📞

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn: Hiệp định Geneva - sức mạnh mềm trong đối ngoại Việt Nam

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn 14:00 | 24/04/2024
Việc đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva 70 năm trước có ý nghĩa rất lớn đối với cách mạng Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị cho trường phái đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam.
ĐBQH. Bùi Hoài Sơn khẳng định, Hiệp định Geneva để lại nhiều bài học quý giá trong đường lối đối ngoại và ngoại giao Việt Nam. (Nguồn: Quốc hội)

Nhiều bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị

Hiệp định Geneva có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào cách mạng của Việt Nam cũng như thế giới, để lại nhiều bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay trong trường phái đối ngoại của Việt Nam. Đất nước ta đã kế thừa và phát triển những giá trị từ quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva để áp dụng vào công tác đối ngoại hiện nay, thể hiện sự nhất quán và sáng tạo trong chính sách ngoại giao.

Đầu tiên, đó là sự kế thừa và phát triển tinh thần dân tộc, tất cả vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Hiệp định Geneva đặt nền tảng cho chính sách ngoại giao của Việt Nam, nhấn mạnh vào việc độc lập, tự chủ và xây dựng hòa bình. Việt Nam tiếp tục phát triển và vận dụng các nguyên tắc này trong các quan hệ quốc tế hiện nay, đặc biệt trong việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Thứ hai, nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam đã cam kết tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Geneva, điều này thể hiện cam kết của nước ta trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong quan hệ đối ngoại hiện nay, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự tôn trọng và chấp hành các nguyên tắc và luật pháp quốc tế. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng phát biểu: “Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải”.

Thứ ba, khả năng thích ứng và sáng tạo. Việt Nam đã học được nhiều từ quá trình đàm phán Geneva, trong đó cả hai bên phải thể hiện khả năng thích ứng và sáng tạo để đạt được thỏa thuận. Việt Nam tiếp tục áp dụng khả năng này vào công tác đối ngoại hiện nay, đặc biệt trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phức tạp trong khu vực và trên thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hơn 90 năm qua, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Ở đó, thấm đẫm cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam, mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”...

Thứ tư, xây dựng mối quan hệ đối tác đa phương. Việt Nam đã học được giá trị của việc xây dựng mối quan hệ đối tác trong quá trình đàm phán Geneva. Hiện nay, nước ta đã phát triển một mạng lưới quan hệ đối tác đa phương với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, là một trong số ít các quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do nhất trên thế giới. Từ đó, đẩy mạnh hợp tác và phát triển toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển bền vững.

Hội nghị Geneva 1954 là một “trận đánh” lớn đầu tiên trên vũ đài quốc tế của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam. (Ảnh: QT)

Nhìn lại lịch sử, con đường đi đến độc lập, tự do của dân tộc ta không phải là con đường thẳng tắp mà phải trải qua những chặng đường, khúc quanh lịch sử. Việc vận dụng các bài học từ lịch sử, con đường đi đến độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam vào công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay là cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước.

Bài học đó là việc cần thiết phải hiểu rõ và tôn trọng lịch sử của dân tộc, là cơ sở thiết yếu để rút ra bài học và áp dụng vào quá trình phát triển hiện nay. Các bài học từ những chặng đường, khúc quanh lịch sử như sự kiên trì, đoàn kết và tinh thần tự lập, tự cường, đề cao tinh thần yêu nước và dân tộc, có thể được vận dụng vào công cuộc đổi mới toàn diện để thúc đẩy sự phát triển bền vững và ổn định của đất nước.

Ngày nay, chúng ta có nhiều cơ hội nhưng cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bài học kinh nghiệm từ việc ứng phó với những thách thức và khó khăn trong lịch sử đã truyền cảm hứng cho chúng ta về nhu cầu luôn đổi mới và sáng tạo. Do vậy, cần tiếp tục khuyến khích tinh thần sáng tạo và đổi mới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế để thúc đẩy sự phát triển cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Tinh thần đoàn kết và thống nhất đã đóng vai trò quan trọng trong việc vượt qua những thách thức trong lịch sử. Việc xây dựng và duy trì tinh thần đoàn kết và thống nhất trong xã hội là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, thế giới có nhiều biến động khôn lường và công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, thì việc đoàn kết, thống nhất, quy tụ xung quanh những giá trị, mục đích cao đẹp của cách mạng Việt Nam càng cần được đặt vào vị trí trung tâm.

Bên cạnh đó, bài học từ lịch sử cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc bảo vệ chủ quyền quốc gia là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự phát triển và ổn định của đất nước. Không chỉ bảo vệ chủ quyền quốc gia về lãnh thổ, lãnh hải, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác nhau như chủ quyền quốc gia trong kinh tế, văn hóa, trên không gian mạng... cũng vô cùng cần thiết để chúng ta có sự độc lập, tự do, hạnh phúc thực sự.

Sức mạnh mềm trong đối ngoại

Tầm quan trọng của sức mạnh mềm của đối ngoại của Việt Nam từ Hiệp định Geneva đến từ việc tạo dựng uy tín và lòng tin đối với cộng đồng quốc tế. Sức mạnh mềm này giúp chúng ta xây dựng uy tín và lòng tin từ cộng đồng quốc tế thông qua việc thể hiện tinh thần hòa bình, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế trong quá trình đàm phán và thực thi các hiệp định như Geneva. Từ đó, làm tăng cường sự tin cậy và tác động tích cực trong quan hệ với các đối tác quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chứng minh với thế giới về hiệu quả của việc giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán. Cách thể hiện sức mạnh mềm này giúp Việt Nam thúc đẩy việc giải quyết mâu thuẫn và xung đột trên toàn thế giới thông qua đàm phán hòa bình. Việc này thể hiện sự linh hoạt và khả năng thích ứng của nước ta trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và bền vững cho các vấn đề quốc tế.

Cuối cùng, tôi cho rằng, xây dựng quan hệ đối tác đa phương để hình thành nên sức mạnh mềm, giúp đất nước ta xây dựng và duy trì mối quan hệ đối tác đa phương với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, thể hiện tinh thần hợp tác, trao đổi và chia sẻ trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, tạo thuận lợi để ngoại giao chia sẻ những câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam.

Hơn thế, thể hiện tốt hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, truyền bá tốt tiếng nói Việt Nam. Cung cấp trí tuệ Việt Nam và phương án Việt Nam cho toàn thế giới, nhờ đó thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực và trên trường quốc tế, cũng như tạo vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.