Muốn xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục cần bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của nhà quản lý. (Ảnh minh hoạ) |
Trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5/2021 về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành giáo dục, Thủ tướng có nêu yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật" là một nhiệm vụ trọng tâm, cần phải làm ngay của ngành giáo dục hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phải bắt đầu từ hoàn thiện thể chế, đây là việc phải làm và không ai làm thay được Bộ; lựa chọn một số việc cấp bách, khả thi, có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, có tác động lan tỏa mạnh mẽ để làm trước, làm dứt điểm; phải vươn lên mạnh mẽ, đổi mới tư duy quản lý.
Hiểu dạy thật, học thật thế nào cho đúng?
Dạy thật là dạy đúng, dạy đủ những kiến thức cần cung cấp cho học sinh để đạt mục tiêu bài học, môn học. Người dạy phải tận tâm, hỗ trợ nhiệt tình, giải đáp kịp thời những thắc mắc của người học để các em lĩnh hội được kiến thức.
Đồng thời, đảm bảo về chất lượng mọi mặt, luôn lấy chất lượng của học sinh làm đầu. Dạy thật cũng thể hiện rõ ở việc đánh giá xếp loại từng học sinh một cách công bằng và công tâm.
Học thật là học để hiểu biết, để làm, để khẳng định mình, học vì sự đam mê chứ không phải kiểu học để lấy điểm số cao, học để thi là xong nhiệm vụ như cách học của nhiều học sinh hiện nay.
Dạy thật, học thật còn thể hiện ở việc đánh giá thật chất lượng học sinh, mạnh dạn cho học sinh lưu ban khi chưa nắm được chuẩn kiến thức, kỹ năng lớp học. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc có tình trạng dạy và học hiện nay chưa được đánh giá là thật?
Nếu hỏi, giáo dục hiện nay đã đánh giá chất lượng thật hay chưa? Chắc chắn câu trả lời của nhiều người ngành giáo dục vẫn mang nặng căn bệnh thành tích. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy và học hiện nay bị đánh giá chưa thật thì căn bệnh "ngụy thành tích" trong giáo dục đã và đang được nhiều người nhận xét là căn nguyên số 1, là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục.
Thể hiện điển hình nhất là khi các chỉ tiêu chất lượng ở mỗi khối lớp luôn đạt mức tuyệt đối nhưng vẫn còn không ít tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp.
Không đơn thuần là học lớp 2, 3 mà trình độ chỉ ngang học sinh lớp 1. Dư luận đã từng phải ngỡ ngàng khi một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng phải quay trở lại lớp 1 vì không biết đọc, không biết viết.
Bản thân một giáo viên như tôi cũng từng có học sinh lớp 5 không biết đọc dù chỉ là đánh vần ê a. Những trường hợp đã được phản ánh cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong “tảng băng chìm”.
Khắc phục được căn bệnh nguỵ thành tích sẽ có ngay việc dạy thật, học thật. Tuy nhiên, làm được điều này không dễ bởi không chỉ phụ thuộc vào việc dạy của giáo viên hay việc học của học sinh, điều quan trọng và khó khăn nhất là thay đổi tư duy của người quản lý.
Giao chỉ tiêu ngất ngưỡng và nhìn số liệu để đánh giá
Kiểu giao chỉ tiêu và nhìn chỉ tiêu để đánh giá chất lượng giáo dục của một trường, đánh giá trình độ tay nghề của giáo viên đã tồn tại nhiều năm về trước. Vài năm trở lại đây, ngành giáo dục đã đổi mới cách đánh giá học sinh. Theo đó, điểm số không còn là vị trí độc tôn như trước, học sinh được đánh giá một cách toàn diện hơn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã luôn nỗ lực để xoá bỏ căn bệnh thành tích trong giáo dục bằng cách thay đổi việc đánh giá xếp loại học sinh, không đặt nặng áp lực về điểm số nhưng đánh giá học sinh một cách toàn diện theo hướng nhẹ nhàng hơn.
Đó là việc ra đời của Thông tư 30, Thông tư 22 sửa đổi bổ sung một số điều, Thông tư 27 đánh giá xếp loại học sinh theo chương trình mới.
Nhiều môn học không còn đánh giá về điểm số mà thay bằng “Đạt”, “Chưa đạt”; “Hoàn thành”; “Hoàn thành tốt”; “Chưa hoàn thành”. Tuy nhiên, cách đánh giá của nhiều nhà quản lý đối với các cơ sở giáo dục lại gần như không hề thay đổi. Vẫn là kiểu nhìn chỉ tiêu đánh giá chất lượng và quy chụp theo ý kiến chủ quan của mình.
Một số lãnh đạo ngành giáo dục địa phương không cần biết chất lượng đầu vào của mỗi vùng, mỗi trường học (thuận lợi, khó khăn) ra sao, cũng không cần biết giáo viên, nhà trường đã nỗ lực giảng dạy thế nào, chỉ cần trường nào đạt chỉ tiêu cao sẽ được khen, trường nào chỉ tiêu thấp sẽ bị nêu tên và nhắc nhở.
Một số lãnh đạo luôn mặc định sẵn, chỉ tiêu đạt cao là chất lượng học sinh tốt, là trường học chất lượng, là giáo viên giảng dạy tích cực. Chỉ tiêu đạt thấp hơn là nhà trường chỉ đạo chuyên môn chưa sát, giáo viên chưa chú trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Trong cuộc họp tổng kết chất lượng giáo dục của huyện tôi mới đây, trường học nơi tôi giảng dạy đã bị liệt vào vào tốp những trường học có chất lượng giảng dạy kém nhất toàn địa phương. Kết luận này đã được cấp trên rút ra sau khi so sánh chỉ tiêu đạt được về kết quả giáo dục giữa nhiều trường học trong địa bàn.
Đây không phải lần đầu trường học nơi tôi giảng dạy bị xếp cuối “bảng xếp hạng” chất lượng giáo dục của toàn thị xã. Là giáo viên trong trường, tôi hiểu rất rõ vì sao trường học nơi tôi giảng dạy chỉ tiêu chất lượng học tập của học sinh không thể đạt tới ngưỡng 99% trở lên như nhiều trường học khác. Đó là việc, nhà trường luôn đặt chất lượng học sinh lên hàng đầu, tuyệt đối không cho lên lớp những học sinh có lực học còn yếu, kém.
Ngành giáo dục đã thay đổi cách đánh giá, điểm số không còn là vị trí độc tôn như trước, học sinh được đánh giá một cách toàn diện hơn. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật) |
Áp lực "đè nặng" giáo viên
Một số hiệu trưởng nhà trường đã chia sẻ, khi bị cấp trên nhắc nhở trong cuộc họp do chỉ tiêu chất lượng đạt thấp cũng thấy "nhột" với nhiều đơn vị khác.
Không thể thanh minh kiểu “trường đạt chỉ tiêu thấp vì giáo viên đánh giá chất lượng thực chất, là dạy thật, học thật, như thế chẳng hoá ra nói những trường học đạt chỉ tiêu gần tuyệt đối 99,7% trở lên là dạy chưa thật hay sao? Lấy gì để chứng minh điều này”?
Tôi lại nhớ đến chuyện một hiệu trưởng của mình đã rất quyết liệt trong việc đánh giá chất lượng thật. Sau khi thống kê các khối lớp, số lượng học sinh rất yếu của cả trường lên đến vài chục em, nhà trường đã nỗ lực phân công giáo viên, cả ban giám hiệu cũng chung tay dạy kèm hỗ trợ học sinh mỗi ngày để cuối năm các em có thể vượt lên ngưỡng trung bình.
Thế nhưng, sau bao nỗ lực của tập thể nhưng nhiều học sinh vẫn rất khó cải thiện lực học. Không thể để lưu ban một trường lên đến vài chục em nên nhà trường cũng đành đưa giải pháp cứ đánh giá học sinh ở mức đạt và giáo viên tiếp tục hỗ trợ vào thời gian hè.
Ai cũng ngầm hiểu rằng, những học sinh này muốn học tốt phải được ở lại lớp một năm, còn việc hỗ trợ thêm thời gian Hè cũng chỉ là giải pháp tình thế, chắc chắn chất lượng của các em vẫn khó được cải thiện.
Dù thế, học sinh vẫn không thể ở lại lớp. Nó sẽ kéo theo biết bao hệ luỵ như bị đánh giá, bị quy chụp là dạy kém, nhà trường sẽ mất chuẩn phổ cập, mất chuẩn quốc gia, mất thi đua của trường, của lãnh đạo và của nhiều giáo viên.
Chưa dừng lại đó, còn kéo theo chuẩn phổ cập của cả địa phương, chất lượng chung cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Bao áp lực bủa vây để giáo viên không được dạy thật, dẫn đến không thể đánh giá thật và kéo theo học sinh cũng không được học thật.
Để đạt được những chỉ tiêu cao thế, thầy cô phải dùng “thủ thuật” giúp trò hoàn thành nội dung kiến thức bằng cách mớm đề kiểm tra, coi kiểm tra dễ, cho đề cương ôn tập sát sườn (kiểu kiểm tra gì chỉ học mỗi nội dung đó).
Phải xóa bệnh thành tích trong giáo dục
Muốn dạy thật, học thật phải xóa bỏ được bệnh thành tích trong giáo dục. Khi nói xóa bỏ bệnh thành tích, nhiều người vẫn thường tập trung vào giáo viên, vào nhà trường mà quên mất rằng với cách đánh giá nhìn chỉ tiêu phán chất lượng của nhiều lãnh đạo ngành giáo dục địa phương hiện nay đã buộc giáo viên, buộc nhà trường luôn duy trì căn bệnh thành tích.
Vì thế, muốn xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục cần bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của nhà quản lý rồi mới đến giáo viên và nhà trường.
Cùng với đó là việc không giao chỉ tiêu cao ngất ngưởng vào đầu mỗi năm học mà dựa trên chất lượng đầu vào của các lớp, các trường mới đưa ra chỉ tiêu phấn đấu.
Khuyến khích giáo viên, nhà trường biết chấp nhận kết quả thật để nỗ lực phấn đấu trong việc biết giúp đỡ, kèm cặp học sinh. Sau tất cả sự cố gắng, nếu học sinh nào vẫn không thể theo kịp cần mạnh dạn cho các em được ở lại lớp mà không sợ phải khống chế vào một chỉ tiêu cụ thể nào.
* Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.