ĐBQH Bùi Hoài Sơn đánh giá cao việc ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. |
Đó là quan điểm của ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) trong cuộc trao đổi với Báo Thế giới và Việt Nam nhân dịp mùa lễ hội đầu năm mới.
Không thể lơ là với hoạt động quản lý
Hiện cả nước có hơn 7.000 lễ hội truyền thống, việc xây dựng môi trường văn hóa trong các sự kiện này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng ứng xử văn minh, không gian tâm linh phù hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như tạo điều kiện cho con người thực hành và phát triển nhân cách, đạo đức từ những giá trị của lễ hội.
Trong những năm vừa qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã có nhiều nỗ lực trong việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội ở các địa phương. Nghị định 110/NĐ-CP năm 2018 về việc quản lý và tổ chức lễ hội thực sự đã là một bước tiến lớn, giúp hoạt động này trở nên rõ ràng, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn rất nhiều khó khăn, một phần đến từ bản chất lễ hội là một cuộc vui đông người nên dù quản lý đến đâu cũng khó có thể tránh được những sai sót, phần khác đến từ xu hướng thương mại hóa trong việc tổ chức lễ hội, hiện tượng mê tín dị đoan đi kèm với các hoạt động tâm linh… khiến chúng ta không thể lơ là với hoạt động quản lý lễ hội.
Vì thế, việc ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống giúp chuẩn hóa việc xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương. Đồng thời, Bộ tiêu chí góp phần hiện thực hóa hơn nữa hoạt động quản lý, để lễ hội truyền thống thực sự trở thành không gian thuận lợi để thực hành các sinh hoạt và giá trị văn hóa dân tộc, lưu giữ bản sắc văn hóa.
Góc nhìn của ông về “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đầu tháng 8/2023?
Tôi đánh giá cao Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Điều này chứng tỏ chúng ta rất quan tâm đến xây dựng môi trường văn hóa, không chỉ ở riêng lễ hội truyền thống, mà trong tất cả các môi trường khác như khu dân cư, công sở, trường học.
Đây là một hướng đi đúng khi trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định xây dựng môi trường văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng nhất trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Nếu xây dựng được môi trường tích cực, hướng chân - thiện - mỹ, chúng ta sẽ tạo "sức đề kháng" đối với những hành vi lệch chuẩn, phản văn hóa trong xã hội.
Khi lễ hội truyền thống có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, có tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của con người trong tôn vinh bản sắc dân tộc, chúng ta cần phải xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống để thực hiện được những những mục đích cao đẹp ấy.
Bộ tiêu chí giúp cụ thể hóa, rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho các di tích và lễ hội thực hiện tốt hơn việc môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống ấy. Đó là lý do tôi ủng hộ cách làm này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Làm sao để cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm?
Mỗi di tích, lễ hội lại có những đặc điểm riêng, vì thế, cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa là rất cần thiết.
Theo tôi, 9 nhóm tiêu chí, với 44 tiêu chí cụ thể, có xác định trách nhiệm thực hiện của các bên liên quan chính là kim chỉ nam để các di tích, lễ hội triển khai cụ thể hóa, cũng như thực hiện hiệu quả việc tổ chức và quản lý lễ hội ở địa phương mình. Điều này cũng phù hợp với xu thế phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm mà Chính phủ đang quyết tâm theo đuổi và chủ trương tăng cường hoạt động quản lý văn hóa.
Việc xây dựng môi trường văn hóa cho lễ hội truyền thống Việt Nam đóng vai trò quan trọng. (Nguồn: wanderlust.co.uk) |
Để lễ hội không bị thương mại hóa
Ông đánh giá như thế nào về việc xây dựng môi trường văn hóa cho lễ hội truyền thống để giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và tạo ra các lợi ích xã hội, kinh tế?
Việc xây dựng môi trường văn hóa cho lễ hội truyền thống Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng như tạo ra các lợi ích xã hội và kinh tế đa chiều.
Thứ nhất, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Môi trường văn hóa cho lễ hội truyền thống cung cấp nền tảng để duy trì và phát triển các sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống không chỉ giúp giữ gìn các phong tục, tập quán, nghi lễ, truyền thống văn hóa địa phương, mà còn giúp người tham gia hiểu và trân trọng những giá trị này.
Thứ hai, tạo ra cơ hội kinh doanh và phát triển du lịch. Việc xây dựng môi trường văn hóa cho lễ hội truyền thống văn minh, lành mạnh sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương và tăng cường nguồn thu nhập cho cộng đồng. Du lịch văn hóa cũng sẽ phát triển khi lễ hội trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Thứ ba, thúc đẩy tinh thần đoàn kết cộng đồng. Các lễ hội truyền thống thường tạo ra cơ hội cho cộng đồng tụ họp, giao lưu và chia sẻ với nhau. Việc tham gia vào các hoạt động lễ hội có thể tạo ra một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần tăng cường mối quan hệ xã hội và sự đồng thuận.
Thứ tư, tạo ra một hình ảnh tích cực của đất nước trên trường quốc tế. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống một cách chuyên nghiệp và thành công có thể tạo ra một hình ảnh tích cực về quốc gia trên trường quốc tế, giúp tăng cường uy tín và thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Đồng thời, mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa và du lịch.
Bộ tiêu chí mới đã đặt ra mục tiêu quan trọng là chuẩn hóa việc xây dựng môi trường văn hóa trong các lễ hội truyền thống. Nhưng theo ông, cần những giải pháp gì để lễ hội không bị thương mại hóa?
Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường và những yếu tố, quy luật của nền kinh tế ấy đã len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội, trong đó có cả văn hóa, cụ thể hơn là lễ hội truyền thống. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều các nghi lễ bị giải thiêng vì mục đích thương mại hóa, tương tự, là những hoạt động thái quá trong tổ chức lễ hội truyền thống vì mục đích trục lợi.
Chính vì thế, xây dựng một hệ thống các giải pháp để lễ hội không bị thương mại hóa thái quá, trả lại vẻ đẹp cho lễ hội, là rất quan trọng. Để đảm bảo rằng các lễ hội truyền thống không bị thương mại hóa thái quá và vẫn giữ được bản sắc văn hóa, theo tôi, chúng ta có thể áp dụng các giải pháp sau:
Thứ nhất, chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ việc tổ chức các lễ hội, nhất là việc xây dựng các quy định và hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức lễ hội, giới hạn quảng cáo thương mại, và kiểm soát hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, tăng cường ý thức cộng đồng. Công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng về việc giữ gìn và tôn trọng giá trị văn hóa của lễ hội là rất quan trọng. Những hoạt động tuyên truyền có thể được tổ chức để nâng cao nhận thức về ý nghĩa lịch sử và văn hóa của các lễ hội.
Thứ ba, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý lễ hội giúp giữ cho các lễ hội truyền thống không bị thương mại hóa thái quá. Các tổ chức cộng đồng nên được khuyến khích nhiều hơn nữa để tham gia tích cực và chịu trách nhiệm lớn hơn nữa trong tổ chức các hoạt động lễ hội.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng các quy định pháp lý chặt chẽ hơn nữa. Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể thiết lập các quy định pháp lý cụ thể và chặt chẽ để hạn chế hoạt động thương mại trong các lễ hội. Việc áp dụng các biện pháp phạt và xử lý nghiêm đối với việc vi phạm các quy định này cũng là một cách rất tốt để đảm bảo tuân thủ.
Thứ năm, khuyến khích hình thức tài trợ hợp lý. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp và quảng cáo thương mại, cần khuyến khích các hình thức tài trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội, và các nhóm quan tâm đến văn hóa để hỗ trợ cho các lễ hội mà không làm mất đi bản sắc truyền thống của lễ hội.
Xin cảm ơn ông!
| Người Việt Nam ở nước ngoài vẫn âm thầm cống hiến cho đất nước theo nhiều cách khác nhau Người Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quan trọng cũng như động lực to lớn cho sự nghiệp phát triển của nước nhà. |
| Luật Đất đai sửa đổi năm 2024: Một bước tiến đến công bằng xã hội Bảo vệ lợi ích chính đáng của số đông người sử dụng đất chính là điểm nổi bật trong Luật Đất đai 2024. |
| GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Cần tạo điều kiện để bà con kiều bào tận sức với quê hương, đất nước Dù đi xa nhưng hầu hết bà con kiều bào đều hướng về đất nước và mong muốn góp phần xây dựng quê hương. |