Nhỏ Bình thường Lớn

ĐBQH Lê Thanh Vân: Cần duy trì Lịch sử là môn bắt buộc!

Tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu quan điểm: Cần duy trì lịch sử là môn bắt buộc! Bởi vì đó là gốc rễ của giáo dục...
"Lịch sử là gốc rễ của giáo dục, sao bỏ được!"
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, Lịch sử là gốc rễ của giáo dục nên không thể bỏ.

Theo ông Lê Thanh Vân, môn Lịch sử phải được xem xét với góc độ là một môn khoa học, vì nó là hệ thống các sự kiện được sâu chuỗi lại về lịch sử hình thành của quốc gia, dân tộc - nơi mỗi cá nhân, công dân đất nước Việt Nam sinh ra.

"Cần duy trì Lịch sử là môn bắt buộc! Bởi vì đó là gốc rễ của giáo dục, dạy cho con người biết tổ tông nguồn gốc của mình, biết yêu đất nước, yêu lịch sử, tự hào với lịch sử của dân tộc mình. Tại sao lại bỏ được!", đại biểu đoàn Cà Mau nêu quan điểm.

Theo ông Lê Thanh Vân, vấn đề hiện nay đối với môn Lịch sử là làm sao để hấp dẫn người học. "Đây là vấn đề liên quan đến giáo trình và cách thức dạy học. Con tôi đi học, tôi biết cháu cũng không thích môn Lịch sử. Nhưng qua những câu chuyện kích thích tính tò mò thì cháu sẽ tự tìm đọc về lịch sử", ông Vân chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề học Lịch sử bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục - cho biết, khi bắt đầu triển khai chương trình cho năm học mới thì việc chuyển môn Lịch sử từ lựa chọn sang bắt buộc thì có thể phải nghiên cứu quy định thời lượng hợp lý. Theo bà Hoa, với sự tiếp thu của Chính phủ như vừa qua đã đáp ứng mong muốn của cử tri.

"Tôi nghĩ việc thay đổi từ lựa chọn sang bắt buộc sẽ có những thay đổi nhất định trong cấu trúc chương trình đã được xây dựng và quyết định từ 2018. Tuy nhiên, có những vấn đề thực tiễn đặt ra, ý kiến của cử tri thỏa đáng thì việc tiếp thu cần làm", bà Hoa nêu quan điểm.

Trước đó, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa báo cáo việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn Lịch sử bậc THPT.

"Đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp THPT thành môn lựa chọn", báo cáo của Ủy ban nêu nhiều lý do cho quan điểm này.

Theo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội. Từ đó, hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Ủy ban Văn hóa, giáo dục cho rằng, môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này. Vì vậy, cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin về giá sách giáo khoa tăng 2-3 lần

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin về giá sách giáo khoa tăng 2-3 lần

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng nay (25/5), Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thông tin rõ trước dư luận xã ...

Bệnh thành tích trong giáo dục: Nghĩ về những tấm giấy khen được phát tràn lan

Bệnh thành tích trong giáo dục: Nghĩ về những tấm giấy khen được phát tràn lan

Những năm gần đây, người ta giật mình khi nhắc đến bệnh thành tích trong giáo dục, về những con số tròn trịa trong các ...

(theo Dân trí)