Khai mạc sáng 5/10 (dự kiến kết thúc ngày 10/10), Hội nghị Trung ương 13 (khóa XII) thu hút sự theo dõi của đông đảo người dân, một phần bởi có nội dung quan trọng liên quan đến công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được bàn thảo, cùng những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng khác của đất nước.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, công tác nhân sự nói chung, việc giới thiệu, đánh giá nhân sự nói riêng luôn là việc hệ trọng, mang tính quyết định. Trong bối cảnh nhiệm kỳ Đại hội XII sắp kết thúc, đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã, đang, sắp diễn ra, công tác nhân sự càng được công chúng đặc biệt quan tâm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị, phát biểu khai mạc, tóm tắt công tác nhân sự mà Bộ Chính trị, Trung ương khóa XII đã triển khai từ cuối tháng 12/2018 đến nay. Sau những bước thực hiện quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đã có 227 người được quy hoạch, cả diện tái cử và tham gia lần đầu. Tất cả đã được bồi dưỡng kiến thức mới qua 5 lớp được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tổ chức triển khai.
“Việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương đã được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự. Tiểu ban Nhân sự đã chỉ đạo 10 cơ quan chức năng và địa phương liên quan tiến hành thẩm định, kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đối với các nhân sự đã được giới thiệu”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Nhân sự thông báo.
Việc xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự được Trung ương triển khai hết sức chặt chẽ, khoa học, hợp lý, với từng bước trong quy trình bảo đảm đúng, trúng, đủ đầy các tiêu chuẩn, điều kiện. Tuy nhiên, thực tế diễn ra ở đại hội các cấp, ở một số đơn vị sau khi giới thiệu nhân sự đã có những chuyện chưa được như mong đợi.
Ví như xuất hiện tình trạng có đơn thư khiếu kiện liên quan đến người được giới thiệu, và rồi khi cơ quan chức năng xác minh thì sự thật không phải như đơn thư, nhưng cơ hội với người được giới thiệu đã trôi qua. Hay thực tế có những nhân sự trong ban thường vụ nhiệm kỳ cũ đã không trúng cử ban chấp hành nhiệm kỳ mới.
Thực tế có phần nào trái ngược từ hai hiện tượng cụ thể kể trên là rất đáng suy nghĩ.
Kết quả khác nhau giữa việc tuột mất cơ hội đáng tiếc và không tái đắc cử đáng nghĩ suy của những nhân sự được giới thiệu ấy càng cần thiết phải khẳng định rằng, việc xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự với đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn còn có những khoảng chênh, độ vênh nhất định trong thực tiễn.
Khoảng chênh ấy, độ vênh ấy đến từ việc tố cáo sai sự thật, cố tình hãm hại người tài; nó cũng đến từ chính lá phiếu đầy trách nhiệm của mỗi đại biểu tham dự đại hội.
Điều ấy cũng có nghĩa rằng, ngoài những tiêu chuẩn, điều kiện “cứng”, việc đánh giá năng lực, uy tín cán bộ một cách công tâm, khách quan, vì sự nghiệp chung là hết sức quan trọng.
Nhưng, trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị, cá nhân có vai trò, thẩm quyền quyết định công tác nhân sự cũng cần được đề cao đặc biệt, để luôn bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch; không xuất hiện các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự.
Có như thế, mới không gây ra dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Có như thế, mới không bỏ sót người tài đức và những người được lựa chọn thực sự đủ phẩm chất, năng lực, uy tín gánh vác trọng trách của đất nước.