Tại buổi gặp mặt, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh đến chủ đề “Năm hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí. (Ảnh: An Lê) |
Đó là việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nước và quốc tế về hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với sức khỏe con người và môi trường; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cả hệ thống chính trị trong công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học; sự hỗ trợ giúp đỡ trong nước, quốc tế đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học và cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Thượng tướng cho biết, trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Trung ương Hội sẽ chủ trì tổ chức 3 sự kiện chính: Đại hội điển hình tiên tiến vì nạn nhân chất độc da cam lần thứ IV, giai đoạn 2016-2021; Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bệnh, tật liên quan với chất độc da cam - Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả dự phòng, điều trị”; Mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm là Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam, dự kiến diễn ra sáng 10/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của 300-500 đại biểu và khách mời, được tường thuật trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình.
Hội khuyến khích các địa phương không có dịch Covid-19 ngoài cộng đồng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam kết hợp với gặp mặt, tôn vinh nạn nhân vượt khó vươn lên, cá nhân tiêu biểu chăm sóc nạn nhân chất độc da cam và các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm có nhiều đóng góp chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.
Ngoài ra, Trung ương Hội cũng phối hợp tổ chức triển lãm với chủ đề “Thảm họa da cam/dioxin-60 năm nhìn lại”; Tổng kết, trao giải cuộc thi viết về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” lần thứ nhất (năm 2020-2021); phát động Chương trình nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.
Các hoạt động đều được dự kiến tổ chức theo tình hình thực tế và diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19.
Dịp này, các cấp Hội phối hợp với hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức thăm hỏi, tặng quà nạn nhân; chú trọng quan tâm chăm lo tới nạn nhân nặng, gia đình có nhiều nạn nhân và nạn nhân không có nơi nương tựa; vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ quỹ, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đồng đội nhằm giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân gặp khó khăn, hoạn nạn.
Thay mặt Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh mong muốn, các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức và khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Thượng tướng cũng hy vọng các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về thảm họa da cam và nỗ lực của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị trong việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam, vận động nguồn lực trong nước, quốc tế ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam do Trung ương Hội và các địa phương tổ chức.