📞

Để vua quan nước Việt không phải mặc áo... Lion King

23:04 | 25/02/2016
“Sản phẩm theo phong cách La Mã, Ai Cập, Trung Quốc… ư? Chẳng có gì khó. Trên internet có vô số họa tiết miễn phí để họa sĩ sử dụng. Thế nhưng, thiết kế được một sản phẩm theo đúng phong cách Việt Nam thì nan giải đấy”, anh Nguyễn Khánh Dương – giám đốc công ty Comicola đã bắt đầu giới thiệu với tôi về dự án Hoa Văn Đại Việt như thế.

Hoa văn Phượng ổ thêu trên áo các phi tần, cung nữ (trái) và phiên bản đã được số hóa.

Trong hàng nghìn họa tiết cổ của Việt Nam, chỉ có duy nhất bộ hoa văn trống đồng đã được số hóa và được chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet. Vì thế, khi thực hiện những dự án có yếu tố cổ trang, các họa sĩ thiết kế rất dễ mắc sai lầm ngớ ngẩn mà điển hình là việc đưa hình ảnh Vua Sư tử (Lion King) của Walt Disney lên áo các vị đại thần trong bộ phim Mỹ Nhân.

Gây quỹ làm thư viện công cộng

Theo họa sĩ Cù Minh Khôi, Hội phó hội Đại Việt Cổ Phong (nhóm các bạn trẻ hứng thú với lịch sử và văn hóa Việt Nam), số người sử dụng đúng hoa văn trong các dự án có yếu tố cổ trang Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đứng trước những bài toán về trang phục, kiến trúc, đa số họa sĩ đều lựa chọn phương án lấy các mẫu họa tiết đã được số hóa của… Trung Quốc. Dần dần, khán giả Việt Nam chẳng phân biệt nổi ông cha mình khác người Trung Quốc ở điểm nào, có gu thẩm mỹ ra sao.

Chính Minh Khôi cũng là người thấm thía nỗi khổ khi Việt Nam thiếu trầm trọng các hoa văn cổ được số hóa. Trong thời gian thiết kế phục trang cho bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông, anh đã phải mất đến tám tháng để sưu tầm, chọn lọc và vẽ lại từng họa tiết cho hàng trăm bộ trang phục.

Chính vì thế, vào giữa năm 2015, Minh Khôi và hội Đại Việt Cổ Phong đã kết hợp với công ty Comicola để thực hiện Hoa Văn Đại Việt - dự án gây quỹ cộng đồng nhằm vẽ lại và số hóa những hoa văn tiêu biểu, đặc trưng nhất của các triều đại Lý, Trần, Lê và Nguyễn. Các hoa văn này sẽ được các thành viên trong Hội hệ thống hóa thành một thư viện và chia sẻ rộng rãi trên internet để sử dụng trong các sản phẩm cổ trang của người Việt.

Các hoa văn nói trên được tập hợp từ những hình ảnh mà các thành viên của Đại Việt Cổ Phong chụp lại trong những chuyến đi thực tế tới các ngôi đền, chùa cổ hay các viện bảo tàng trên khắp cả nước. Để tránh tình trạng các nhà thiết kế sử dụng sai hoa văn, Hội còn cất công biên soạn một cuốn sách hướng dẫn sử dụng. Trong đó, các hoa văn sẽ được ghi rõ nguồn gốc mà các thành viên trong hội sưu tầm, thời kỳ, ý nghĩa và tỷ lệ được sử dụng trên trang phục.

Cẩn thận để khỏi “ăn gạch”

Dù sản phẩm cho ra mắt là một thư viện công cộng nhưng dự án Hoa Văn Đại Việt vẫn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người và đã gần đạt tới mốc 100 triệu đồng mà nhóm thực hiện đề ra.

Sau khi giải quyết nỗi lo về kinh phí, Đại Việt Cổ Phong và Comicola lại phải đối mặt với một nỗi lo khác là đảm bảo tính chính xác của các hoa văn. “Khi ra đời, thư viện có khả năng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, thậm chí sẽ được nhiều người sử dụng làm tiêu chuẩn, vậy nên các anh em đều bảo nhau phải làm thật cẩn thận từng ly từng tí vì chỉ cần sai sót một chút thôi là sẽ bị “ăn gạch đá” từ cộng đồng”, anh Khánh Dương chia sẻ.

Thiết kế phục trang cho phim “Phật Hoàng Trần Nhân Tông”. (Nguồn: Trường quay phim cổ trang Việt Nam – Yên Tử Studio)

Khi quá trình gây quỹ được hoàn tất, những người yêu lịch sử Việt Nam nói chung và những người làm thiết kế nói riêng sẽ phải đợi khá lâu để có thể sử dụng các sản phẩm trong thư viện. Lý do là không phải bất cứ họa sĩ nào cũng có thể vẽ lại và số hóa được các hoa văn này. Theo họa sĩ Minh Khôi, những người thực hiện dự án phải hiểu được cách tư duy mỹ thuật của người xưa. Các cổ vật đã có niên đại hàng nghìn năm nên nhiều chi tiết đã bị mờ. Vì thế, nếu không nghiên cứu, không hiểu biết về lịch sử, các họa sĩ rất có thể sẽ vẽ sai.

Mỗi hoa văn, họa tiết sau khi được hoàn thành đều được Minh Khôi và những người đứng đầu của Đại Việt Cổ Phong kiểm tra rất kỹ lưỡng. Trước khi cho ra mắt, Hội sẽ mời họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (Đức “nhà sàn”), nhà nghiên cứu Trần Quang Đức và một số giảng viên của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp kiểm tra và tư vấn cho thư viện.

Trong phần cuối của buổi phỏng vấn, anh Minh Khôi, anh Khánh Dương và người viết lại “lạc đề” sang việc những người trẻ bị lai căng, không hứng thú với lịch sử nước nhà. Theo hai anh, tình trạng đó xảy ra là bởi những câu chuyện, vấn đề lịch sử chỉ được thể hiện theo cách nhìn một chiều, khô khan. Chính vì thế, trong cuốn sách sắp ra mắt, Hội sẽ tổng hợp ý nghĩa của mỗi hoa văn từ nhiều nguồn thông tin.

Ví dụ như họa tiết “Bảo Tướng hoa” ở thềm điện Kính Thiên. Có nhà nghiên cứu nói đây là hoa sen dây, hoa cúc dây; có sách lại ghi đây là sự kết hợp giữa hai loài hoa trên và hoa mẫu đơn; có người lại cho rằng đây là một loài hoa do người xưa tưởng tượng và tạo tác… Tất cả sẽ được tổng hợp để các độc giả tìm hiểu một cách khách quan và tự chọn ra một định nghĩa cho riêng mình.

Chúng ta đã có quá nhiều “tiếng chuông cảnh tỉnh” được gióng lên bởi các phương tiện truyền thông về hiện tượng người trẻ Việt không thích lịch sử nước nhà nhưng lại vanh vách các sự kiện lịch sử của Nhật Bản, Trung Quốc… Vẫn chưa có một ai có giải pháp để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi là những người trẻ, và chúng tôi hiểu người trẻ cần gì. Chúng tôi không mất thời gian để gióng chuông nữa… Chúng tôi sẽ đứng ra hành động và dự án này là một trong số rất nhiều hành động của chúng tôi.

Nguyễn Khánh Dương, Giám đốc công ty Comicola.