Tham dự Tọa đàm có Lãnh đạo các tỉnh, thành cùng gần 120 đại biểu thuộc 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Về phía Nhật Bản, tham dự Tọa đàm có Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai, Lãnh đạo Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBA) tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển nhanh chóng, ngày càng sâu rộng và toàn diện trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp độ. Nhật Bản và Việt Nam cần chú trọng phát huy tối đa lợi thế nhằm bổ sung cho nhau, tăng cường hơn nữa tính kết nối giữa hai nền kinh tế, kết hợp với thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như nông – lâm – ngư nghiệp, hợp tác giữa các địa phương.
Nhất trí với ý kiến của Quyền Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, Công sứ Nhật Bản Katsuro Nagai cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hợp tác song phương đang phát triển rất tốt đẹp, việc thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ và lâu dài với các địa phương của Việt Nam, nhất là với các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa là mối quan tâm của Nhật Bản để quan hệ hai nước thực sự đi vào chiều sâu.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. |
Tại buổi tọa đàm, Đại diện cho JETRO, Giám đốc Naoki Takeuchi cũng khẳng định, vai trò chủ động của các địa phương Việt Nam có tính quyết định trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại với các đối tác Nhật Bản, cũng như các nhà đầu tư khác.
Đồng tình với ý kiến này, Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết: Theo thống kê từ các Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Nhật Bản, kết quả của các cuộc gặp gỡ, xúc tiến đầu tư, thương mại do các địa phương tổ chức tại Nhật Bản phụ thuộc lớn vào sự chủ động của các địa phương. Các cuộc kết nối thực sự có hiệu quả và các địa phương đều đạt được mục đích nếu thực sự chủ động và có sự phản hồi nhanh chóng sau mỗi buổi làm việc. Các đối tác nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản thường kỹ tính, bởi vậy họ luôn đánh giá cao sự chủ động, nhiệt tình của đối tác làm ăn".
Tại buổi tọa đàm, các địa phương, đại diện các cơ quan phát triển và các đối tác Nhật Bản đã trao đổi ý kiến tích cực và sôi nổi, tập trung vào những định hướng phát triển, dự án kêu gọi đầu tư, cũng như những ưu đãi sẽ dành riêng cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Mỗi địa phương đều có những thế mạnh riêng, nhưng nhu cầu kết nối đều vì một mục tiêu chung là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội bền vững của các địa phương. Đó cũng là mục tiêu mà Tọa đàm “Gặp gỡ Nhật Bản” hướng tới.
Đại diện các cơ quan hợp tác Nhật Bản cũng chia sẻ những ưu tiên trong hợp tác của Nhật Bản với các nước trong đó có Việt Nam, các mô hình hay để khai thác tốt hợp tác sẵn có cũng như những vấn đề cần quan tâm trong hợp tác với Nhật Bản. Đồng thời, các bên cũng đi sâu trao đổi về những khía cạnh hợp tác cụ thể, chia sẻ những kinh nghiệm, gợi ý những cách thức để quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu để những nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản thực sự "bắt rễ" được tới từng địa phương.
Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển với ưu thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Còn Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nguồn tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào và một thị trường đầy tiềm năng. Hai bên đều chú trọng phát huy tối đa lợi thế để bổ trợ lẫn nhau, tăng cường hơn nữa tính kết nối giữa hai nền kinh tế, kết hợp với thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như đào tạo nhân lực, nông nghiệp, hợp tác địa phương.
Các đại biểu trao đổi bên lề Tọa đàm. |
Cũng trong năm 2015, “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” đã được ký kết, tạo nền móng và mở ra triển vọng thúc đẩy toàn diện hợp tác nông nghiệp hai nước, giúp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện góp phần nâng cao đời sống của người nông dân Việt Nam.
Trong bối cảnh các liên kết kinh tế khu vực mà Việt Nam và Nhật Bản đều tham gia như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đang dần trở thành hiện thực, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội mới trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
Thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, tiếp cận, thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ, lâu dài giữa các địa phương của Việt Nam, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn, với Nhật Bản là một trong những hoạt động rất quan trọng.
Buổi tọa đàm đã thực sự gợi mở những suy nghĩ, cách làm mới trong hợp tác với đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu là Nhật Bản. Đây được coi là cách làm sáng tạo của xúc tiến đầu tư thương mại tại chỗ trong bối cảnh hiện nay
Hơn 40 năm qua, quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng phát triển và đạt được những bước tiến dài quan trọng. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng, ngày càng sâu rộng và toàn diện trên mọi lĩnh vực và ở mọi cấp. Không chỉ về quan hệ chính trị - ngoại giao, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam khi luôn là nhà tài trợ ODA lớn nhất trong hơn 20 năm qua. Trong năm 2015, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết cung cấp vốn vay ODA với tổng giá trị 310 tỷ Yên cho Việt Nam. Đây là con số ODA cao nhất kể từ năm 1992, đưa tổng vốn vay ODA đến nay đạt 29,5 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế và các nước. Các dự án ODA của Nhật Bản đóng góp to lớn vào việc hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam, trong đó phải nhắc đến cầu Nhật Tân, Nhà ga Quốc tế T2 Nội Bài. Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu với tổng vốn đăng ký gần 39 tỷ USD cho 2.788 dự án đang hoạt động kinh doanh và là đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2015 ước đạt gần 30 tỷ USD. |
Minh Anh Ảnh: Minh Châu