Đó là chia sẻ của MC Trịnh Lê Anh - Trưởng đoàn Việt Nam năm nay với TG&VN, sau khi kết thúc hải trình 52 ngày đêm của SSEAYP 2016 (diễn ra từ ngày 25/10-15/12).
Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự SSEAYP 2016. (Ảnh: NVCC) |
Với tư cách là trưởng đoàn Việt Nam, anh có thể chia sẻ cảm xúc, trải nghiệm mới mẻ về hành trình năm nay?
Hành trình SSEAYP 2016 không nhiều thay đổi về cách thức tổ chức, nội dung chương trình tại các điểm đến cũng như trên tàu. Nhưng cảm xúc của tôi vẫn rất đặc biệt, được khám phá và tái khám phá những trải nghiệm riêng của chương trình này là niềm mong ước của hầu hết các thành viên và cựu thành viên.
Với tư cách là cựu thành viên và là trưởng đoàn năm nay, tôi trải nghiệm hành trình ở một ví trí nhiều trách nhiệm và niềm vinh dự hơn, vất vả hơn nhưng cũng sâu sắc hơn. Thêm một điểm đến mới trong hành trình là Singapore (so với năm 2008 mà tôi từng tham gia) cũng là một khám phá mới.
Ngoài ra, trở lại Indonesia, tôi vô cùng ấn tượng trước màn trình diễn đàn Angklung của chính hơn 300 người trong hành trình khi mà trước đó 15 phút hầu hết không biết cách chơi cây đàn này. 8 năm trước tôi đã ghi nhật ký đây là màn trình diễn ấn tượng nhất trong hành trình. Lần này, mặc dù biết những gì sẽ diễn ra nhưng tôi vẫn rất xúc động. Phải chăng đó là “lửa SSEAYP”?
Anh đánh giá thế nào về các đại biểu của đoàn Việt Nam, đặc biệt là khả năng hội nhập quốc tế?
Năm nay đoàn Việt Nam gồm 28 thanh niên ưu tú ở nhiều lĩnh vực. Tài năng, trách nhiệm, gắn bó, chia sẻ, cống hiến là những từ biểu đạt khá rõ về Đoàn năm 2016. Tôi nghĩ chính điều này giúp cho các bạn trẻ hội nhập quốc tế dễ dàng hơn. Các bạn khiến tôi thấy ngỡ ngàng về tài năng cũng như thành tích vượt trội của mình.
Tôi hoàn toàn hài lòng với Đoàn đến thời điểm này. Có những khó khăn, có những vất vả, có những lúc tranh luận gay gắt, có những lúc phải nhắc nhở nhau nhưng rồi sau tất cả, chúng tôi - 28 thành viên và lãnh đạo quốc gia đã thực sự trở thành một đội.
MC Lê Anh trên hành trình 52 ngày đêm của SSEAYP 2016 (Ảnh: NVCC) |
Được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ từ các nước, nhận xét của anh về những điểm mạnh, điểm yếu của bạn trẻ Việt Nam khi sống tập thể? Thông qua hành trình này, có cách nào “uốn nắn” những điểm yếu đó không, thưa anh?
Theo như tôi nhận thấy thì điểm mạnh của các bạn trẻ là sự năng động, nhanh nhạy, thông minh, dám nghĩ dám làm, hoà đồng, có nhiều tài lẻ, tiếng Anh tốt... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những điểm yếu như thiếu tính kiên trì, sức chịu đựng, chưa bền bỉ, dẻo dai với lịch trình dày đặc, thêm nữa là kỷ luật thời gian vẫn yếu.
Nói chung, theo quan sát của tôi, thanh niên Việt Nam tham gia các sinh hoạt tập thể còn tồn tại một số hạn chế về nhận thức và hành vi như mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, hay các quyết định của người có trách nhiệm...
Thế nên tôi phải chủ động áp dụng các phương pháp quản lý đoàn nghiêm ngặt, sau một thời gian mọi người đã thích nghi và hoàn toàn thoả mãn với phương thức quản lý hiện tại. Nó giúp các bạn thanh niên Việt Nam làm việc, sinh hoạt, giao lưu có tổ chức hơn mà vẫn tình cảm, kết nối được sâu rộng với bạn bè quốc tế và bản thân nội bộ anh em trong đoàn. Chúng tôi đã từng nói đến nhau như trong một gia đình, mắt rưng rưng xúc động...
Các bạn trẻ dù có nền tảng kiến thức, hành trang khá tốt nhưng SSEAYP là một trải nghiệm mới mẻ và nhiều cam kết. Ở một chừng mực nhất định hầu như các thành viên chưa từng trải qua nên rất cần một trưởng đoàn có kinh nghiệm để dự đoán trước những khó khăn, tồn tài đó để có giải pháp phù hợp. Nếu được hướng dẫn, chỉ bảo tận tình và có phương pháp, các bạn sẽ tuân thủ rất tốt các quy định của chương trình.
Hành trình giúp các bạn trẻ trưởng thành hơn. (Ảnh: NVCC) |
Chắc hẳn SSEAYP 2016 không thể thiếu được những kỷ niệm đáng nhớ, phải không anh?
Những kỷ niệm trong hành trình này rất nhiều và đều đáng nhớ. Nhưng tôi nhớ nhiều những lúc đoàn đội mưa rét mùa Đông Nhật Bản để lên boong tàu thực hiện những cảnh quay cuối cho cuốn phim giới thiệu về hành trình, để từ đó, công chúng có thể hiểu hơn về chương trình SSEAYP 2016 và những đóng góp của đoàn Việt Nam. Hay cái cảm giác mấy trăm thanh niên quốc tế cùng hoà giọng "à ơi ơi à" trong bài hát chủ đề "Enchanting Vietnam" trong đêm văn hoá quốc gia mà toàn chương trình dự xem đoàn Việt Nam biểu diễn, thật tuyệt vời...
Càng đi nhiều, đến nhiều nơi, đặt chân trên nhiều mảnh đất mới, chúng ta càng hiểu mình và hiểu người hơn. Vì mong muốn các bạn trẻ trải nghiệm, tìm hiểu những cái mới lạ nên những ngày đầu trên tàu, tôi niêm phong nhà kho đoàn Việt Nam để các bạn không lấy được mỳ gói, đói thì phải xuống bếp và tự thử nghiệm món mới.
Tôi nghĩ, nếu không thử điều mới mẻ thì làm sao biết được mình có thích không, có phù hợp không? Rất may, SSEAYP đã cho những trải nghiệm khác, không dùng internet, tham gia homestay thì cùng nấu nướng, làm vườn…
Chính những trải nghiệm mới mẻ này đã giúp các bạn trẻ trưởng thành hơn, bớt chìm đắm trong thế giới ảo, hiểu rõ bản thân cũng như trân trọng giá trị cuộc sống thật hơn.
Khi các bạn trẻ nói về "bản sắc dân tộc", về "quốc tế hóa", anh có suy nghĩ gì?
Các bạn có nhiều suy ngẫm và phát biểu đáng coi trọng, cá nhân tôi cũng học được nhiều từ các bạn ấy. Bản sắc dân tộc là điều khó nhận ra khi không ở môi trường đa văn hoá. Thế nên cũng có thể chia sẻ khi một số bạn trẻ suy nghĩ chưa phù hợp về vấn đề này. Tuy nhiên, người trẻ là người linh hoạt và thông minh, họ sẽ luôn có xu hướng lựa chọn những quan điểm tiếp cận tiến bộ nhất cho ý thức của mình.
Với riêng mình, tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ: "Để nhận diện bản sắc dân tộc, cần và nên trải nghiệm thực tế". Từ vấn đề dân tộc cũng có thể đoán nhận phần nào cách nghĩ và cách các bạn nói về quốc tế và quốc tế hoá!
Phải chăng trong hành trang hội nhập quốc tế, ngoài ngoại ngữ, kỹ năng thì còn bao gồm cả những giá trị nguồn cội của dân tộc?
Người Nhật luôn lấy những điều nhỏ nhất hay phức tạp nhất để trân quý. Đôi guốc của họ cao lênh khênh, mặc bộ Kimono mất cả tiếng nhưng họ vẫn vui vẻ, tươi cười. Các bạn nữ đạo Hồi tuyệt đối không bắt tay nam giới và điều đặc biệt là họ luôn thẳng thắn chia sẻ về nét riêng biệt ấy. Hay kỷ luật của đoàn Indonesia khá hà khắc, họ thức khuya dậy sớm nhưng không một tiếng kêu ca. Trong khi đó, khi yêu cầu một bạn Việt Nam mặc bộ áo dài trong vài phút để đón khách thì đôi lúc còn than thở. Vì thế, mỗi chúng ta phải học cách nhìn người và nhìn lại mình để trưởng thành hơn.
Theo tôi nghĩ, những giá trị nguồn cội của dân tộc phải là cốt lõi. Khi bước ra môi trường đa văn hoá, bạn sẽ không có niềm tự hào, tự tin khi bạn không đại diện cho một văn hoá nào!
Trân trọng cảm ơn anh!
Tàu Thanh niên Đông Nam Á & Nhật Bản (SSEAYP) là hoạt động ra đời theo thỏa thuận hợp tác giữa Nhật Bản và 5 nước sáng lập ASEAN năm 1974. Đây là chương trình giao lưu văn hóa thường niên được tổ chức hàng năm bởi chính phủ Nhật Bản và 10 quốc gia ASEAN bao gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunel, Philippines, Myanmar và Indonesia. |