📞

Để người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm của ngoại giao kinh tế

An Sinh 10:00 | 01/05/2023
Sự nghiệp hội nhập quốc tế của Việt Nam đang bước vào giai đoạn sâu rộng, toàn diện với việc thực thi các cam kết kinh tế quốc tế trên nhiều tầng nấc, trong đó có những cam kết FTA thế hệ mới tiêu chuẩn và trình độ cao.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại địa phương. (Ảnh: Tuấn Anh)

Khác với các giai đoạn trước, hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có cách suy nghĩ mới, cách làm mới.

Đó là đổi mới tư duy về hội nhập quốc tế, từ “tham gia” sang “chủ động và tích cực đóng góp, đề xuất các sáng kiến” để xây dựng “luật chơi” chung.

Thực tiễn đó đã và đang đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới, đòi hỏi các cấp, bộ, ngành ở Trung ương cũng như địa phương cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực hội nhập sâu rộng hơn trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống người dân; bảo đảm ổn định chính trị-xã hội của địa phương, của cả nước.

Thiết thực thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác Ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển đất nước đến năm 2023, Bộ Ngoại giao đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP, cụ thể hóa phương châm lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm của NGKT.

Theo đó, Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường các hoạt động làm việc của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, các Trưởng cơ quan đại diện với các địa phương và doanh nghiệp; tích cực triển khai kết quả, cam kết của các chuyến thăm, làm việc. Tham mưu, hỗ trợ các địa phương tham gia thực chất hiệu quả các hoạt động đối ngoại, các chuyến thăm cấp cao để thiết lập hợp tác và đạt các kết quả, dự án cụ thể.

Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai nhiều biện pháp và các chương trình hành động khác như: Nâng cao chất lượng góp ý, hỗ trợ các địa phương xây dựng, triển khai các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội để phát huy đặc thù, thế mạnh của địa phương, thúc đẩy tính liên kết vùng giữa các địa phương, triển khai các nghị quyết của Bộ chính trị về phát triển các vùng kinh tế động lực;

Hỗ trợ các địa phương biên giới hợp tác với các tỉnh tiếp giáp trong phát triển kinh tế theo các cặp tỉnh, xây dựng khu biên giới hợp tác và phát triển. Tạo điều kiện để các địa phương đăng cai các sự kiện, hội nghị đa phương quy mô khu vực và toàn cầu;

Tăng cường thông tin cảnh báo, tham mưu địa phương, doanh nghiệp về diễn biến, xu hướng kinh tế thế giới, thay đổi chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư, các rào cản, quy định kỹ thuật của các nước, nhất là các quy định mới về tăng trưởng xanh, trách nhiệm xã hội có tác động trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp;

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các cam kết kinh tế quốc tế, nhất là các cam kết FTA và trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực;

Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận các tư duy phát triển, tri thức quản trị tiên tiến; quảng bá thương hiệu sản phẩm; khai thác hiệu quả, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và thiết lập, mở rộng đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài; thu hút đầu tư chất lượng cao và các nguồn tài chính phục vụ tăng trưởng xanh, bền vững. Nâng cao hiệu quả hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong thẩm tra-xác minh đối tác và giải quyết các vướng mắc trong hợp tác, kinh doanh quốc tế. Đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao năng lực triển khai NGKT của đội ngũ cán bộ địa phương, doanh nghiệp.

Bằng chứng thành công từ đổi mới tư duy đến quyết liệt hành động trong hội nhập quốc tế có thể kể đến nhiều địa phương, trong đó tiêu biểu như tỉnh Quảng Ninh-địa phương sáu năm liền giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Trong buổi làm việc về công tác hội nhập quốc tế, triển khai công tác đối ngoại địa phương, công tác biên giới-lãnh thổ với Bộ Ngoại giao mới đây, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại là nguồn lực quan trọng, có thời điểm là đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần giúp Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng.

Trong thời gian tới, tiếp tục tận dụng sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Quảng Ninh xác định đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phục vụ hội nhập quốc tế, chủ động đưa công tác NGKT thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ tốt hơn mục tiêu phát triển của địa phương.