📞

Đẩy mạnh thu hút FDI từ Mỹ, 'dọn tổ đón đại bàng'

Nguyên Đức 10:59 | 19/05/2022
Mối quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ tới thị trường Việt Nam là có thật và điều này sẽ sớm được hiện thực hóa.
Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ của PV GAS và Tập đoàn AES. (Nguồn: TTXVN)

Hiện thực hóa kế hoạch tỷ USD

Không chỉ là kỳ vọng, kế hoạch tỷ USD đầu tư vào Việt Nam của nhà đầu tư Mỹ đã được hiện thực hóa, khi trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ đã được trao. Đích thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao văn bản quan trọng này cho nhà đầu tư. Với tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Dự án góp phần quan trọng ghi dấu ấn đầu tư tiếp theo của Tập đoàn AES ở Việt Nam.

Không chỉ là Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được trao trong chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chẳng hạn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Tập đoàn GE đã ký thỏa thuận về hợp tác đầu tư nâng cao hiệu suất vận hành Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1; hay Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Casa System hợp tác đầu tư trong lĩnh vực mạng 5G...

Cùng với các thỏa thuận được ký, sẽ là những ngân khoản được đầu tư vào Việt Nam. Và chắc chắn, các con số sẽ không ngừng tăng lên trong thời gian tới, khi các kế hoạch đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam tiếp tục được các tập đoàn lớn của Mỹ chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nếu Warburg Pincus - một trong những quỹ đầu tư tư nhân lâu đời nhất và lớn nhất trên toàn cầu, quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam, sau khi đã dốc khoảng 2 tỷ USD để tham gia đầu tư một loạt dự án, trong đó có Dự án Hồ Tràm Strip 4 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thì Tập đoàn Boeing bày tỏ mong muốn tham gia phát triển hệ sinh thái hàng không của Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Roger Jenkins, Tổng giám đốc Murphy Oil, Tập đoàn đã đầu tư khoảng 300 triệu USD vào công tác tìm kiếm thăm dò tại Việt Nam và đang điều hành các lô dầu khí tại Bể Cửu Long, Bể Phú Khánh. Một kế hoạch lớn hơn, với quy mô 700 triệu USD, đang được tích cực thực hiện để phát triển Dự án Lạc Đà Vàng (Bể Cửu Long) với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD.

Tương tự, chia sẻ từ Google, Qualcomm, Abbott, Chevron, GE, Blackstone, GenX... đều khẳng định mối quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Kỳ vọng hợp tác chiến lược dài hạn

Các thỏa thuận hợp tác, các dự án đầu tư đã được ký, song mong muốn của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có lẽ còn lớn hơn thế.

Tại cuộc tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với The Asia Group tổ chức ngày 13/5, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ mong muốn rằng, tới đây, Việt Nam sẽ thu hút được các dự án của nhà đầu tư Mỹ với chất lượng cao hơn, sử dụng ít đất đai, tài nguyên, năng lượng, nhưng đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, làm sao để các dự án đầu tư nước ngoài gắn kết với kinh tế Việt Nam nhiều hơn, là “bệ đỡ” để Việt Nam phát triển.

Việt Nam đã trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho hãng Nike. (Nguồn: Pháp luật Việt Nam)

Tham gia Tọa đàm có hàng loạt doanh nghiệp lớn đã đầu tư và đang có dự định mở rộng đầu tư tại Việt Nam, như Google, UPS, Blackstone, GGV Capital, Ford Motors, GE, Gen X Energy, Samsung, Boeing... Các nhà đầu tư bày tỏ mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xe điện, xây dựng kết cấu hạ tầng, điện - điện tử, công nghệ cao, môi trường - xã hội...

Các doanh nghiệp Mỹ đều đánh giá cao môi trường đầu tư và những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, đặt trong thế so sánh với các nước trong khu vực.

Một thông tin thú vị đã được kể. Đó là sau khi lắng nghe ông Charles Kaye, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Warburg Pincus, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rằng: “Nếu ngài bước ra khỏi phòng này mà còn tiếp tục băn khoăn thì tôi còn băn khoăn hơn”.

Thủ tướng khẳng định, “muốn giải quyết dứt điểm” những băn khoăn của nhà đầu tư. Và nếu nhà đầu tư còn “tiếp tục băn khoăn”, thì có thể “tiếp tục gặp nhau ở Hà Nội”.

Tương tự, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định với các nhà đầu tư rằng, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp Mỹ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ chuyên ngành để nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

Một tinh thần cầu thị như thế chắc chắn sẽ “được lòng” các nhà đầu tư Mỹ. Và như thế, sẽ có nhiều hơn nữa các kế hoạch đầu tư của các nhà đầu tư Mỹ được hiện thực hóa tại Việt Nam.

(theo Báo Đầu tư)