Báo cáo "Đảm bảo công bằng xã hội trong bối cảnh cải cách ngành điện tại Việt Nam" được Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS) xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.
Báo cáo được trình bày tại Hội thảo “Đảm bảo công bằng xã hội trong bối cảnh cải cách ngành điện ở Việt Nam” do CAF/VASS và UNDP phối hợp tổ chức ngày hôm nay 10/1 tại Hà Nội.
Báo cáo cũng đề xuất một lựa chọn chính sách khác cho việc duy trì giá ưu đãi cho 30 kWh điện tiêu thụ đầu tiên mỗi tháng, đó là duy trì mức giá hiện hành đối với bậc thang đầu và tích hợp việc trợ cấp tiền mặt hiện nay vào các chương trình hỗ trợ xã hội khác.
Báo cáo cho rằng xu hướng tăng giá điện trong năm 2017 và những năm tiếp theo là tất yếu, nhưng các biện pháp giảm thiểu tác động nhằm bảo trợ các nhóm thu nhập thấp trong điều kiện tăng giá điện chưa đảm bảo hiệu quả và công bằng.
Báo cáo đề xuất áp dụng mức giá tối thiểu đối với 30 kWh điện tiêu thụ đầu tiên mỗi tháng cho tất cả mọi người. (Nguồn: EVN) |
Báo cáo chỉ ra một số hạn chế của các biện pháp hiện hành và đề xuất một cơ chế mới cho các biện pháp giảm thiểu tác động nhằm đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình chuyển đổi sang thị trường điện bán lẻ hoàn toàn cạnh tranh.
Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, bà Akiko Fujii, cho biết hội thảo tập trung vào kết quả của nghiên cứu thứ tư và là nghiên cứu cuối cùng trong chương trình hợp tác bắt đầu từ năm 2010 giữa UNDP và một loạt các đối tác trong nước nhằm hỗ trợ Chính phủ trong nỗ lực cải cách chính sách tài chính đối với nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam.
Bà Akiko Fujii nhấn mạnh: "Các biện pháp được đề xuất về thay đổi cơ cấu giá điện và trợ cấp tiền mặt không nhằm mục đích áp đặt trách nhiệm xã hội đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà nhằm hỗ trợ EVN tái định hình hệ thống tính phí sử dụng điện để tối ưu hóa phúc lợi và phân bổ lại chi phí giữa người sử dụng. Các biện pháp này là cơ sở cho một hệ thống tính phí đảm bảo bền vững về kinh tế xã hội và môi trường – vừa bảo trợ được người nghèo và vừa thúc đẩy tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng".
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, báo cáo đề xuất Chính phủ hỗ trợ và khuyến khích áp dụng các sáng kiến và công nghệ tiết kiệm năng lượng, để các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ những thay đổi về giá điện và dễ dàng vượt qua giai đoạn chuyển đổi.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, ông Phạm Văn Đức, lưu ý “Cần thảo luận kỹ việc thay đổi giá với các bên liên quan và kịp thời thông tin với các doanh nghiệp và các hộ gia đình để có được sự đồng thuận trong xã hội”.
Nghiên cứu cũng đề xuất ngành điện nên tích cực tìm kiếm khai thác khả năng tăng quy mô sản xuất của các dạng năng lượng thay thế, như điện gió và điện mặt trời.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever cho biết: "Vương quốc Anh đã giảm 29% lượng khí thải so với năm 1990 và chúng tôi sẽ tiếp tục giảm 52% lượng khí thải vào năm 2028. Tại Việt Nam, cùng với các đối tác quốc tế khác chúng tôi sẽ cố gắng chỉ ra rằng tăng trưởng với lượng các-bon thấp hơn, sạch hơn không những chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn đưa đến một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn".