📞

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Mỗi doanh nghiệp phải tự thay đổi để thích ứng với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới

Nguyệt Anh 09:00 | 07/01/2022
Chia sẻ với báo TG&VN, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) nêu quan điểm, để phục hồi và vực dậy nền kinh tế, để gói hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ đồng phát huy tác dụng tốt hơn, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp.
ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng, doanh nghiệp cần sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới.

Thưa ĐBQH Phan Đức Hiếu, ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với gần 350 nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất?

Việc xây dựng, ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) là hết sức cấp thiết. Đồng thời, đây mà nhiệm vụ nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2022, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2020-2025 và Nghị quyết kỳ họp 2 Quốc hội khóa XV.

Nhìn rộng hơn, ở phạm vi toàn cầu, do tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội. Các quốc gia đã sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, với quy mô nguồn lực khác nhau, phù hợp với môi trường thể chế và khả năng huy động nguồn lực.

Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự kiến Chương trình tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022-2023.

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau:

Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng). Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Quy mô các giải pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ ở các nước phát triển lần lượt khoảng 10,9% GDP và 8,6% GDP; các nước mới nổi là 4,3% GDP và 3,4% GDP; các nước thu nhập thấp (trong đó có Việt Nam) là 3,2% GDP và 0,7% GDP.

Một số nước xung quanh cũng đã ban hành hỗ trợ tương tự với quy mô khác nhau, như Thái Lan tương đương 15% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Indonesia 5,4% GDP, Trung quốc 6,1% GDP…

Ở nước ta, ước tính trong năm 2021, nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã được thực hiện, với tổng quy mô các chính sách chi hỗ trợ từ tài khóa và ngoài tài khóa là 269.464 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP.

Qua đó, cũng đã triển khai quyết liệt các giải pháp tiền tệ - tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, duy trì thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Như vậy, cộng với Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô ước tính 346.800 tỷ (4,24% GDP) thì tổng hỗ trợ ở nước ta vào khoảng 7,44% GDP.

Đó cũng là một quy mô tương đối lớn nếu so sánh chung trên bình diện quốc tế và hoàn cảnh nước ta với yêu cầu kiểm soát rủi ro vĩ mô.

Trong suốt thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã có những giải pháp để hỗ trợ đời sống của người dân và doanh nghiệp. Lần này có thể gọi là gói hỗ trợ bổ sung với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế. Ông bình luận thế nào về tầm quan trọng của gói hỗ trợ này ở thời điểm hiện tại?

Đúng là có thể gọi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế lần này là gói hỗ trợ bổ sung. Tôi cũng nhấn mạnh thêm, để phát triển kinh tế ngoài Chương trình này, chúng ta vẫn đồng thời thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong các kế hoạch phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế và các chương trình, nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ theo Chương trình lần này có vai trò đặc biệt quan trọng đúng như tiêu đề của Chương trình.

Chúng ta đều biết dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, sức khỏe doanh nghiệp và nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2021 ở mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Suy giảm ở cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh trong khi đó, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm xuống và có 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2021.

"Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi, để thích ứng với thay đổi bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới".

Dịch Covid-19 bộc lộ một số điểm yếu của xã hội như năng lực y tế, lao động, việc làm, bền vững... đòi hỏi phải được khắc phục ngay.

Rõ ràng, nếu không có sự hỗ trợ thêm vào từ phía Nhà nước thì bản thân xã hội, doanh nghiệp, nền kinh tế khó trụ vững chứ chưa nói là ổn định đời sống, phục hồi và phát triển mạnh mẽ để bù đắp cho suy giảm năm qua, để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng chung.

Hoặc nếu không để có thể tự phục hồi thì chúng ta cũng sẽ lỡ nhịp với hoạt động kinh tế toàn cầu, với xu hướng phục hồi từ 2021 và đang dần ổn định. Như vậy, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa. Nói cách khác, phải có Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Đây có được xem như “chiếc phao” cứu sinh của nền kinh tế, vực dậy nền kinh tế sau đại dịch hay không?

Đúng là cần coi đây là "phao cứu sinh" nhưng không có nghĩa đây là "phao cứu sinh" cho mọi đối tượng (dàn trải), phao duy nhất và tự nó có thể cứu được.

Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm theo đối tượng, nhóm đối tượng nhất định, đặc biệt gắn với nhóm đối tượng cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển.

Hơn nữa, để phục hồi và vực dậy nền kinh tế, để "phao cứu sinh" này phát huy tác dụng tốt hơn thì đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp.

Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi, để thích ứng với thay đổi bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới.

Như chúng ta đã biết, việc suy giảm tăng trưởng, chậm phục hồi sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy kinh tế và an sinh xã hội: doanh nghiệp giải thể, phá sản, kinh tế không phát triển, đời sống người dân khó khăn, thất nghiệp, mất việc làm... và hệ lụy mặt trái kèm theo, tội phạm, bất ổn xã hội, suy thoái kinh tế theo phản ứng dây chuyền.

Theo tính toán của Chính phủ, nếu không có các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 5,4%/năm, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đặt ra (6,5-7%/năm); nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.

Ví dụ, thời gian quan việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng, đặc biệt trong năm 2021 (lần lượt là 3,22% và 3,1%). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc giảm 0,8 triệu người so với năm trước. Có hơn 28,2 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có 4,7 triệu người bị mất việc làm; 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập.

Dịch bệnh cũng khiến 1,3 triệu lao động và thân nhân di cư ngược lại khu vực nông thôn, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Văn hóa, xã hội, y tế, đời sống, sức khỏe và tinh thần của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi, để thích ứng với bối cảnh mới. (Nguồn: NLĐ)

Liệu doanh nghiệp có cơ hội gì, sẽ phục hồi thế nào từ gói hỗ trợ, theo ông?

Dự kiến Chương trình đưa ra 5 nhóm giải pháp về tài khóa, tiền tệ, bao gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Như vậy, doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ của Chương trình có cả cơ hội nhận hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. Đặc biệt, cơ hội gián tiếp dành cho mọi đối tượng doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp không thuộc phạm vi trực tiếp nhận hỗ trợ của Chương trình.

Hỗ trợ trực tiếp tập trung nhiều vào cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo điều kiện nguồn vốn cho doanh nghiệp, bao gồm: giải pháp cắt, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi...

Các tác động gián tiếp được tạo ra chính là cơ hội kinh doanh tốt hơn cho mọi doanh nghiệp. Ví dụ: cải cách thể chế sẽ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh (nhanh hơn, thuận lợi hơn). Mở cửa nền kinh tế chính là khôi phục lại cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Phát triển kết cấu hạ tầng không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn tạo ra hạ tầng thuận tiện cho hoạt động này.

Ông đánh giá thế nào về tính khả thi, tính hiệu quả khi triển khai gói hỗ trợ này?

Tính khả thi và hiệu quả, "khả năng hấp thụ" là mối quan tâm lớn nhất của các bên có liên quan trong suốt quá trình thiết kế, xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, gói hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ đồng nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân.

Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, khả năng hấp thụ, có hai vấn đề cần quan tâm khi Chính phủ ban hành và triển khai Chương trình sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ.

Thứ nhất, các điều kiện, trình tự, thủ tục để phân bổ và tiếp nhận các hỗ trợ phải được thiết kế đơn giản, phù hợp, công bằng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Tránh những bài học kinh nghiệm trong triển khai một số chính sách hỗ trợ trong thời trước đây.

Thứ hai, cần thiết lập một cơ chế tổ chức thực thi Chương trình hiệu quả, theo nguyên tắc tổng thể, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, kết hợp giám sát và hỗ trợ chuyên môn, đặc biệt gắn kết giữa Chương trình này với nhiệm vụ khác, như Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch.

Xin trân trọng cảm ơn ông!