📞

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa: Môn Lịch sử càng quan trọng hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa

Yến Nguyệt 10:01 | 26/05/2022
Chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam, TS. Phạm Trọng Nghĩa, ĐBQH thuộc Đoàn Lạng Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa thì môn học Lịch sử ngày càng quan trọng hơn.
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, càng hội nhập thì càng phải nhấn mạnh hơn đến việc nghiên cứu, giảng dạy môn Lịch sử. (Nguồn: Quochoi)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của môn Lịch sử?

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang đưa các quốc gia, các dân tộc xích lại gần nhau hơn. Tôi cho rằng, càng toàn cầu hóa, càng hội nhập thì chúng ta cần càng phải nhấn mạnh hơn đến việc nghiên cứu, giảng dạy môn học Lịch sử.

Nếu như toàn cầu hóa cùng sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ khiến cho thế giới thành ngôi làng thu nhỏ, trong "ngôi làng" ấy, có rất nhiều điểm chung, giao thoa giữa các thành viên thì sự khác biệt của mỗi thành viên chính là nguồn gốc, là lịch sử quốc gia - nơi thành viên đó sinh ra và lớn lên.

Vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa thì môn học Lịch sử ngày càng quan trọng.

Theo ông, nếu Lịch sử là môn “lựa chọn” sẽ để lại những hệ lụy gì?

Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học Chương trình GDPT mới. Theo đó, có 7 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương.

Ba nhóm môn học để chọn 5 môn gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật). Vậy là, vị trí của môn Lịch sử đã hoàn toàn thay đổi khi từ môn chính được xếp là môn tự chọn.

Lịch sử là môn học lẽ ra phải được coi trọng vì lịch sử là quá khứ của một dân tộc. Bác Hồ đã nói, lịch sử là “gốc tích nước nhà”. Bài học từ quá khứ sẽ là hành trang tinh thần cho thế hệ hôm nay cất cánh bay vào tương lai. Trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ đã viết: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Do đó, nếu để Lịch sử là môn học tự chọn sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều học sinh thờ ơ, xem nhẹ và không chọn học - không được trang bị đầy đủ kiến thức về lịch sử nước nhà. Bên cạnh đó, học sinh sẽ tự tìm hiểu Lịch sử thông qua các kênh không chính thức - có thể dẫn đến hiểu sai về lịch sử nước nhà. Khi đó, Việt Nam sẽ có một thế hệ bước vào tương lai mà không được trang bị kiến thức về truyền thống, văn hóa dân tộc, tâm hồn, dân tộc. Đó là điều đáng lo ngại!

Cũng có ĐBQH cho rằng, việc sửa môn Lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ "lựa chọn" thành "bắt buộc" là xong. Ông nghĩ sao?

Đúng vậy, mục đích cuối cùng là làm sao cho học sinh, cho giới trẻ khi trưởng thành được trang bị một cách tốt nhất kiến thức về lịch sử nước nhà. Để làm được như vậy không chỉ thay từ "lựa chọn" thành "bắt buộc" là xong mà còn cần có nhiều sự thay đổi từ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá cũng như quan điểm, nâng cao nhận thức của xã hội về môn Lịch sử.

"Nếu để Lịch sử là môn học tự chọn sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều học sinh thờ ơ, xem nhẹ và không chọn học - không được trang bị đầy đủ kiến thức về lịch sử nước nhà. Bên cạnh đó, học sinh sẽ tự tìm hiểu Lịch sử thông qua các kênh không chính thức - có thể dẫn đến hiểu sai lệch về lịch sử nước nhà".

Môn học Lịch sử giúp giới trẻ hiểu về nguồn cội, về truyền thống cha ông để từ lòng tự hào, học sinh biết phát huy qua những kiến thức đã học để xây dựng đất nước. Tôi nhất trí với ý kiến cho rằng những bài học lịch sử sẽ vô ích nếu không làm đọng lại ở người học hôm nay niềm kính trọng cha ông đã dựng xây nên non nước này, đã dũng cảm bảo vệ nền độc lập tự chủ, đã sáng tạo nên cả một nền văn hóa Việt…

Từ đó, các em sẽ được tiếp thêm niềm tin, niềm tự hào để mà sống mạnh mẽ hơn, trung thực hơn, chân chính hơn. Đấy là nhiệm vụ cao cả, là thiên chức lớn lao của môn Lịch sử.

Dạy bắt buộc môn Lịch sử ở cấp THPT là quan trọng trong bối cảnh mặt trái của cơ chế thị trường tác động tới mọi mặt đời sống xã hội, nhất là thế hệ trẻ. Vậy phải làm thế nào để học sinh tiếp cận môn Lịch sử dễ hơn?

Tôi cho rằng, để môn học Lịch sử đến gần với học sinh hơn, nhà trường cần giúp các em tiếp cận Lịch sử bằng những cách thức mới mẻ, khơi gợi tính sáng tạo: Lịch sử có thể tái hiện bằng tranh, bằng các câu chuyện kể, bằng những bức đồ họa, bằng các bài hát,...

Đồng thời, giáo viên cần không ngừng khuyến khích, động viên học sinh tự mình khám phá, tìm hiểu Lịch sử, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Lịch sử... để giúp môn học gần gũi, thiết thực và giúp các em hào hứng hơn.

Theo ông, đâu là điểm quan trọng nhất để học sinh yêu thích môn Lịch sử? Cần thay đổi cách dạy và kiểm tra, đánh giá ra sao?

Phải đánh thức ở học trò niềm đam mê hiểu biết về quá khứ nhưng cũng phải gợi ở họ phản biện lại lịch sử. Lịch sử không phải sự học thuộc mà còn là triết lý, suy ngẫm, là bài học về bản chất của hiện tượng, sự việc xảy ra trong quá khứ.

Bài giảng Lịch sử phải gợi được sự phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm đam mê tri thức, sự liên tưởng khoa học của học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá cần dựa trên quan điểm như vậy.

Xin cảm ơn ĐBQH!