ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng, có một khoảng trống khá lớn về văn hóa ứng xử nghệ sĩ, người nổi tiếng. |
Góc nhìn của ông về những ồn ào, tranh cãi liên quan đến sự thiếu chuẩn mực của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng thời gian qua?
Có thể nói, đây là một vấn đề rất đáng quan tâm. Sự thiếu chuẩn mực của một số nghệ sĩ không phải là hiện tượng cá biệt. Nhiều biểu hiện tương tự, hết sức lo ngại về đạo đức, lối sống đang xảy ra trong xã hội.
Điều này đến từ rất nhiều lý do khác nhau như mặt trái của nền kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông mới.
Đặc biệt, mạng xã hội khiến chúng ta rơi vào một cuộc khủng hoảng về văn hóa, đạo đức, lối sống đối với không ít cá nhân, ảnh hưởng tới cả xã hội.
Một số nghệ sĩ, người nổi tiếng làm trầm trọng thêm tình trạng này vì họ là những người nổi tiếng, nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, luôn được mong chờ là những tấm gương tốt, định hướng đạo đức, lối sống cho công chúng. Đó là lý do chúng ta thêm lo ngại về những biểu hiện tiêu cực này, nếu không được xử lý sớm, sẽ gây thêm những hệ lụy cho xã hội.
Vai trò của người nổi tiếng thế nào trong việc định hướng lối sống, thẩm mỹ trong xã hội? Khi nghệ sĩ “phá rào” sẽ tác động tiêu cực ra sao, theo ông?
Nghệ sĩ, người nổi tiếng là người của công chúng nên họ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Hiện nay, các phương tiện truyền thông lại càng giúp cho người nổi tiếng dễ chi phối công chúng hơn.
Chúng ta thấy có rất nhiều tin tức, thậm chí tờ báo, kênh truyền hình dành riêng cho những người nổi tiếng để thấy được sức ảnh hưởng lớn của họ đối với công chúng nói riêng, xã hội nói chung như thế nào.
Chính sự tác động đến nhận thức, lối sống, hành vi rất lớn của người nổi tiếng đến công chúng khiến cho họ cũng dễ bị soi xét hơn. Tôi cho rằng, điều này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm và áp lực đối với người của công chúng. Nhưng dù sao, khi chúng ta theo đuổi một công việc, một giấc mơ, thì bên cạnh những hào quang, chúng ta phải chấp nhận cả những trách nhiệm và áp lực của công việc ấy. Vì thế, nếu nghệ sĩ là những tấm gương tốt, họ sẽ được xã hội tôn vinh bằng những danh hiệu và cả những lợi ích vật chất khác.
Danh hiệu chính thức như nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, các giải thưởng hay kể cả những danh xưng do khán giả ban tặng, hoặc có những trường hợp nghệ sĩ có thể có thu nhập "khủng" lên tới cả tỷ đồng, thậm chí hơn thế chỉ trong một buổi biểu diễn, qua những quảng cáo cho các nhãn hàng khác nhau... là những ví dụ cụ thể nhất cho sức ảnh hưởng của người nổi tiếng đối với xã hội.
Nhưng ngược lại, họ sẽ nhận được rất nhiều chỉ trích, thậm chí nặng nề hơn so với những người bình thường khác.
Tiêu cực của cá nhân họ sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn, để lại hậu quả nhiều hơn, tác động sâu sắc hơn so với các nhóm xã hội khác. Điều đó khiến xã hội lo ngại hơn và chúng ta mong muốn những người nổi tiếng cần phải làm tấm gương tốt, cao hơn so với mong đợi thông thường. Đó có lẽ là chuyện dễ hiểu trong bối cảnh chúng ta xem xét về tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng đối với xã hội.
Có phải đã và đang có một khoảng trống về văn hóa ứng xử của một bộ phận người nổi tiếng?
Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang có một khoảng trống khá lớn về văn hóa ứng xử trong toàn xã hội, chứ không riêng gì đối với người nổi tiếng. Khoảng trống về văn hóa ứng xử của người nổi tiếng một phần có lý do từ phía bản thân họ khi họ chưa ý thức đầy đủ về vai trò, vị trí làm gương của mình trong xã hội, nhưng cũng đồng thời chỉ là những biểu hiện cụ thể của văn hóa ứng xử trong xã hội mà họ là đại diện.
Hãy xem xét văn hóa ứng xử từ những chi tiết nhỏ nhất là câu chào, lời cảm ơn, xin lỗi thông thường, giờ đây hình như thiếu vắng những ứng xử văn hóa tối thiểu này.
Mấy hôm trước, ngồi nói chuyện với nhau, mấy người bạn tôi than phiền việc vào thang máy mà mấy nhân viên không thể cất lên một câu chào, thậm chí một nụ cười thân thiện cũng thiếu.
Có thể do không quen biết nhau nên nhiều người cho rằng việc ứng xử xã giao như vậy là không cần thiết, nhưng tôi lại không nghĩ thế. Kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy, chỉ thêm một câu chào, một lời xin lỗi, hỏi thăm, một nụ cười, chúng ta đã tạo nên một môi trường thân thiện, văn minh, lan tỏa hiệu ứng tích cực đó cho người khác.
Điều này cần thực hiện thường xuyên từ ở mỗi gia đình, tới nhà trường và ra ngoài xã hội. Xây dựng văn hóa có thể làm rất nhiều việc nhưng có lẽ giờ đây chúng ta nên bắt đầu bằng việc nhỏ nhất, cụ thể nhất là văn hóa ứng xử, cụ thể nữa là ứng xử văn minh. Từ đó, hình thành nên thói quen, hình thành nên văn hóa. Những người nổi tiếng nên được xem là nhóm tiên phong cho việc xây dựng văn hóa ứng xử này.
Và sự cần thiết của việc nghệ sĩ, người nổi tiếng giữ gìn hình ảnh cũng như xây dựng thương hiệu cá nhân thì sao theo góc nhìn của ông?
Nghệ sĩ, người nổi tiếng nhất thiết phải giữ gìn hình ảnh của mình. Điều này không chỉ vì chính họ mà còn vì lợi ích chung của xã hội. Đối với họ, hình ảnh gắn liền với thương hiệu cá nhân và những lợi ích kèm theo.
Sự hoen ố về hình ảnh khiến họ mất đi công chúng, sự quan tâm của các nhà tài trợ và cả sự nghiệp của chính họ. Chúng ta luôn trông chờ các nghệ sĩ, người nổi tiếng trở thành những tấm gương tốt cho xã hội.
Đồng thời, mong muốn họ thể hiện trách nhiệm đạo đức đối với xã hội, từ đó lan tỏa những thông điệp tích cực về cái thiện, cái đẹp, tình yêu thương của nghệ thuật, của cuộc sống đối với tất cả mọi người. Làm được như thế sẽ giúp cho việc xây dựng văn hóa, phát triển con người trở nên thuận tiện hơn.
Cần có chế tài gì để chấn chỉnh và làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật, để người nổi tiếng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm xã hội của mình trong việc giữ gìn hình ảnh cá nhân?
Tôi nghĩ rằng, không ai mong muốn phải xử phạt bất kỳ một ai đó vì đó chỉ là biện pháp cuối cùng khi chúng ta không còn một cách nào khác để giải quyết. Vì thế, việc xử lý các nghệ sĩ, người nổi tiếng là vì thông điệp làm trong sạch, lành mạnh hơn môi trường nghệ thuật và môi trường xã hội, từ đó giúp xã hội định hướng lối sống và đạo đức của con người.
Vụ việc lệch chuẩn của nghệ sĩ, người nổi tiếng gần đây khá nhiều nên chúng ta cũng cần thiết phải nghĩ đến những chế tài mang tính mạnh mẽ hơn để tạo ra những bài học làm gương, điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đối với các nghệ sĩ khác cũng như cả xã hội.
Tôi tin rằng, khi mỗi nghệ sĩ làm tròn trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp của mình, nghệ sĩ thực sự là những người đáng trân trọng. Đó là điều cả xã hội mong chờ ở nghệ sĩ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!