📞

Để homestay không bị thương mại hóa

12:38 | 28/04/2009
Đa số du học sinh chưa đến 18 tuổi chọn hình thức homestay trong khoảng thời gian đầu đi du học. Buồn vui chuyện ở trọ cùng với gia đình chủ nhà ra sao tùy thuộc vào cách sống của cả hai phía.

Ngôi nhà thứ hai nơi đất khách

 

16 tuổi, Thy Minh chân ướt chân ráo đến Melbourne trong những ngày mà số lượng học sinh Việt Nam đi du học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gia đình Minh nhờ trung tâm tiếng Anh tìm giúp một nhà homestay để gửi gắm cô con gái cưng. Số phận đã mỉm cười với Minh khi cô được gia đình nhận về tận tình chăm sóc, xem như con gái của họ...

 

Thời gian đầu, Minh căng thẳng lắm. Hở thời gian rảnh rỗi là gọi điện thoại về nhà.

 

Ấy vậy mà rồi những con người thuộc các nền văn hóa tưởng chừng như quá khác biệt ấy đã xích lại gần nhau. Những bỡ ngỡ, ngại ngần ban đầu dần trôi qua, họ đặt niềm tin vào nhau, cùng sống hòa thuận, thương yêu dưới một mái nhà. Trong hai năm đầu, gần như mẹ nuôi đi đâu cũng dẫn Minh theo, tận tình chỉ bảo cho cô biết mọi thứ mới mẻ ở xứ sở chuột túi này, từ Phillip Island, Great Ocean Road cho đến Sydney hay Tasmania.

 

Những cử chỉ thân thiện, sự quan tâm xuất phát từ tình cảm chân thật của mẹ nuôi đã giúp Minh dần nguôi đi nỗi nhớ nhà. Cô nhớ những ngày bị thủy đậu, phải ở cách ly trong phòng, mọi người không dám tiếp xúc vì sợ lây. Nhưng chính mẹ nuôi đã tự tay nấu đồ ăn mang đến tận phòng cho cô...

 

Minh học rất nhiều từ cuộc sống chung với người mẹ Australia gốc Hy Lạp này. Cô con gái ruột của mẹ nuôi nhiều lúc ganh tị vì mẹ đôi khi quan tâm nhiều đến cô gái đến từ phương xa. Thế nhưng bà luôn cư xử theo lý lẽ, theo cái đúng chứ chẳng hề thiên vị bên nào. Cứ thế, cả hai cô cùng lớn dần lên trong sự chỉ bảo tận tình của mẹ, trở thành bạn thân từ lúc nào chẳng rõ. 8 năm trôi qua, ngoài lợi thế tất yếu là tăng cường khả năng tiếng Anh, Minh học được cả tính quy củ, ngăn nắp và đặc biệt là tôn trọng quyền riêng tư của người khác. Buổi tối lúc nào cũng yên lặng để mọi người học hành và làm việc. Vào phòng đóng cửa lại, Minh có cả một thế giới riêng của mình.

 

Sau này, khi đã dọn ra ngoài để tiện cho công việc, Minh vẫn về thăm nhà mẹ nuôi hàng tháng. Cô tâm sự: “Giờ mình có khó khăn gì, chỉ cần nói một tiếng, họ sẵn sàng giúp đỡ. Giả dụ mình không có nhà ở thì chỉ cần trở về nhà cũ, nơi vẫn luôn dành cho mình một căn phòng đầy đủ tiện nghi, có cả góc nhà nơi đặt cây đàn piano của mình”.

 

Cho đến bây giờ, Minh vẫn tự nhận mình là một trong số rất ít du học sinh may mắn khi gặp được một gia đình nuôi tốt đến vậy.

 

“Đổi màu” homestay

 

Gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế là xu thế nhà nhà du học, người người du học. Lượng du học sinh đến các nước châu Âu, Mỹ ngày càng tăng nhanh, tạo nguồn thu quan trọng cho nền kinh tế châu Âu và lĩnh vực giáo dục của các quốc gia này. Các gia đình chủ nhà cũng do vậy mà dần nghiêng về khuynh hướng thương mại nhiều hơn, giảm dần sự chăm lo chu đáo. Không hiếm gia đình chủ nhà tìm mọi cách lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các du học sinh, tìm cách giới hạn mối quan hệ của du học sinh với cộng đồng người Việt, thậm chí nặng hơn là tìm cách ăn chặn tiền đặt cọc khi các bạn chuyển ra ngoài.

 

Thời điểm đầu của dòng chảy du học từ châu Á sang châu Âu, các chủ nhà mới bắt đầu công việc cho sinh viên nước ngoài ở chung nên cũng rất hào hứng. Sau thời gian rất dài liên tục nhận du học sinh cũng khiến họ mỏi mệt và xem chuyện này không còn thú vị nữa. Bên cạnh đó, lý do homestay không còn “tình cảm như bát nước đầy” cũng đến từ chính sự mau quên của các du học sinh. Hầu hết các sinh viên ngoại quốc sau khi chuyển nhà, cho dù trước đó hai bên có quan hệ rất tốt nhưng cũng gần như không về thăm lại gia đình chủ nhà nên họ cũng thấy chán.

 

Với những du học sinh ở nhà của người bản xứ, một bài học kinh nghiệm đáng quý là phải thực sự hòa mình vào văn hóa gia đình chủ nhà, sẵn lòng giúp đỡ họ khi cần thiết, tham gia các việc lặt vặt trong nhà để cùng thể hiện sự quan tâm và săn sóc lẫn nhau. Khi đó, mình mới thật sự trở thành một thành viên thân thiết của gia đình.

 

Nguyễn Ngọc