📞

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Chính sách về văn hóa phải được bắt đầu từ giáo dục

Nguyệt Anh 14:00 | 22/12/2022
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nêu quan điểm, chính sách về văn hóa phải được bắt đầu từ giáo dục. Chú trọng việc dạy đạo đức, những hoạt động nhằm hình thành nhân cách tốt đẹp của con người phải là việc chúng ta nghĩ đến đầu tiên.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng những chính sách về văn hóa phải được bắt đầu từ giáo dục. (Nguồn: Quochoi.vn)

Đại hội XIII của Đảng đã đặt nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”. Bà đánh giá thế nào về nội dung này trong việc xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay?

Đây là một nội dung rất quan trọng, tạo ra sự tác động cả trực tiếp và gián tiếp, trong cả bề rộng và chiều sâu của công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay.

Kết quả của việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Đó là tiền đề quan trọng để khách nước ngoài biết đến và mong muốn tới tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đời sống của con người Việt Nam.

Từ đó, đóng góp vào việc phát triển kinh tế của đất nước, tạo nguồn thu nhập cho bộ phận không nhỏ người dân. Ngoại giao văn hóa cũng thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên mọi mặt giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế.

Như vậy, ngoại giao văn hóa góp phần tạo cơ sở về cả điều kiện kinh tế, chính trị cho việc xây dựng, phát triển văn hoá không chỉ trong nước mà còn lan tỏa tới bạn bè quốc tế.

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, một trong những yêu cầu bức thiết được đặt ra là cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới thế nào?

Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu từ thực tiễn. Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia và nội luật hóa hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có các quyền về văn hóa.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tiếp tục tập trung nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách cho những lĩnh vực mới như công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Cần có cả những chính sách riêng về văn hóa, vừa phải lồng ghép được yếu tố văn hóa trong các chính sách về các lĩnh vực khác.

Đồng thời, cần kịp thời điều chỉnh những quy định về văn hóa, nhất là những quy định liên quan đến quyền con người phù hợp với sự thay đổi của tình hình thực tiễn, với sự phát triển của đời sống xã hội.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, thách thức đang đặt ra đối với nước đang phát triển như Việt Nam là làm thế nào để phát huy tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa sáng tạo. Theo bà, cần gỡ khó ra sao?

Để phát huy tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa sáng tạo, chúng ta cần tích cực nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi một cách có chọn lọc các kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới.

Tạo điều kiện cho các hình thức tài trợ với các ngành công nghiệp văn hóa, ví dụ chi tài trợ cho văn hóa được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, vinh danh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu có sự tài trợ cho lĩnh vực văn hóa.

Như vậy sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tài trợ cho lĩnh vực văn hóa. Chúng ta cũng cần tích hợp các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong các kế hoạch phát triển chung của đất nước cũng như kế hoạch riêng của từng ngành, từng địa phương. Để làm được điều này thì cần nâng cao nhận thức, ý thức chung của tất cả những người tham gia vào việc xây dựng kế hoạch. Bên cạnh đó, có thể đề ra yêu cầu giám sát việc lồng ghép các mục tiêu về văn hóa trong các kế hoạch phát triển.

Muốn một cộng đồng văn hóa thì từng cá nhân phải là con người văn hóa. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên Internet, mạng xã hội tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa đã theo kịp yêu cầu của thực tiễn hay chưa, theo bà?

Đây là một vấn nạn rất phức tạp của xã hội hiện đại mà để giải quyết được thì cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành cũng như cá nhân mỗi người dân, chứ không riêng gì ngành văn hóa. Trong đó, vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông là rất lớn.

Tuy nhiên, một mình Bộ Thông tin và Truyền thông không thể "bao sân" hết mọi lĩnh vực được, mà phải có sự chung tay vào cuộc của tất cả các bộ ngành, từ Trung ương đến địa phương.

Những năm gần đây, cùng với sự lớn mạnh của ngành công nghệ thông tin nước nhà, việc chống những thông tin độc hại trên môi trường mạng đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội cùng các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo.

Nhưng có nhiều nền tảng mạng xã hội, nhiều ứng dụng không có máy chủ đặt tại Việt Nam, không hoạt động tại Việt Nam mà ở nước ngoài. Chúng ta cũng không thể áp dụng chống bằng cách cấm triệt để, cực đoan cho nên việc đấu tranh với những thông tin xấu độc trên môi trường mạng vẫn rất nhọc nhằn, cam go.

"Muốn một cộng đồng văn hóa thì từng cá nhân phải là con người văn hóa. Muốn cơ con người văn hóa thì phải được bồi đắp lối sống văn hóa từ nhỏ. Những chính sách văn hoá rất quan trọng, nhưng tôi thấy việc thực thi như thế nào còn quan trọng hơn".

Lợi dụng sự tiện lợi, nhanh nhạy, có hiệu ứng lớn, tức thì của mạng xã hội nên các phần tử xấu đã tìm rất nhiều cách đưa thông tin tiêu cực, văn hoá phẩm độc hại lên không gian mạng. Đây là sự đầu độc văn hoá, đầu độc tâm hồn rất nguy hiểm, nên chúng ta cần kiên trì, kiên quyết và quyết liệt đấu tranh.

Một khía cạnh khác, theo tôi, bên cạnh việc chúng ta có những quy định pháp lý, những chế tài đủ mạnh để quản lý, thì mỗi cá nhân cần phải chủ động, nỗ lực tự tạo ra "sức đề kháng nội tại" đối với văn hoá phẩm đồi truỵ và những thông tin xấu, độc...

Khi mỗi cá nhân nhận thức đúng đắn về các giá trị "chân, thiện, mỹ"; khi mỗi con người đều sống hướng thiện thì những điều xấu cũng ít có cơ hội để tồn tại. Những thông tin xấu độc trên môi trường mạng không được đón nhận và hưởng ứng thì sẽ không phát tác được "độc tố".

Tuy nhiên, để có được sức đề kháng nội tại đủ mạnh của mỗi cá nhân trước những thông tin xấu độc đầy rẫy trên môi trường mạng cần có sự nỗ lực, rèn giũa, giáo dục và định hướng con người từ khi còn nhỏ. Chính vì vậy, đây không chỉ là câu chuyện về trách nhiệm của duy nhất một cấp hay một ngành nào cả.

Văn hóa thấm sâu, chi phối toàn bộ đời sống xã hội, vào từng con người, từng gia đình và cộng đồng. Vì thế, thể chế, chính sách về văn hóa phải có cái riêng ra sao, dưới góc nhìn của bà?

Chính sách về văn hóa, như tôi đã chia sẻ, không chỉ hướng đến một ngành cụ thể nào, cũng không đơn giản là chúng ta có thể liệt kê từng công việc cụ thể, từng hạng mục kinh phí đầu tư.

Tôi nghĩ, chính sách về văn hóa phải được bắt đầu từ giáo dục, từ bậc đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân là bậc học mầm non. Chú trọng việc dạy đạo đức, chú trọng những hoạt động nhằm hình thành nhân cách tốt đẹp của con người phải là việc chúng ta nghĩ đến đầu tiên.

Trước nay nói đến nhà trường, nói đến học sinh, đến giáo dục, chúng ta thường lấy thước đo là tri thức. Đánh giá học sinh vẫn có phần học lực và hạnh kiểm, nhưng hạnh kiểm luôn phụ thuộc vào học lực. Thầy cô, cha mẹ luôn chú ý đầu tiên đến điểm số của học sinh. Chương trình học tại trường luôn kín mít với các tiết học văn hóa. Các bộ môn nghệ thuật, thể thao... luôn bị coi là môn phụ, được bố trí rất ít ỏi trong tổng chương trình. Học sinh, với áp lực bài vở và điểm số, không còn thời gian và sức lực dành cho các hoạt động thú vị và bổ ích khác...

Muốn một cộng đồng văn hóa thì từng cá nhân phải là con người văn hóa. Muốn cơ con người văn hóa thì phải được bồi đắp lối sống văn hóa từ nhỏ. Những chính sách văn hoá rất quan trọng, nhưng tôi thấy việc thực thi như thế nào còn quan trọng hơn.

Chính sách đúng mà thực thi không đúng thì cũng không mang lại hiệu quả, thậm chí để lại hậu quả. Ví dụ như việc trùng tu, tôn tạo di tích. Đây là chủ trương đúng đắn và ý nghĩa, được quy định rất chặt chẽ trong luật Di sản và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, đã nhiều di tích "bị" trùng tu theo kiểu làm mới, phá nát, làm biến dạng; thậm chí sau trùng tu thì mất luôn di tích... Vấn đề rất buồn này báo chí cũng đã phản ánh nhiều.

Cho nên, tôi rất mong những chính sách về văn hóa phải được bắt đầu từ giáo dục. Giáo dục lối sống, đạo đức. Đấy là cốt lõi của văn hóa, văn minh. Chúng ta đã có nhiều chính sách để phát triển văn hóa rất bài bản, khoa học, mang tính chiến lược, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều lo ngại trước hiện tượng đạo đức xã hội xuống cấp, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mai một, sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại.

Theo bà, làm sao để các nguồn lực đầu tư cho văn hóa được sử dụng hiệu quả?

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa muốn được sử dụng hiệu quả thì yêu cầu trước tiên là những người thực thi, những người sử dụng nguồn lực ấy phải thực sự am hiểu về văn hóa.

Nghĩa là, phải nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ văn hóa, bố trí đúng người, đúng việc. Nếu người làm văn hóa không am hiểu về văn hóa thì rất dễ dẫn đến việc làm sai, sử dụng kinh phí không hiệu quả. Chúng ta cũng cần tránh đầu tư dàn trải, cào bằng trong lúc nguồn lực của đất nước có hạn.

Xin cảm ơn bà!