt về văn hóa, tập quán kinh doanh, thói quen thanh toán. Ngoài ra, việc thiếu thông tin thị trường và khoảng cách địa lý cùng một số rào cản về mặt bảo hộ thương mại cũng khiến việc phát triển thị trường châu Phi gặp khó khăn.
Để khai thác được tiềm năng của thị trường này, doanh nghiệp cần tích cực cập nhật thông tin thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, có chiến lược và phương thức tiếp cận phù hợp. Doanh nghiệp cũng có thể hướng tới giải pháp xuất khẩu đầu tư, mở văn phòng đại diện hoặc xây dựng kho ngoại quan để thuận lợi cho xuất khẩu vào châu Phi.
Như vậy, châu Phi là thị trường xuất khẩu quan trọng của các mặt hàng nông sản, sản phẩm tiêu dùng, hàng gia dụng, đồng thời là nơi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các ngành gỗ, bông, hạt điều, kim loại của Việt Nam. Còn Trung Đông là thị trường xuất khẩu thủy sản, hạt điều, tiêu, cà phê, sản phẩm dệt may, vật liệu xây dựng và cung ứng cho Việt Nam các mặt hàng dầu mỏ, khí đốt, hóa chất, chất dẻo… Thị trường Trung Đông và châu Phi là khu vực có nhiều tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam với các đối tác Trung Đông hiện đang đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, cử các đoàn công tác chuyên ngành để tìm hiểu về các lĩnh vực như chăn nuôi (gia cầm, gia súc), nuôi trồng thủy sản và công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản. Trong đó, đặc biệt với đối tác Israel, hai bên đang tập trung trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo tu nghiệp sinh nông nghiệp Việt Nam tại Israel.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đang triển khai dự án hợp tác với Israel trong lĩnh vực thủy lợi. Bên cạnh đó, các công ty của Israel và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực triển khai các dự án về tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Trong năm 2018, một số địa phương Việt Nam cũng đã xây dựng các dự án thuộc lĩnh vực cấp nước cho vùng nông thôn và trạm thủy lợi để đăng ký sử dụng vốn vay ưu đãi từ Quỹ Arab thông qua kênh quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đề xuất và mong muốn triển khai hợp tác với các đối tác Trung Đông trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất thức ăn dinh dưỡng cho chăn nuôi, nghiên cứu di truyền giống và công nghệ sinh học; Về trồng trọt: nghiên cứu bệnh cho cây xoài và cây dừa; cung cấp hạt giống, trồng cây alfalfa và cây xương rồng tại Việt Nam; Về thủy sản: nghiên cứu, theo dõi dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu phát triển ngư lưới cụ khai thác tại một số nước như Oman, Kuwait.
Đối với các nước châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hiện tập trung xây dựng chương trình hợp tác trao đổi kinh nghiệm thông qua các đoàn công tác trong lĩnh vực gồm: Bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học; Sản xuất lúa và hoa màu; Hợp tác về lâm nghiệp và chế biến lâm sản, trông cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều; Nuôi trồng thủy sản; Quản lý nguồn nước, quản lý tưới, quản lý tưới có sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, trong năm 2018, số lượng đoàn công tác của phía bạn sang Việt Nam và ngược lại không đáng kể do nguồn ngân sách rất hạn chế.
Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác ở khu vực châu Phi hiện vẫn đang gặp những khó khăn nhất định, do nhiều lý do khách quan. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đề xuất và mong muốn triển khai một số nội dung có khả năng hợp tác cao. Cụ thể, về hợp tác khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt: Sản xuất các loại cây trồng gồm: lúa, hoa màu, rau, hoa cây cảnh, cao su, cà phê, điều; Hợp tác về lâm nghiệp và chế biến lâm sản, trong bảo vệ dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; Quản lý nguồn nước, quản lý tưới, quản lý tưới có sự tham gia của người dân; Nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn và lợ.
Trong thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thảo luận với các nước châu Phi tìm kiếm nguồn hỗ trợ của các bên thứ ba như của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), các nước lớn để thực hiện các dự án đảm bảo an ninh lương thực cho các nước châu Phi.