Tham dự Tọa đàm có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và đại diện 16 tỉnh, thành gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Hậu Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng; các Đại sứ, Tổng Lãnh sự, Tham tán thương mại và Tham tán Nông nghiệp thuộc các Cơ quan đại diện Việt Nam tại 27 nước thành viên EU, cùng hơn 100 đại biểu từ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu rau quả và logistics của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của Tọa đàm, cho rằng Tọa đàm được tổ chức rất đúng thời điểm, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP khởi đầu cho giai đoạn thích ứng với dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao đã và sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm.
Xuất khẩu nông sản sang EU đã bắt đầu được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và quy mô lớn của thị trường EU, tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác, đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu. Thứ trưởng đề nghị các Đại sứ và Cơ quan đại diện Việt Nam tại EU tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Tại Tọa đàm, các Đại sứ, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ, Đức, Czech, Áo, Hà Lan, Italy và một số nước EU đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về quy định, thị hiếu của người tiêu dùng các nước EU, các cơ hội và thách thức đối với các mặt hàng rau quả Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này.
Các Đại sứ cho biết, khu vực EU ngày càng chú trọng nhập khẩu các sản phẩm rau quả hữu cơ, áp dụng tiêu chuẩn chặt chẽ về an toàn thực phẩm, đề cao trách nhiệm xã hội và môi trường, cũng như đạo đức kinh doanh. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU còn nhỏ, chủ yếu do nguồn hàng chưa ổn định, hoạt động sản xuất còn manh mún, thiếu đầu tư công nghệ, chi phí vận chuyển cao, điều kiện bảo quản chưa tốt, hàng Việt Nam cũng chưa tham gia được vào các chuỗi phân phối lớn của sở tại…
Tọa đàm ghi nhận đề xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, trong đó nhiều doanh nghiệp đề nghị các Bộ, ngành liên quan thường xuyên cập nhật thông tin về quy định, nhu cầu, chi phí cũng như thị hiếu của người tiêu dùng tại các nước EU, xây dựng chiến lược quảng bá quốc gia cho một số mặt hàng thế mạnh và xem xét khả năng thành lập các hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường EU.
Các Đại sứ ta tại EU, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhất trí tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm rau quả chế biến.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao về tổ chức Tọa đàm. Bộ trưởng nhận định, thị trường EU còn nhiều tiềm năng và nhấn mạnh đã đến lúc các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường này.
Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có ba trở ngại lớn nhất đối với nông sản Việt Nam khi vươn ra thế giới là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng, trong đó thế giới đang mạnh mẽ chuyển sang sản xuất và tiêu dùng xanh. Do vậy, chiến lược thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU cần được xây dựng tổng thể và toàn diện, tiến tới định vị thương hiệu mới của nông nghiệp Việt Nam là minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, phải thay đổi tư duy theo hướng “muốn đi nhanh đi một mình, đi xa phải đi cùng nhau”, các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, hình thành các liên minh, hiệp hội để cùng quảng bá cho thương hiệu rau quả và nông sản của quốc gia.
Diễn ra trong bối cảnh đất nước đang bước sang giai đoạn phục hồi kinh tế, thích ứng với các điều kiện bình thường mới, Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, cung cấp thông tin đa chiều, khách quan và thiết thực từ địa bàn EU, cũng như từ các doanh nghiệp xuất khẩu và Bộ, ngành, địa phương. Hơn bao giờ hết, các Bộ, ngành, địa phương cần đồng hành và phối hợp cùng doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để đưa các mặt hàng rau quả của Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn nữa vào thị trường đầy tiềm năng này.