PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc. |
Hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam đang được tuyên truyền và lan toả trên khắp cả nước. Ông đánh giá đâu là những giá trị đã làm nên tầm vóc của văn kiện được coi là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng ta?
Tôi cho rằng lịch sử càng lùi xa thì chúng ta càng có cơ hội nhìn nhận rõ hơn về giá trị lý luận và thực tiễn của nó. Có thể thấy, Đề cương văn hóa Việt Nam đã được cụ thể hoá và phát huy vai trò đến tận ngày nay và những giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, nổi bật là những nội dung lớn sau:
Đầu tiên, Đề cương tuy ngắn gọn nhưng đề cập một quan điểm rất cơ bản là phải coi văn hoá là một lĩnh vực hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy cách mạng phát triển, đặc biệt là cách mạng văn hóa.
Thứ hai, Đề cương nhấn mạnh, muốn thúc đẩy cách mạng thì phải quan tâm xây dựng và phát triển văn hoá hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Ra đời vào năm 1943 khi cách mạng chưa thành công nhưng Đảng ta đã đưa ra quan điểm hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa, cho thấy tầm nhìn của Tổng Bí thư Trường Chinh khi xây dựng văn kiện này.
Thứ ba, Đề cương xác định ba nguyên tắc cơ bản của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn này là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Theo đó, dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng” và khoa học hóa là “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”.
Ba nguyên tắc này dù trải qua nhiều năm đến nay vẫn là nguyên tắc chủ đạo cho con đường phát triển văn hóa của nước ta.
Những giá trị này đã được tiếp thu và vận dụng sáng tạo ra sao?
Thực tế, vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc có đưa ra quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, tiếp tục khẳng định vai trò và giá trị của văn hóa trong toàn bộ tiến trình của cách mạng và phát triển đất nước. Chữ “soi đường” cho thấy đánh giá cao của Người về tầm vóc của văn hóa với sự nghiệp của đất nước theo hướng tích cực và tiến bộ.
Bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng ta tiếp tục vận dụng sáng tạo những nội dung cơ bản của Đề cương đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa, thể hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết.
Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 đã ban hành Nghị quyết về Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đến Hội nghị Trung ương 9 khóa XI năm 2014 lại đưa ra một nghị quyết mới về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Năm 2021, Đại hội XIII của Đảng tiếp thu có sáng tạo những quan điểm trước đây khi đưa ra định hướng phát triển con người toàn diện và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, con người đóng vai trò chủ thể, là mục đích của phát triển văn hóa.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có bài phát biểu quan trọng nhắc lại những quan điểm này, đặc biệt chú trọng xây dựng chuẩn mực con người trong thời đại mới.
Theo ông, những tư tưởng tốt đẹp nào từ Đề cương cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong thời đại ngày nay?
Theo tôi, đó là việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ cho nhân dân và mang lại đời sống tinh thần tốt đẹp cho người dân.
Hội nghị Trung ương 9 khóa XI cũng đã đưa ra năm quan điểm về phát triển văn hóa, trong đó quan điểm đầu tiên rất quan trọng là: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Ngoài ra, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nền văn hóa tiên tiến nhằm đẩy lùi sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức trong xã hội.
Ông suy nghĩ gì khi một bộ phận giới trẻ ngày nay tỏ ra thờ ơ với lịch sử cũng như ít hiểu biết về nền văn hóa của dân tộc mình?
Phải khẳng định dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống văn hóa, như Nguyễn Trãi từng viết: Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu… Chữ “văn hiến” ở đây rất hay vì nó hội tụ cả văn hóa và học thức, cả đạo đức và cái đẹp.
Tuy nhiên, nền văn hóa của chúng ta phải vượt qua rất nhiều thách thức như hơn 11 thế kỷ bị thực dân phong kiến phương Bắc thống trị với chính sách đồng hóa văn hóa, đến thời thực dân đế quốc phương Tây vẫn tiếp tục có ý đồ này.
Hiện tại, không chỉ một bộ phận giới trẻ thờ ơ với lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống, mà nhiều người trong xã hội cũng chỉ quan tâm đến kinh tế hay chuyện làm giàu. Chúng ta đang có nhiều di sản văn hóa được thế giới vinh danh, nhưng lại có những người Việt không hiểu biết gì về những giá trị ấy…
Tôi cho rằng văn hóa gắn liền với tiến trình lịch sử, nên muốn hiểu biết về văn hóa đồng nghĩa phải nắm vững tiến trình lịch sử của dân tộc. Bác Hồ đã nhắn nhủ “Dân ta phải biết sử ta”, nên phải tập trung sửa chữa hạn chế này.
Sống trong thời đại hôm nay, chúng ta đón nhận sự giao thoa với văn hóa thế giới nhưng vẫn phải giữ gìn giá trị truyền thống, tiếp thu có chọn lọc và phát huy bản sắc của chính mình. Đây không chỉ là “sức mạnh mềm” quốc gia trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp, mà còn là động lực để củng cố niềm tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần yêu nước.