Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, quy định chi tiết về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các điều kiện, nghĩa vụ và quy trình đăng ký hoạt động đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA -Certified eContract Authority).
Năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 47/2014/TT-BCT và Thông tư số 59/2015/TT-BCT, quy định các hướng dẫn đối với quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hình thức công bố danh sách các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Vân Chi) |
Như vậy, trong thời gian rất gần tới đây, ngay trong năm 2022, người dân, doanh nghiệp sẽ có thể sử dụng hợp đồng điện tử thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống với giải pháp chứng thực của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký bởi Bộ Công Thương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước hiện nay.
Chuyển đổi số đã làm thay đổi căn bản đời sống con người, nâng cao chất lượng cuộc sống và đem đến những tiện ích hiện đại nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như phát triển những giải pháp có tính đột phá.
Thực tế, đối với hoạt động giao dịch xuyên biên giới, xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với các đối tác nước ngoài bằng các phương thức hợp đồng điện tử từ lâu nay, đặc biệt với các đối tác tại các nước phát triển.
Khảo sát của Bộ Công Thương trong Sách Trắng Thương mại điện tử 2021 cho thấy có 33% doanh nghiệp được khảo sát đã ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại. |
Mặt khác, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện cho đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt dịch bùng phát và diễn biến phức tạp trên diện rộng, dẫn đến thói quen và hành vi của doanh nghiệp, người dân tại Việt Nam cũng thay đổi nhanh chóng.
Một trong những việc thay đổi đó là doanh nghiệp đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy thông thường sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử.
Việc ứng dụng hợp đồng điện tử không chỉ giúp các doanh nghiệp và khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng cách trong giao dịch thương mại.
Nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam đã được hoàn thiện, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức trọng tài thương mại, các cơ quan giải quyết tranh chấp; các nhà cung cấp dịch hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; các tổ chức chứng thực chữ ký số, dấu thời gian; các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng hợp đồng điện tử; nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ, phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi tại Việt Nam, thực hiện chủ chương của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường.
Thứ trưởng yêu cầu, việc phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam cần phải đáp ứng đủ các tiêu chí đóng vai trò xây dựng và phát triển thị trường ứng dụng thực tế của hợp đồng điện tử.
Từ đó có thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu để hoàn tất quy trình ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả, giảm thiểu được việc lãng phí giấy tờ, tiết kiệm thời gian và tạo môi trường điều hành chuyên nghiệp.
Đặc biệt, giúp kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thông qua giao dịch thương mại.
Các CeCA sau khi được cấp đăng ký, có thể cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với quy trình đảm bảo tính bảo mật, chống chối bỏ, toàn vẹn dữ liệu và sẵn sàng khả năng kiểm tra, xác thực giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.
Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để cấp đăng ký cho các doanh nghiệp, các CeCA, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm Tin học và công nghệ số nghiên cứu, phối hợp cùng các doanh nghiệp CNTT, viễn thông, hạ tầng số để xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ ba như: ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế, các đơn vị liên quan khác có thể kiểm tra, xác thực được giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.
Việc Bộ Công Thương ra mắt hệ thống xác thực hợp đồng điện tử sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thêm căn cứ và cơ sở triển khai hình thức ký kết từ xa một cách rộng rãi và ứng dụng cho mọi lĩnh vực hoạt động, kinh doanh trong đời sống xã hội.
Tọa đàm ứng dụng và phát triển Hợp đồng điện tử tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị. (Ảnh: Vân Chi) |
Theo Bộ Công Thương, hợp đồng điện tử hiện tại đã có đủ các căn cứ pháp lý tương đương với hợp đồng giấy. Nay có thêm việc xác minh nội dung hợp đồng bởi Bộ Công Thương qua Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam CeCA, các bên tham gia hợp đồng đã có được sự xác thực thông tin bởi cơ quan Nhà nước cho tài liệu đã ký kết.
Với dấu thời gian và con dấu điện tử từ Bộ Công Thương trên tài liệu đã ký, các bên tham gia ký kết hoàn toàn có thể ứng dụng làm căn cứ trong các hoạt động kinh doanh, pháp lý cần xác thực của mình.
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ, vừa qua, Cục đã hỗ trợ các doanh nghiệp tích hợp kỹ thuật Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.
Theo đó, đã có 17 đơn vị gửi công văn, hồ sơ đề nghị cấp đăng ký, trong đó, 6 đơn vị đã tiến hành khảo sát và tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống khi kết nối, tích hợp.
Cụ thể, mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ có gắn kèm với các quy chế về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng. Điều này giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ 3 có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp đồng dưới dạng điện tử.
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ công bố Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn) do Trung tâm Tin học và công nghệ số phối hợp cùng các đối tác để phát triển.
Hệ thống Trục sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các CeCA, đồng thời cung cấp Cổng tra cứu, xác thực hợp đồng điện tử (xacthuc.CeCa.gov.vn) cho bên thứ ba.
6 đơn vị CeCA tương lai đã ký kết triển khai tích hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số về hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam, xây dựng hạ tầng thúc đẩy thương mại điện tử an toàn, nhanh chóng, tiện lợi, bảo mật.
| Luật Doanh nghiệp 2020: 5 thay đổi quan trọng giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp TGVN. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020 có 5 thay đổi quan trọng theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. |
| Bảo lãnh thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy giao thương quốc tế Bảo lãnh thông quan thông qua các doanh nghiệp bảo hiểm giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi ... |