ĐBQH. Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta cần tận dụng lợi thế để phát triển văn hóa trong thời đại số. (Nguồn: Quochoi) |
Chuyển đổi số, văn hóa số sẽ trở thành những công cụ quan trọng phát triển văn hóa dân tộc trong thời đại số, khai thác giá trị kinh tế của văn hóa tại Việt Nam thế nào, thưa ông?
Chúng ta đang sống trong bối cảnh của văn hóa số, ở đó, không gian số, phương tiện kỹ thuật số đã giúp hình thành những thói quen, thị hiếu và giá trị phù hợp với những không gian và phương tiện ấy. Hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội để văn hóa phát huy giá trị và khai thác lợi ích kinh tế từ bối cảnh mới này. Quá trình chuyển đổi số khiến các di sản văn hóa trở nên sống động hơn.
Có thể thấy những ví dụ gần đây như các triển lãm ảo của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trình chiếu 3D mapping ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám và rất nhiều bảo tàng, di tích khác đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của khán giả như thế nào. Những bài hát như See tình hay Vũ điệu rửa tay Ghen Cô Vy và rất nhiều clip trên TikTok quảng bá văn hóa Việt thực sự đã đem văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới. Từ đó, thu hút sự quan tâm của công chúng toàn cầu đến Việt Nam.
Theo tôi, điều này không chỉ giúp chúng ta có thêm bản lĩnh, sự tự tin về văn hóa dân tộc, mà còn lan tỏa sang kinh tế - xã hội. Những gì mà ban nhạc BlackPink đã làm ở Việt Nam, hay cách các ban nhạc, nghệ sĩ thế giới quảng bá văn hóa, tạo ra tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia giúp chúng ta có thêm tự tin để quảng bá văn hóa của mình, trong đó có qua các kênh truyền thông số.
Tầm quan trọng của việc lan tỏa sức mạnh mềm quốc gia trên trường quốc tế, làm cho người dân toàn cầu biết đến Việt Nam, yêu mến Việt Nam ra sao dưới góc nhìn của ông?
Tôi tin rằng, việc lan tỏa sức mạnh mềm quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển đất nước. Đầu tiên, giúp Việt Nam xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với các quốc gia khác thông qua sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tạo nền tảng cho hợp tác và giao thương quốc tế. Một hình ảnh tích cực về Việt Nam có thể tạo ra niềm tin từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế, đồng thời kích thích sự phát triển kinh tế thông qua việc thu hút vốn đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Hơn nữa, việc lan tỏa sức mạnh mềm giúp Việt Nam tham gia tích cực trong các diễn đàn quốc tế và giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh, góp phần vào việc xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng.
Ngoài ra, sức mạnh mềm thúc đẩy du lịch phát triển, để du khách khám phá về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Qua đó, giúp phát triển ngành du lịch và lan tỏa lợi ích sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, cũng như giúp kinh tế, văn hóa của các địa phương, địa điểm du lịch phát triển tốt hơn.
Những giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa đã góp phần quan trọng vào việc phát triển nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. (Ảnh tư liệu) |
Vậy cần khơi thông các điểm nghẽn trong hoạt động quảng bá văn hóa để tạo dựng hình ảnh Việt Nam văn minh, hiện đại trong mắt bạn bè quốc tế ra sao?
Để tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, theo tôi, đầu tiên cần thực hiện tốt các chiến lược liên quan vấn đề này như Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2030. Tiếp theo đó, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hoá ra nước ngoài.
Chúng ta cần chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức quảng bá văn hóa trên cơ sở đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.
Đồng thời, chúng ta cũng cần phát huy hơn nữa tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia quảng bá văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Tất cả những hoạt động này cần có sự chung tay, góp sức của cả xã hội bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp, tư nhân, cả ở trong và ngoài nước. Làm được điều đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của hoạt động quảng bá văn hóa, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn…”. Góc nhìn của ông về tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, đặc biệt trong thời đại số?
Chúng ta đang sống trong một xã hội chịu các tác động từ nền kinh tế thị trường, cả tích cực và tiêu cực, được cộng hưởng bởi quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển của khoa học công nghệ.
Hầu như tất cả những vấn đề trong xã hội đều liên quan đến văn hóa nên nhiều bất cập xảy ra đối với văn hóa, kể cả hiện tượng xuống cấp đạo đức trong xã hội. Đó chính là thách thức mà chúng ta đang đối mặt trong giai đoạn hiện nay.
Bởi vậy, xây dựng văn hóa trong bối cảnh hiện nay có những phức tạp riêng, do đó cần có một cuộc đổi mới mang tính cách mạng trong quản lý và phát triển văn hóa. Theo tôi, phát triển văn hóa chính là xây dựng con người, đồng thời là mục tiêu chính của sự phát triển đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, khi các quốc gia tập trung nhiều hơn để xây dựng sức mạnh mềm, văn hóa có tác dụng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế của đất nước. Chúng ta cũng cần tạo ra một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ tiến bộ để tạo điều kiện về quyền văn hóa của người dân nhằm tạo ra sự năng động của văn hóa, nghệ thuật. Khi người dân được tạo điều kiện để hưởng thụ, sáng tạo và tôn trọng tự do biểu đạt văn hoá nghệ thuật sẽ là môi trường tốt để phát triển văn hóa.
Xin cảm ơn ông!
| Cần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để cạnh tranh với các nước ASEAN và trên thế giới ThS. Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty giáo dục kỹ năng Angel cho rằng, nền giáo dục Việt Nam từng bước thay đổi để ... |
| ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa: Cần thiết xây dựng chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam TS. Phạm Trọng Nghĩa, ĐBQH thuộc Đoàn Lạng Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Việt Nam là ... |
| 'Vẽ' thêm bản đồ du lịch Việt Nam, cùng ASEAN phát triển bền vững Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch, ... |
| ASEAN trước cơ hội trở thành tâm điểm của tăng trưởng kinh tế bền vững Những năm gần đây, bất chấp nhiều cú sốc tài chính mà các khu vực khác trên thế giới phải trải qua, nền kinh tế ... |
| Áp dụng tiêu chuẩn du lịch ASEAN, 'đánh thức' tiềm năng địa phương Việt Nam Áp dụng Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ giúp du lịch Việt Nam đảm bảo chất lượng, an toàn và mang đến trải nghiệm ... |