📞

Đẩy mạnh quan hệ Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi

LN 14:51 | 08/09/2019
TGVN. Sự kiện ''Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019'' diễn ra trong hai ngày 9-10/9 sắp tới sẽ góp phần phát triển quan hệ Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 - 2025.
Sự kiện ''Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019'' diễn ra tại trong hai ngày 9-10/9 tại nhà làm việc Bộ Ngoại giao số 2 đường Lê Quang Đạo, Hà Nội.

Nhiều tiềm năng chưa được khai thác

Trung Đông - châu Phi có dân số 1,6 tỷ người, diện tích trên 36 triệu km2, là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, thị trường rộng lớn. Năm 2018, tăng trưởng GDP của Trung Đông đạt 2,3%, vượt xa mức 0,9% vào năm 2017, kinh tế châu Phi tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng 3,4%. Xu hướng liên kết khu vực được đẩy mạnh. 49/50 quốc gia châu Phi đã thỏa thuận thiết lập Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (ACFTA), tiến tới lập Thị trường chung châu Phi vào năm 2030.

Thời gian qua, Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Nhiều quốc gia trong khu vực luôn ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn Liên hợp quốc. Về kinh tế, quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai bên thời gian qua tăng trưởng mạnh. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 17,5 tỷ USD, tăng 300% so với năm 2010. Đầu tư của khu vực tại Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, đầu tư của Việt Nam tại khu vực đạt 2,6 tỷ USD. Hợp tác viễn thông, lao động, khai thác khoáng sản, nông nghiệp... cũng có những bước phát triển đáng khích lệ...

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai bên thời gian qua còn ít, các cơ chế hợp tác song phương như Tham vấn chính trị, Uỷ ban hỗn hợp, Uỷ ban liên chính phủ còn mỏng, hoạt động không thường xuyên. Kết quả hợp tác kinh tế còn khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của hai phía.

Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 nước Trung Đông - châu Phi. Tuy nhiên, mạng lưới Cơ quan Đại diện Việt Nam tại khu vực cũng như các nước khu vực tại Việt Nam còn mỏng (Việt Nam có Đại sứ quan tại 15 nước, 17 nước khu vực có Đại sứ quan thường trú, 5 nước có Lãnh sự danh dự tại Việt Nam). Phần lớn các nước cử Đại sứ không thường trú. Trong bối cảnh giao lưu, tiếp xúc các cấp giữa hai bên còn ít, các Đại sứ quán phía bạn là kênh liên lạc chính thức quan trọng, có thể góp phần thúc đẩy đáng kể hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, nhất là về kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của không ít Đại sứ quán, nhất là các Đại sứ quán kiêm nhiệm Việt Nam còn rất hạn chế.

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác với khu vực, trong đó có việc tổ chức một số sự kiện cấp Bộ trưởng như Hội thảo quốc tế Việt Nam - châu Phi lần 1 (2003) và lần 2 (2010), Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi (2013) và Hội thảo quốc tế ''Triển vọng hợp tác kinh tế với các nước Trung Đông - châu Phi'' (2015). Những sự kiện này nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trong khu vực, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi.

Ngày 15/11/2018, Bộ Ngoại giao cũng phối hợp cùng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế Chính sách hướng đông của các quốc gia Trung Đông - châu Phi và khả năng hợp tác với Việt Nam nhằm trao đổi thông tin, đề xuất ý tưởng, sáng kiến, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông - châu Phi. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Hợp tác cùng phát triển

Trước bối cảnh này, việc Bộ Ngoại giao đăng cai tổ chức sự kiện ''Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019'' với quy mô và hình thức phù hợp để duy trì và phát huy hơn nữa đà hợp tác hiện có là hết sức cần thiết.

Sự kiện quan trọng này sẽ có sự tham dự của các Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam; đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế lớn (Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, JICA…); nhiều Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp hai bên.

Sự kiện sẽ tập trung thảo luận một số nội dung chính về chính trị - ngoại giao, thương mại, nông nghiệp và viễn thông, cụ thể như: Tình hình kinh tế - xã hội, một số định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới, nhất là những ưu tiên của Việt Nam khi ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020-2021; Tình hình hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi, bao gồm cả hợp tác giữa các Bộ, ngành Việt Nam với các Cơ quan đại diện ngoại giao các quốc gia khu vực, thời gian qua và phương hướng thời gian tới.

Hội nghị cũng là cơ hội để các bên nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu, đề xuất hợp tác từ các quốc gia Trung Đông - châu Phi; Thông tin về thị trường khu vực, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trao đổi cơ hội hợp tác nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa của ta vào khu vực. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá một số mô hình phát triển nông nghiệp, trao đổi khả năng tìm kiếm phương thức hợp tác mới về nông nghiệp giữa Việt Nam với khu vực bổ trợ cho mô hình hợp tác ba bên truyền thống hiện đang gặp khó khăn; Giới thiệu sự phát triển của công nghiệp viễn thông Việt Nam, qua đó tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác viễn thông với khu vực trong lĩnh vực này.

Các đại biểu cũng sẽ có những buổi thảo luận và tham quan thực địa ý nghĩa tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị đầu ngành về khoa học nông nghiệp và thủy sản, có nhiều kinh nghiệm hợp tác với châu Phi và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel - doanh nghiệp đang góp phần tạo ra những sự phát triển đầy ấn tượng về viễn thông tại một số quốc gia châu Phi.

Với sự quan tâm ủng hộ của các Cơ quan đại diện ngoại giao các quốc gia Trung Đông - châu Phi, nhiều Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp hai bên, hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019” hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu chung: hợp tác cùng phát triển.

(tổng hợp)