TIN LIÊN QUAN | |
Giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ | |
Hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản |
Doanh nghiệp (DN) nào không thay đổi, không có chiến lược tiếp cận AI sẽ khó tồn tại trong thị trường toàn cầu có tính cạnh tranh cao.
AI (Artificial Intelligence) có thể được hiểu như một hệ thống các thuật toán được lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa mô phỏng các hành vi thông minh của con người. Mục tiêu của AI là tối ưu hóa những quyết định và chọn lựa trên nền tảng dữ liệu lớn (Big Data).
Sức mạnh của dữ liệu và trí tuệ nhân tạo
Theo số liệu của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) cứ 2 năm dung lượng dữ liệu được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, chỉ có 0,5% tổng số dữ liệu được sử dụng. Mục tiêu của việc phân tích dữ liệu là nhằm tìm ra những thông tin đáng giá, bổ trợ cho quá trình ra quyết định của lãnh đạo DN, qua đó nâng cao hiệu suất hoạt động tương lai của DN.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng tất yếu để tạo sự khác biệt cho doanh nghiệp. |
Các lĩnh vực sử dụng AI phổ biến hiện nay là quảng cáo, nhắm đến các đối tượng khách hàng (Facebook, Google), chẩn đoán y tế, thương mại điện tử (Amazon, Lazada, Tiki), cước phí dịch vụ di chuyển (Grab)... AI cũng đã bắt đầu phát huy giá trị tích cực trong các lĩnh vực y tế, bán lẻ, giải trí, bất động sản.
Còn tại Việt Nam, người dùng đã biết đến AI từ những ứng dụng rất nhỏ như máy ảnh tự nhận diện khuôn mặt, trợ lý ảo trên điện thoại, robot Nano của FPT, Zalo Brain và Zalo Assistant của VNG… AI được tích hợp vào các ứng dụng, sản phẩm để đáp ứng những nhu cầu riêng của khách hàng, từ đó đem lại những trải nghiệm tốt hơn, thu hút thêm khách hàng, hỗ trợ hoạt động hiệu quả và gia tăng lợi nhuận hơn cho DN.
Ngoài ra, DN hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, hàng hải, bất động sản và khai thác mỏ có thể áp dụng công nghệ phân tích video để phát hiện các xâm nhập bất thường, xác định những đối tượng bị bỏ lại, đánh giá mật độ di chuyển giao thông, nhận diện khuôn mặt và danh tính.
Theo Giáo sư Andrew Ng tại ĐH Stanford (Mỹ), AI có khả năng làm thay đổi toàn bộ các ngành công nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, 99% giá trị gia tăng thông qua AI được thực hiện bằng phương pháp kết nối đầu vào và đầu ra, còn gọi là phương pháp học tự động hay kiểm soát.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Anh và Đức là những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI. Với khoảng hơn 1.000 DN AI và trên 10 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm vào AI, Mỹ đang trở thành một siêu cường trong lĩnh vực này, cả về đầu tư và nghiên cứu. Lượng vốn đầu tư vào AI cũng tăng vọt trong những năm gần đây. Theo báo cáo của công ty tư vấn KPMG, năm 2017, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư 12 tỷ USD vào AI ở Mỹ, tăng 100% so với năm 2016. Ở Trung Quốc, tổng vốn đầu tư tính đến năm 2017 lên đến trên 40 tỷ USD, cùng với mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới về AI hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Doanh nghiệp Việt ở đâu trong sân chơi AI?
Khảo sát Top 500 DN lớn nhất Việt Nam và Top 500 DN tăng trưởng và thịnh vượng Việt Nam do Vietnam Report thực hiện vào tháng 4-5/2018 cho thấy, 62,5% trong tổng số DN khảo sát đang thực hiện thay đổi từng bước. Trong Top 5 ứng dụng công nghệ mà DN Việt Nam ưu tiên lựa chọn để đầu tư, đa số hướng đến Big Data và Điện toán đám mây.
Riêng về việc nghiên cứu áp dụng các ứng dụng AI, các DN lớn của Việt Nam đều mong đợi AI sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành; tăng năng suất và tạo ra những sản phẩm/dịch vụ được cá nhân hóa và có chất lượng cao hơn. Tuy vậy, mới chỉ có 13,6% DN tham gia khảo sát cho biết đã đầu tư vào AI trong một số hoạt động.
Theo Vietnam Report, 53,1% số DN được khảo sát chọn đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng kỹ thuật số, đổi mới danh mục sản phẩm và dịch vụ; 53,1% DN hỗ trợ khách hàng tiếp cận đến sản phẩm, hỗ trợ kênh phân phối bán hàng và marketing; 40,6% DN phát triển sản phẩm và kỹ thuật; 50% DN có dự định hoặc đã đầu tư cho AI. DN hy vọng những lợi ích mà AI mang lại như: giảm thiểu chi phí vận hành, tăng năng suất nhờ các lĩnh vực đòi hỏi trí tuệ và tạo ra những sản phẩm/dịch vụ được cá nhân hóa và/hoặc có chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, có một khoảng cách lớn giữa nhu cầu phân tích dữ liệu để tìm ra thông tin và khả năng chuyển hóa các thông tin này thành hành động.
Theo báo cáo Công nghiệp 4.0 của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) năm 2017, 74% người tham gia khảo sát cho biết, DN của họ không có khả năng phân tích dữ liệu chuyên sâu và chỉ 14% cho biết DN của họ có bộ phận phân tích dữ liệu riêng phục vụ cho nhiều phòng ban khác nhau. Trong khi đó, thiếu nguồn lực và nhân lực chuyên môn cao để quản lý hệ thống phân tích dữ liệu, yêu cầu chi phí đầu tư cao và lo ngại về bảo mật dữ liệu là những rào cản chính khiến DN chưa thể thành công trong tích hợp hệ thống phân tích dữ liệu và AI vào hoạt động của tổ chức.
Có thể phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện khả năng này, tuy nhiên, DN có thể áp dụng các công cụ và phương pháp có sẵn trên thị trường, để tiếp tục hành trình khai phá toàn bộ nguồn sức mạnh của dữ liệu. Một chiến lược trung dài hạn cho việc ứng dụng AI là cần thiết. Theo đó, DN cần tổ chức lại cơ sở dữ liệu hiện có, thu thập thêm thông tin nhưng phải theo các quy định pháp lý liên quan về quyền riêng tư, từ đó tổ chức phân loại thông tin, tạo một cơ sở dữ liệu tốt nhất có thể; tiếp đến, cần xác định rõ mục tiêu ứng dụng AI để làm gì, cho một tác vụ cụ thể, để từ đó đưa ra yêu cầu xây dựng thuật toán và dữ liệu đầu vào phù hợp.
Cuộc chơi AI đang ngày một sôi động trên thế giới và đã bước đầu gõ cửa Việt Nam, trong đó các DN Việt không thể đứng ngoài. Với tiềm năng rất lớn về nhân lực công nghệ thông tin hy vọng DN Việt không lỡ “chuyến tàu AI” này của Cách mạng 4.0.
Alibaba hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường toàn cầu Ngày 24/7, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB đã ký kết hợp tác với AliExpress – sàn giao ... |
Hợp tác là cách tốt nhất khi bị kiện Đối mặt với biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế. |
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? Không còn là những “đòn gió” trong cuộc chiến thương mại toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bước vào một cuộc chiến ... |